Cái nhìn mới về tôn giáo của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai - 26/07/2021 10:43
3256
Do bị ảnh hưởng của khuynh hướng thiên tả ở một số nước theo chủ nghĩa xã hội, nên tôn giáo ở nước ta trước đây thường được xem xét dưới góc độ chính trị và chỉ thấy những mặt tiêu cực. Việt Nam đổi mới từ năm 1986, nhưng đổi mới về quan niêm tôn giáo chậm hơn phải từ sau Nghị quyết 24/NQ-1990. Khoảng độ vài chục năm trở lại đây, với quan điểm đổi mới, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã có cách đánh giá xem xét khá mới mẻ với vấn đề luôn được coi là “nhạy cảm và tế nhị”- đó là tôn giáo.
Tôn giáo tồn tại lâu đời trong lịch sử nhân loại nhưng xếp nó vào chỗ nào trong các sản phẩm của tinh thần? GS.TS Hồ Ngọc Đại cho rằng: “Vương quốc tinh thần chia ra cho khoa học, nghệ thuật, tôn giáo. Khoa học sống bằng khái niệm. Nghệ thuật sống bằng hình tượng. Tôn giáo sống bằng đức tin…Khoa học cần có chứng, biện minh bằng chứng. Nhưng chứng này chỉ là cái cớ trong nghệ thuật. Còn tôn giáo thì chẳng cần chứng cũng chẳng cần cớ, chỉ cần tin. Mà ai tin thì tin, không tin thì thôi”(1).
Như vậy, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo là những lĩnh vực khác nhau. Mặc dù đều thuộc lĩnh vực tinh thần nhưng chúng có đối tượng, công cụ tiếp cận khác nhau. Mà như vậy, không thể nhân danh khoa học để bác bỏ hay chứng minh sự tồn tại của tôn giáo như một vài người lầm tưởng.
Sau Nghị quyết 24/NQ-1990, Viện nghiên cứu tôn giáo của Viện Hàn lâm KHXH ra đời, rồi Trung tâm nghiên cứu tôn giáo đương đại ở Đại học KHXH Nhân văn Hà Nội ra mắt. Nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế được tổ chức (ảnh trên). Nhiều vấn đề về tôn giáo được đào xới lên.
Vậy tôn giáo có phải là hiện tượng văn hoá không? Các nhà nghiên cứu trước đây không dám công nhận. Vì như vậy, nói bảo tồn văn hoá là đồng nghĩa với bảo tồn tôn giáo. Ngay cuốn “Văn hoá Việt Nam – Tổng hợp 1989-1995” ( Ban Văn hoá văn nghệ Trung ương xuất bản 1989), dày 500 trang, liệt kê đủ phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật nhưng không có một dòng nào nói đến tôn giáo. Song GS Trần Quốc Vượng (ảnh giữa) khẳng định: “Nhìn nhận vấn đề tôn giáo trên quan điểm “văn hoá học” tôi thấy thế này: xét theo lịch sử phát sinh và trưởng thành, tôn giáo vừa là một sản phẩm của văn hoá, vừa là một thành phần hữu cơ, một nhân tố cấu thành của văn hoá” ( 2).
Cũng đồng quan điềm trên đây, GS Ngô Đức Thịnh- Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian cho rằng: “Xét cho cùng, mọi hệ thống biểu tượng của tôn giáo, tín ngưỡng đều là hệ thống biểu tượng của văn hoá, nó vừa chứa đựng hệ giá trị của dân tộc đồng thời là sự thể hiện bản sắc và các sắc thái của dân tộc trong một thời đại nhất định. Trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng đã sản sinh, tích hợp và bảo tồn nhiều hiện tượng văn hoá nghệ thuật mang sắc thái dân tộc độc đáo. Nếu nhìn vấn đề theo phương pháp hệ thống, thì chính tôn giáo, tín ngưỡng là các yếu tố nhân lõi tạo nên hệ thống ấy. Còn các hiện tượng văn hoá nghệ thuật chỉ là các yếu tố phát sinh. Điều này cắt nghĩa rằng, không thể cắt rời các yếu tố tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá kèm theo. Bất cứ một thứ tôn giáo, tín ngưỡng nào xét về bản chất của nó không bao giờ hướng tới cái xấu, cái độc ác mà luôn khuyến khích làm điều thiện, vươn tới cái đẹp, cái cao cả vì lợi ích bản thân và cộng đồng” (3).
Vì sao tôn giáo lại có tính hướng thiện? GS Trần Quốc Vượng lý giải: “Ở trong mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo là thành tựu văn hoá lớn nhất của loài người. Cái từ bi của Phật, cái bác ái của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là những hạt ngọc văn hoá đó” (4).
Tôn giáo không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn làm cho văn hoá các dân tộc được bảo tồn. PGS.TS Nguyễn Đức Lữ- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh viết: “Thông qua sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người mà tín ngưỡng, tôn giáo đã tô đượm cho văn hoá dân tộc nhiều sắc màu. Các cơ sở thờ tự của tôn giáo thường là nơi diễn ra nghi lễ, thờ phụng của tín đồ tôn giáo, đồng thời cũng là nơi lưu giữ văn hoá truyền thống làm cho văn hoá dân tộc có sức sống trường tồn” (5).
Trước đây có không ít người coi tôn giáo đồng nghĩa với mê tín, lạc hậu và phản khoa học. Song GS. Đặng Nghiêm Vạn- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo cho rằng: “Niềm tin tôn giáo không phải là niềm tin mê muội, cuồng tín thiếu suy nghĩ. Người tín đồ tôn giáo trước hết là người hiểu một cách trí tuệ điều mình tin, điều mình coi là thiêng liêng… Niềm tin tôn giáo cũng không thể là những hiện tượng được xem là phản văn hoá, trái với tiến bộ, văn minh” (6). GS. Vũ Khiêu cũng khẳng định: “Người ta cứ nghĩ rằng, ánh sáng khoa học tiến tới đâu thì bóng đen tôn giáo sẽ lui tới đó. Nhưng cho đến nay, khoa học vẫn không đẩy lùi được tôn giáo. Những viễn tượng phong phú của thời đại đang kích thích cả khoa học và tôn giáo. Khoa học và tôn giáo không chỉ đối chọi nhau mà còn là bạn đồng hành tương đối lâu dài trong cuộc hành trình của nhân loại tiến về chân trời chân lý. Con người ta mỗi bước tiến đến gần chân lý thì chân lý lại lùi xa thu hút cả khoa học và tôn giáo” (7).
2. Đóng góp của tôn giáo đối với văn hoá, xã hội được nhiều nhà nghiên cứu minh chứng trong khá nhiều bài viết gần đây. Chính tâm linh tôn giáo góp phần giữ gìn đạo đức con người, ổn định trật tự xã hội. Nó đã góp thêm một thiết chế để “giữ xã hội trong vòng trật tự” cùng với pháp luật, dư luận, đạo đức. GS. Nguyễn Đình Chú viết: “Xin nhớ rằng, hiến pháp có chặt chẽ đến đâu, pháp luật dù có được quy định ngóc ngách đến đâu so với sự sống thiên hình vạn trạng vẫn còn khe hở. Cảnh sát trần gian dù có đông đủ nghiêm túc đến đâu (mà thực tế làm gì có nghiêm túc cả) vẫn không đủ bao hết sự đời. Phải có thêm cảnh sát cõi âm, loại cảnh sát nằm ngay trong tâm linh mỗi người, không loại trừ ai, kể cả ông vua có quyền uy tối thượng trị vì trăm họ, mới mong đảm bảo có cuộc sống tốt lành nhiều hơn. Trong điều kiện thiện ác vốn dĩ cứ tranh chấp triền miên cùng nhân loại” (8).
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương- Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo cũng khẳng định trong một cuốn sách chuyên khảo về tôn giáo: “Tôn giáo nào cũng khuyên con người- tín đồ, làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện, yêu người, cho người đói ăn, cho kẻ khát uống. Tôn giáo dạy con người tu thân, tề gia, đưa ra những chuẩn mực trong quan hệ vua- tôi, cha – con, vợ- chồng, thày –trò. Hầu hết các nội dung trên là những lời răn dạy của các đấng sáng lập tôn giáo (Chúa Trời, Phật, Thánh Ala…), trở thành quy chuẩn, mô phạm điều chỉnh những hành vi của con người, tín đồ” (9).
Trước đây, có người phê phán đạo đức tôn giáo là uỷ mỵ, trốn đời chỉ có tác dụng “bảo vệ chế độ bóc lột” nhưng GS.TS Nguyễn Hữu Vui cho rằng: “ Lâu nay, các nhà nghiên cứu Mác xít hai loại đạo đức (nhân loại và tôn giáo), thường chỉ nhằm mục đích là lên án, phê phán đạo đức tôn giáo, phủ nhận nó một cách triệt để, mà không thấy rằng chính trong sự khác biệt đó lại chứa đựng một mối liên hệ tác động qua lại và nhận thức mối liên hệ đó có ý nghĩa không kém phần quan trọng đối với công cuộc xây dựng xã hội mới của chúng ta” (10).
Bởi vậy, từ lâu tôn giáo đã trở thành nhu cầu của số đông người dân. Ngay ở Việt Nam, số lượng tín đồ các tôn giáo chiếm hơn 1/4 dân số. Nếu kể cả những người theo đạo tổ tiên, ông bà thì hầu hết đều có tôn giáo, tín ngưỡng. Cho nên tôn giáo không chỉ là nhu cầu của cá nhân mà còn của cả xã hội nữa. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết: “Xét về mặt đời sống xã hội thì niềm tin là một trong những nhu cầu cơ bản không thể thiếu đối với con người. Đây là nhu cầu thuộc tâm linh. Nếu bị khủng hoảng hay mất lòng tin vào cộng đồng thì sẽ rối loạn hành vi. Một xã hội có niềm tin lành mạnh sẽ tạo sự ổn định trong phát triển” (11).
Do đó, nếu nhà nước nào chủ trương dùng các biện pháp để xoá bỏ tôn giáo là một sai lầm. GS Phạm Như Cương đã gọi sai lầm đó là “bệnh kiêu ngạo cộng sản”: “Những sai lầm, khuyết điểm của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ bao gồm cả những sai lầm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo, nổi lên là khuynh hướng muốn xoá bỏ tôn giáo một cách nhanh chóng bằng các biện pháp hành chính và có khi bằng cả trấn áp bạo lực là một thứ chủ nghĩa vô thần cực đoan, thô thiển. Những sai lầm đó không chỉ gây tổn thất cho đời sống tinh thần của xã hội mà còn dẫn đến ngưng đọng sự phát triển” (12).
GS Đặng Nghiêm Vạn- nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban tư vấn về tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhận xét tương tự: “Thực tế đã hình thành trong tư tưởng cán bộ quan niệm rằng, phát triển tôn giáo là không có lợi cho cách mạng. Đó là do sự hiểu biết hạn hẹp của họ chỉ xét tôn giáo qua những hành động tôn giáo phục vụ mục đích chính trị đơn thuần, nên đã vô tình gây ra những đối lập không cần thiết giữa nhà nước và các tôn giáo. Do đấy dẫn đến thái độ họ không thấy vai trò tôn giáo trong đời sống xã hội, trên cả mặt văn hoá, đạo đức, tâm lý…Thành kiến với tôn giáo đẫn đến thu hẹp nhu cầu chính đáng của các tín đồ tôn giáo, vi phạm ngay những điều nhà nước đề ra” (13).
Trên thế giới cũng như nhiều triều đại ở nước ta trước đây cũng đã từng duy ý chí muốn xoá bỏ tôn giáo bằng cách này hay cách khác nhưng không thành. GS Vũ Khiêu đã giải thích nguyên nhân đó: “Tôn giáo là một hiện tượng không thể dễ xoá bỏ trước sự tấn công của chủ nghĩa vô thần. Nó là hiện tượng suy thoái lại hồi sinh, nén ép lại vùng lên, dập tắt lại bùng cháy. Duy trì nó hay gạt bỏ nó chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính con người bởi nó tồn tại trong tâm linh sâu kín của con người. Ở đây không có một sức mạnh nào từ bên ngoài có thể xông vào tiêu diệt nó” (14).
Dĩ nhiên, nhà nước có thể giải thích rằng, do tôn giáo dễ bị lợi dụng, thao túng cho các mục tiêu chính trị nên phải canh chừng, cảnh giác. Nhưng GS Phạm Như Cương nói: “Dĩ nhiên việc đối phó với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo là vấn đề quan trọng, lâu dài, cần đề cao cảnh giác nhưng thái độ phòng thủ, bị động đó làm cho chúng ta không nhìn thấy và sử dụng hết khả năng, sức mạnh của chế độ mới trong việc biến cộng đồng tôn giáo thành một lực lượng tích cực, chủ động tham gia xây dựng một xã hội mới không chỉ về mặt kinh tế, vật chất mà cả tinh thần, văn hoá” (15).
Riêng với đạo Công giáo, các nhà nghiên cứu hiện nay cũng đặc biệt quan tâm và có nhiều khám phá mới mẻ nhất là trong việc ghi nhận những đóng góp của tôn giáo này với xã hội, văn hoá Việt Nam.
Đóng góp đầu tiên được nhiều người khẳng định đó là việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ. GS Trần Quốc Vượng viết: “Việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ hay việc latinh hoá chữ Việt, về lâu về dài đây là một thành tựu văn hoá lớn và có tác dụng sâu xa đến việc phổ biến tri thức, thông tin đến việc phát triển nền văn hoá giáo dục cận hiện đại Việt Nam. Thành tựu văn hoá này gắn với lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam và thật điên rồ khi muốn tách bạch văn hoá và tôn giáo trong đời sống xã hội ngày xưa, chỉ thừa nhận văn hoá là tích cực còn tôn giáo là tiêu cực” (16).
Ngay từ đầu thế kỷ XX, nhiều chí sĩ của nhóm Duy tân, Đông kinh nghĩa thục đã coi học chữ quốc ngữ là một trong sáu kế để mở mang dân trí. Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm nhận định: “Các giáo sĩ người Âu đã đặt ra chữ quốc ngữ, chủ ý là để có một thứ chữ để viết tiếng ta cho tiện và dùng cho việc truyền giáo. Không ngờ rằng, vị thế lịch sử xui khiến, chữ ấy nay đã thành văn tự phổ thông của cả dân tộc Việt Nam. Đành rằng cũng như các công trình do con người sáng tạo ra, thứ chữ ấy cũng có vài khuyết điểm, nhưng ta nên nhận rằng ở trên hoàn cầu này không có thứ chữ nào tiện lợi và dễ học bằng thứ chữ ấy”(17).
Nhà văn Kim Lân còn dứt khoát khẳng định: “Tôi rất biết ơn Alexandre de Rhodes. Hội Nhà văn cần phải dựng tượng ông ấy. Cái chữ nó ghê lắm. Không có ông ấy thì tôi, bà Anh Thơ, ông Nguyên Hồng …không thể trở thành nhà văn được” (18).
Chỉ tiếc rằng, cho đến tận hôm nay vẫn có ngưòi tố cáo Alexandre de Rhodes là “gián điệp” cho Pháp và đẻ ra thứ chữ làm mất đi chữ Hán, mặc dù ông mất gần 200 năm sau Pháp mới đến Việt Nam (5-11-1660) và quyết định dùng chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chính và thi cử ở nước ta lại do Thống sứ Bắc Kỳ ký năm 1910.
Đạo Công giáo không chỉ có đóng góp cho văn hoá Việt Nam về mặt ngôn ngữ, nó còn là chiếc cầu nối giao lưu giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá phương Tây. Các tác giả của đề tài nghiên cứu KX.07 do GS Nguyễn Tài Thư làm chủ nhiệm đã nhận xét: “Nếu nói ảnh hưởng của văn hoá tư tưởng phương Tây ở Việt Nam thì chắc chắn đạo Thiên Chúa là nhân tố đầu tiên của sự ảnh hưởng này. Và như vậy, trong lịch sử, tôn giáo luôn luôn đóng vai trò là một trong những sứ giả đi đầu trong những cuộc viếng thăm, tiếp xúc giao lưu văn hoá giữa các dân tộc” (19).
Đạo Công giáo cũng đóng góp cho Việt Nam trong việc truyền bá các thành tựu khoa học văn minh của nhân loại thông qua các nhà truyền giáo buổi đầu. GS Phan Huy Lê viết: “Trong hàng ngũ giáo sĩ có những người chỉ hoạt động vì đức tin và cũng góp phần truyền bá một số thành tựu văn minh phương Tây vào Việt Nam. Nhà toán học và thiên văn học Jean Baptisle Sanna (Ý), Sebatien Pices (Bồ), Francoi de Lima (Bồ), Joseph Neugebeaur (Đức), nhà y học Sibert (Tiệp), Chales salemenski (Hung), Jean Koffler (Tiệp), Jean de Lourerio (Bồ)…là những giáo sĩ đã giúp chúa Nguyễn ở Đàng Trong” (20).
Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, GS Đỗ Quang Hưng (ảnh dưới bên trái cùng tác giả- thứ ba, trong một hội thảo quốc tế về tôn giáo) cũng tán đồng nhận định của sử gia người Pháp Alain Forest : “Xét cả trên phương diện kinh tế của vấn đề hiện đại hoá, những nhà truyền giáo phương Tây cũng đem lại những sự thay đổi về tổ chức kinh tế cho cộng đồng Kitô hữu: lối mua sắm đất đai, can dự vào việc phân chia giàu nghèo, lối làm ăn cho vay lấy lãi” (21). Điều này rất đúng với nước ta vì người Việt Nam trước đây vốn coi trọng nghề nông, xem thường buôn bán, gọi là bọn “con buôn” và theo thang bậc trong xã hội “sĩ, nông, công, thương”, thì thương gia là dưới đáy thấp nhất.
Đạo Công giáo không chỉ là cầu nối giao lưu văn hóa, văn minh- Đông- Tây, làm phong phú văn hóa Việt Nam mà còn có cả vấn đề đổi mới tư duy, lối sống của người Việt như PGS.TS Nguyễn Quang Hưng viết: “ Như vậy, cũng như đóng góp của người Công giáo trong kiến trúc, hội họa, âm nhạc…là một thực tế. Giờ đây, chúng ta cần ghi nhận những đóng góp của người Công giáo làm đa dạng, phong phú thêm tư duy và lối sống của người Việt Nam” (22).
Là người có điều kiện đi nhiều nơi, hắp đất nước Việt Nam, TS Nguyễn Quang Du- Tổng Bên tập Tạp chí Mặt trận Tổ quốc chia sẻ: “Đồng bào Công giáo ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, không kể thành thị hay nông thôn, miền đồng bằng ven biển hay miền núi cao, hải đảo đều đồng hành cùng hoà mình yêu thương lẫn nhau, yêu Tổ quốc, yêu quê hương…Chính cách nghĩ, cách làm như vậy mà đồng bào Công giáo ngày càng có vị trí xứng đáng trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” (23).
Đương nhiên, nếu chỉ có đồng bào các tôn giáo nói chung hay Công giáo nói riêng thì cũng không thể xây dựng được xã hội này tiến lên mà đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Chẳng hạn vấn đề hội nhập văn hoá dân tộc như nhận xét của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng: “Hội nhập văn hoá dân tộc không chỉ là công việc riêng của người Công giáo mà nó cần sự cổ vũ, khích lệ của phía ngoài Công giáo và từ phía cấp chính quyền. Người ngoài Công giáo không nên nhìn nhận theo lối cũ, coi những yếu tố văn hoá châu Âu Kitô giáo như những gì xa lạ với văn hoá truyền thống, mà ngược lại, như một sự bổ sung thêm, làm phong phú văn hoá truyền thống của dân tộc. Cơ sở của cách nhìn mới chính là truyền thống khoan dung, đoàn kết, tương nhân tương ái của dân tộc ta” (24).
Từ chỗ muốn loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội đến chỗ thừa nhận giá trị văn hóa, giá trị đạo đức của tôn giáo rồi Chỉ thị 18 /CT-TW ngày 18-1-2018 và văn kiện Đại hội 13 của Đảng mới đây đã xác định tôn giáo là nguồn lực quốc gia. Đó là bước thay đổi rất lớn trong quan niệm về tôn giáo của Nhà nước Việt Nam. Có được sự thay đổi đó là có công của các nhà nghiên cứu về tôn giáo tại Việt Nam cũng như chính hiện thực sinh động của các tôn giáo trong đó có Công giáo. Chúng ta ước mong có nhiều cái nhìn mới như vậy về tôn giáo cũng như Công giáo để đạo và đời hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn./.
Chú thích: - Phó Viện trưởng Viện Trí Việt, Giám đốc Trung tâm Tôn giáo học
1- Công nghệ giáo dục, Báo Văn nghệ số 38 ngày 9-9-1995
2,4- Tôn giáo là và văn hoá, Báo NCGVN Xuân Kỷ Tỵ 1989
3- Báo Thể thao văn hoá ngày 11-12-1998
5- Giá trị văn hoá của tôn giáo, Tạp chí Công tác tôn giáo số 3-2010, tr.21
6,10,12,13, 14,15- Những vấn đề tôn giáo hiện nay, Nxb KHXH 1994, tr63;144; tr.78; tr.61; tr.138; tr.119
7- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, Nxb Tôn giáo 2003,tr.76
8- Văn hoá đại cương và văn hoá VN, Nxb KHXH 1996, tr.123
9- Tôn giao trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở VN, Nxb KHXH 2004, tr.43
11- Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, Nxb KHXH 2001, tr.11
16- Trong cõi, Nxb Trăm hoa, USA 1991, tr.186-187
17- Việt Nam văn học sử yếu, Sài Gòn 1960, tr.180
18- Trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên số 26 ngày 26-1-2002
19- Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người VN hôm nay, Nxb CTQG 1997, tr.59
20- Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa và lịch sử dân tộc VN, KHXH 1988, tr.19
21- Một số vấn đề về lịch sử đạo Thiên Chúa ở VN, Đại học Tổng hợp Hà Nội 1988, tr.62
22-Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế, Nxb Tôn giáo 2009, tr.536
23- Nửa thế kỷ người Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, Nxb Tôn giáo 2005, tr.85-86
24- Từ Công đồng Vatican 2 đến Thư chung 1980, Nxb Tôn giáo 2005, tr.108.
Tác giả: TS. Phạm Huy Thông*