Sống mầu nhiệm Giáo hội thời đại dịch

Thứ hai - 26/07/2021 10:26  1836
bai giao ly 11Đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây nên là một sự dữ không ai mong muốn. Những hậu quả tang thương mà nó gây ra cho gia đình nhân loại là vô cùng lớn. Bầu không khí ảm đạm như đang bao trùm khắp thế giới và ngay tại Việt Nam. Cuộc sống của hầu hết mọi người bị thử thách, đe doạ và đảo lộn nghiêm trọng. Con virus nhỏ bé nhưng sức tàn phá khủng khiếp đưa đến những cảnh tượng thật đau lòng: chết chóc, chia ly, xa xách. Nhân loại vẫn gặp vô vàn khó khăn trong việc khống chế cơn dịch. Thế nhưng, một cách nào đó, dịch bệnh là cơ hội giúp con người nhìn lại để chọn lựa và điều chỉnh đời sống của mình. Nó dạy con người biết khiêm tốn hơn, tập sống buông bỏ để hoàn toàn tín thác vào Chúa. Đây cũng là dấu chỉ thời đại giúp con người tỉnh thức và sám hối, là thời gian để có kinh nghiệm sống nghèo, sống chậm. Thời gian chiến đấu với dịch bệnh cũng giúp con người được giáo dục về tinh thần ý thức trách nhiệm, nhắc nhở họ về tình liên đới, sẻ chia lâu nay nhạt nhoà. Hơn nữa, đây là cơ hội để mỗi người thực thi lòng mến với anh chị em đồng bào của mình...

Xét theo khía cạnh khác, thời gian dịch bệnh cũng là cơ hội giúp người tín hữu hiểu nhiều hơn về mầu nhiệm Giáo hội. Ở đây không có ý khai triển cách hệ thống những suy tư thần học về mầu nhiệm Giáo hội nhưng chỉ muốn đề cập tới một vài gợi ý thực hành giúp người Kitô hữu sống mầu nhiệm Giáo hội một cách cụ thể và sâu sắc hơn trong những thời khắc phải vật lộn với đại dịch Covid-19 này.

Giáo hội là Dân Thiên Chúa

Thời đại dịch cũng là lúc con người thắc mắc về sự hiện hữu của Thiên Chúa một cách day dứt hơn như đã từng xảy ra khi đối diện với những thảm hoạ trong lịch sử. Người ta đặt ra vấn nạn Thiên Chúa ở đâu giữa cơn dịch bệnh để rồi chối bỏ Người hoặc tỏ ra nghi ngờ về sự Toàn Năng, Toàn Thiện của Thiên Chúa. Cùng với đó, sự dữ ngày càng nhiều trên thế gian khiến con người mất tin tưởng vào một Thiên Chúa Tình Yêu. Giáo hội là dân của Thiên Chúa, một dân nhận biết Người trong chân lý, và phụng sự Người cách thánh thiện, cho nên mọi thành viên của Giáo hội cần phải khám phá dung mạo đích thực của Thiên Chúa để loại bỏ những hoài nghi về sự toàn năng tốt lành của Ngài.

Nếu đại dịch Covid-19 là một sự dữ thể lý, do sự bất toàn của thân phận thụ tạo, do những trục trặc của định luật tự nhiên và con người vô tình làm lây lan thì thật không dễ dàng để hiểu tại sao Thiên Chúa cho phép một thảm hoạ với sự huỷ diệt khủng khiếp đến thế xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta có quyền tín thác và hy vọng vào Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8), Đấng là chủ vũ trụ, điều khiển lịch sử và nắm giữ số mạng con người (x. Tv 15,5) thì biết rõ điều gì là tốt nhất cho con người. Theo ý muốn khôn ngoan và nhân hậu của Ngài, trần gian luôn “trong tình trạng lên đường” hướng về sự hoàn hảo cuối cùng của nó [1]. Dĩ nhiên, mọi thay đổi chắc chắn đòi hỏi nhiều đau khổ.

Còn nếu SARS-CoV-2 là sản phẩm của con người (virus Vũ Hán?) thì hẳn con người phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa và chịu trách nhiệm rất lớn trước đồng loại. Thiên Chúa không bao giờ, bằng bất cứ cách nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp, là nguyên nhân của sự dữ luân lý nhưng Thiên Chúa, trong sự quan phòng toàn năng của Ngài, có thể dẫn đưa tới điều thiện hảo từ những hậu quả của sự dữ, cho dù là sự dữ luân lý, do các thụ tạo của Ngài gây nên [2]. Trong và qua sự dữ, Thiên Chúa biến nó thành những gì lợi ích cho con người. Giáo hội trên con đường lữ hành tiến về Quê Trời không thể tránh khỏi những khó khăn, thử thách nhưng thay vì bi quan, thù hằn và sợ hãi, các tín hữu được mời gọi khám phá ở đó những ơn lành của Thiên Chúa [3].

Khi đối diện với đau khổ, Giáo hội, Dân Thiên Chúa cũng cần tránh những cái nhìn sai lầm về Ngài. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải là một Thiên Chúa tàn nhẫn như thể vui thích việc hành hạ con người để thử thách lòng trung thành. Thiên Chúa không gửi đau khổ đến cho con người như quan niệm bình dân vẫn dùng để an ủi nhau. Đau khổ không phải là điều Thiên Chúa muốn cho con người. Thiên Chúa không làm điều dữ (x. G 34,12). Ngài cũng không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong (Kn 1,13). Thiên Chúa luôn bao bọc, chăm sóc và bảo vệ dân Người (x. Tv 138,8), như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh, che chở con trước mọi tấn công của sự dữ (x. Mt 23,37; Lc 13,34). Thật thế, không gì có thể ngăn cách được tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Người.

Dân Thiên Chúa có luật là giới răn mới của yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Lòng ích kỷ đã từng thu hẹp luật này lại bằng cách giải thích người thân cận theo nghĩa rất giới hạn. Thầy tư tế và thầy Lêvi không giúp đỡ người gặp nạn trên đường chỉ bởi ích kỷ, dùng rào cản luật lệ mà coi đó không phải là đối tượng mà họ phải yêu thương (x. Lc 10,31-32). Chúng ta phải xác tín rằng người thân cận của tôi là người mà chính trong lúc này đang cần tôi giúp đỡ (Clément Dillenschnelder). Hơn lúc nào hết, tinh thần bác ái Kitô giáo đòi buộc người tín hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là người thân cận [4], để không một ai bị loại trừ, bị lãng quên hay bị bỏ lại phía sau trong cơn đại dịch. Mọi người đều có phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Chẳng hay ho gì khi phải khoanh vùng đối tượng để yêu thương.

Sứ mạng của dân Thiên Chúa là trở nên muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5,13-16), làm dậy men Tin Mừng cho nhân loại. Ngay cả trong những khủng hoảng, tai ương hoặc khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, người Kitô hữu phải chọn làm người tử tế để giải thoát mình khỏi thói độc ác đôi khi len lỏi vào mối tương quan của con người, khỏi mối bận tâm lo lắng vốn ngăn cản chúng ta nghĩ đến người khác, khỏi những hối hả vô tâm đến độ quên rằng người khác cũng có quyền được hưởng hạnh phúc [5]. Con cái Thiên Chúa được mời gọi thi hành sứ mạng ấy bằng sự cộng tác với những người hữu trách và nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng qua việc khai báo y tế cách trung thực, không trốn cách ly, không vội chia sẻ hay tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận, loại bỏ những hành vi trục lợi, đầu cơ tích trữ, tranh giành liều vaccine nhưng sẵn sàng sẻ chia, dấn thân... Có như thế, những giá trị Tin Mừng mới được lan toả và Giáo hội mới thực sự trở nên dân riêng của Thiên Chúa, một dân hăng say làm việc thiện (x. Tt 2,14).

Giáo hội là Nhiệm Thể Đức Kitô

Đức Kitô là Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Giáo hội. Giáo hội được liên kết với Đầu nhờ đức tin và lời cầu nguyện. Giữa bộn bề thử thách, hiểm nguy của cơn dịch bệnh, người tín hữu vẫn tin rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người và chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng duy nhất có quyền năng giải thoát và chữa lành. Như lời cầu nguyện mà Hội Thánh dâng lên Chúa: “Lạy Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất, là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành, và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách. Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa. Xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa đang ân cần nâng đỡ chúng con” [6].

Sứ mạng của Giáo hội và cũng là phương thuốc hữu hiệu mà người Kitô hữu cống hiến cho nhân loại, đó là tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện [7]. Biết bao lời nguyện chân thành, trong âm thầm hay giữa cộng đoàn đã được dâng lên Thiên Chúa trong thời gian dịch bệnh với niềm xác tín chắc chắn sẽ được Thiên Chúa tín trung nhậm lời. Ở những vùng không có dịch, nhiều giáo xứ, cộng đoàn tu trì, nhóm cầu nguyện đã tổ chức những buổi Chầu Thánh Thể, cầu nguyện Taizé để cầu bình an cho thế giới trong cơn đại dịch. Khi biết đảm nhận những đau khổ, nhờ kết hợp với cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, người tín hữu đem lại cho thế giới hy vọng được cứu chữa bởi niềm tin rằng đau khổ và sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng.

Đại dịch khiến nhiều nhà thờ phải đóng cửa, các sinh hoạt tôn giáo phải tạm ngưng, việc tham dự Thánh lễ cũng bị hạn chế nhưng đại dịch không làm chúng ta phải xa cách Thiên Chúa. Dịch bệnh có thể cản trở người Kitô hữu gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể cách trực tiếp nhưng lại giúp họ nhận ra trong những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập khó nghèo và đau khổ của mình [8]. Linh mục Pierre nói: “Chúa Kitô không biết lạnh trong Bánh Thánh, nhưng Ngài thật sự bị lạnh khi tay chân trẻ em và người nghèo khổ bị tê cóng” [9]. Chúa Kitô đang hiện diện và kêu cầu sự giúp đỡ nơi các chi thể khổ đau, bệnh tật, khó khăn, thiếu thốn.

Sự hợp nhất của Nhiệm Thể làm phát sinh và cổ võ đức mến giữa các tín hữu. Mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể duy nhất (x. Rm 12,5). Từ đó, nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau (1Cr 12,26). Các chi thể liên kết với nhau trong đau khổ. Tình người toả lan giữa đại dịch. Hy sinh lên ngôi giữa những thử thách chất chồng. Những chi thể “khoẻ mạnh” đang bắt chước người Samari nhân hậu biết chạnh lòng thương trước nỗi thống khổ của tha nhân, biết động lòng trắc ẩn trước những hoàn cảnh đang cần sự giúp đỡ và dám bước ra khỏi vùng an toàn để sẵn sàng động chạm vào những vết thương. Tình bác ái chân thành là dấu chỉ hữu hiệu cho thấy rõ Thiên Chúa ở cùng Giáo hội và có Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn giúp Giáo hội nên giống Đức Kitô, vị Hôn Phu của mình. Người Việt mình cũng luôn đề cao tình liên đới tương thân tương ái: Môi hở răng lạnh, máu chảy ruột mềm, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Thật đẹp khi vào những thời khắc khó khăn nhất cũng là lúc người ta được chứng kiến các chi thể gắn bó mật thiết với nhau. Khắp các Giáo phận, giáo xứ phát đi lời kêu gọi cầu nguyện và quyên góp, chung tay lan toả yêu thương giữa đại dịch. Mọi trái tim như cùng chung một nhịp đập, vui buồn có nhau. Thật cảm động hình ảnh những người đồng bào, trong đó có cả những cụ già, em bé mồ côi, người khuyết tật đều hướng lòng về Sài Gòn và miền Nam ruột thịt thân yêu. Từng chuyến xe Nam tiến nối đuôi nhau vận chuyển hàng tiếp tế. Biết bao nhóm người thiện nguyện sẵn sàng lên đường chi viện. Những bó rau, bát gạo, trái trứng đơn sơ chất chứa đậm sâu nghĩa tình đồng bào. Đại dịch đã trở thành một cơ hội để thực thi lòng thương xót, để thể hiện sự quan tâm chăm sóc. Đức Thánh cha Phanxicô nói rằng: Nền văn hoá quan tâm và chăm sóc như một con đường dẫn đến hoà bình, như một cách thức chống lại văn hoá của sự thờ ơ, thải loại và đối đầu có vẻ như đang thắng thế trong thời đại chúng ta [10].

Giáo hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần hằng ngự trị trong trái tim của dân Thiên Chúa như trong một đền thờ. Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất, là mối dây yêu thương. Ngài thúc đẩy mọi người xích lại gần nhau, nên một với nhau. Thời gian dịch bệnh cũng là lúc người ta được thấy sự đồng tâm nhất trí, đồng lòng chung sức ở mức cao nhất. Thánh Thần làm bừng sáng lên hình ảnh Hiền Thê xinh đẹp của Chúa Kitô. Một Giáo hội hiệp nhất trong yêu thương. Một Giáo hội khiêm nhường phục vụ. Một Giáo hội lựa chọn đứng về phía người nghèo. Một Giáo hội sẵn sàng đón nhận và ôm ấp tất cả. Một Giáo hội biết quảng đại trao ban noi gương Đấng Sáng Lập. Tất cả gần gũi nhau ở tấm lòng, sẻ chia  những gì mình có cách chân thành, trợ giúp nhau bằng những nghĩa cử cao đẹp và nên một với nhau trong lời cầu nguyện.

Thánh Thần là Đấng huấn luyện và dẫn dắt Giáo hội. Nhờ ân sủng, Chúa Thánh Thần giúp các tín hữu có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và phận vụ khác nhau, để mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Hội Thánh, mưu ích cho con người và những nhu cầu của trần gian [11]. Ngài soi sáng hướng dẫn, thúc đẩy và ban sức mạnh giúp mỗi người dấn thân gánh vác những công việc khác nhau nhằm đẩy lui dịch bệnh. Trong cơn đại dịch, tất cả mọi người đều liên đới và đồng trách nhiệm [12]. Tất cả chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời tất cả chúng ta đều quan trọng và cần thiết, tất cả đều được kêu gọi cùng nhau chèo chống [13].

Nhiều linh mục đã tự nguyện xung phong vào phục vụ bà con tín hữu trong các vùng cách ly hay để cử hành các nghi thức sau cùng cho các bệnh nhân tử vong. Có giáo phận sáng kiến đồng hành thiêng liêng qua điện thoại để các linh mục có thể thăm hỏi, tư vấn, khích lệ, an ủi hay cầu nguyện cùng những nạn nhân của đại dịch đang gặp lo âu, sợ hãi, khủng hoảng, giúp họ kiên vững sống ơn gọi Kitô hữu của mình. Nhiều linh mục tổ chức cho cộng đoàn cầu nguyện, quyên góp cho các nạn nhân dịch bệnh. Các ngài đang làm sáng lên hình ảnh người mục tử nhân lành hết mình vì đoàn chiên.

Rất đông các tu sĩ, chủng sinh cùng với các tăng ni Phật giáo sẵn sàng chấp nhận khó khăn nguy hiểm, tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh bằng những công việc tông đồ trong môi trường bệnh viện theo hướng dẫn của ngành y tế. Quả thực, đây là cơ hội rất tốt để các tu sĩ Công giáo thực thi sứ mạng của ơn gọi thánh hiến [14], tiên phong dấn thân tận hiến phục vụ tha nhân qua việc chăm sóc, an ủi và xoa dịu nỗi đau, mang lại niềm hy vọng và niềm vui cho các nạn nhân đại dịch. Sự hiện diện của các tu sĩ tại những nơi dịch bệnh bùng phát chính là dấu chỉ để mọi người nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu và Chúa Giêsu đã “yêu đến cùng” thế nào [15].

Giáo dân cũng tích cực góp phần mình cộng tác cùng Giáo hội và xã hội đẩy lui dịch bệnh. Đó là việc tuân thủ những quy định, hướng dẫn của ngành y tế và cơ quan chức năng; đóng góp tuỳ theo khả năng để đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp cho những ai đang vất vả mưu sinh giờ lại thêm gánh nặng của dịch bệnh; tha thiết cầu nguyện xin Chúa ban bình an cho nhân loại. Chúng ta phải gửi lời cám ơn chân thành đến những người hữu trách đang làm tất cả những gì có thể, đến các nhân viên y tế đang phải làm việc đến rã rời kiệt sức, đến những con người ngày đêm canh gác ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đến những ai có khả năng đang miệt mài nghiên cứu giải pháp khống chế đại dịch.

Tất cả mọi thành phần trong Giáo hội, tuỳ theo đặc sủng, là những viên đá xây nên Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Nhưng phải là những viên đá sống động, vui tươi, tích cực chứ không phải những viên đá mệt mỏi, chán nản, thờ ơ [16]. Nếu ai đó dửng dưng ngoài cuộc thì Đền Thờ Chúa Thánh Thần như mất đi một viên đá, toà nhà Giáo hội như thiếu đi một cái gì đó. Trong cơn đại dịch, tất cả đều được mời gọi nhập cuộc. Qua đó, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các con cái Thiên Chúa mới có thể mang lại hoa trái tốt lành, để Giáo hội thực sự là nơi “Thần Khí trổ hoa” như cách diễn tả các của giáo phụ [17].

Trong Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Nhà nguyện Thánh Thể bên trong Đền thờ Thánh Phêrô ngày 31/5/2020, Đức Thánh cha Phanxicô nhắc tới ba kẻ thù của hồng ân, luôn ẩn nấp tại cánh cửa tâm hồn, cản trở mỗi người trao ban chính mình, đó là thái độ chỉ yêu mình, thái độ duy nạn nhân và thái độ bi quan [18]. Người Kitô hữu sống thời đại dịch cũng cần tránh thái độ ích kỷ, khép kín, đặt mình vào vị trí trung tâm để rồi chỉ nghĩ cho mình mà làm ngơ trước những nhu cầu của người khác; không nên nhìn nhận mình là nạn nhân duy nhất và cho rằng chẳng ai hiểu mình, chẳng ai giúp mình, chẳng ai yêu thương mình; và tránh thái cực bi quan, nổi giận với thế giới, thu mình và chẳng làm gì để rồi mất tin tưởng và cậy trông.

Đại dịch chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Thân Thể Giáo hội chắc chắn vẫn còn mang trong mình những vết thương. Thay vì phàn nàn, trách móc hay lo lắng, sợ hãi, người Kitô hữu cần tận dụng thời gian dịch bệnh để đi vào mối tương quan gắn bó mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa và sống mầu nhiệm Giáo hội cách ý thức hơn. Nhờ đó, mỗi người sẽ trở nên những phần tử thánh thiện của dân Thiên Chúa, thành những chi thể sống động của Thân Thể Đức Kitô và nên đền thờ xứng đáng cho Thánh Thần ngự trị, ngõ hầu thánh hoá chính mình và nhất là tìm được sự bình an để vượt qua đại dịch.

Chú thích


[1] x. Sách GLHTCG, số 310.
[2] x. Sách GLHTCG, số 311-312.
[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010: Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, số 18.
[4] x. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyến Chí Linh, Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch, ngày 02/6/2021, theo WHĐ: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chu-tich-hdgmvn-thu-keu-goi-tinh-than-lien-doi-va-tuong-than-de-phong-chong-dai-dich-42005.
[5] x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti (03/10/2020), số 222-224.
[6] x. Lời nguyện chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam để cầu nguyện trong cơn dịch bệnh Covid-19, theo WHĐ: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/loi-nguyen-trong-con-dich-benh-39099.
[7] x. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Hướng dẫn Mục vụ mùa dịch Covid-19, ngày 19/3/2020, theo WTGPSG: https://tgpsaigon.net/bai-viet/toa-tong-giam-muc-sai-gon-huong-dan-muc-vu-mua-dich-covid-19-ngay-19032020-59918.
[8] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium (21/11/1964), số 8.
[9] x. Danh ngôn tình yêu, theo WGPVL: https://giaophanvinhlong.net/Danh-Ngon-Tinh-Yeu.html.
[10] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 54 (01/01/2021): Văn hoá quan tâm, đường dẫn tới hoà bình, số 1.
[11] x. Sách GLHTCG, số 798-799.
[12] Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Thư mục vụ trong hoàn cảnh giãn cách, ngày 31/5/2021, theo WTGPSG: https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-muc-vu-trong-hoan-canh-gian-cach-ngay-31-5-2021-63712.
[13] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 54 (01/01/2021): Văn hoá quan tâm, đường dẫn tới hoà bình, số 6.
[14] x. Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn, Thông báo về việc tích cực tham gia phòng chống dịch, ngày 19/7/2021, theo WTGPSG: https://tgpsaigon.net/bai-viet/toa-tong-giam-muc-sai-gon-thong-bao-ve-viec-phong-chong-dich-ngay-19-7-2021-63915.
[15] x. Thư ngỏ của Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, Chủ tịch Uỷ ban Tu sỹ, ngày 22/7/2021: Đức ái trong đời sống thánh hiến qua đại dịch Covid-19, theo WHĐ: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-ngo-cua-duc-cha-chu-tich-uy-ban-tu-si-duc-ai-trong-doi-song-thanh-hien-qua-dai-dich-covid-19--42305.
[16] x. Bài Giáo lý 11 về Kinh Tin kính của Đức Thánh cha Phanxicô ngày 26/6/2013: Giáo hội là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, theo: https://dongten.net/2013/06/26/dtc-phan-xi-co-giao-hoi-la-den-tho-cua-chua-thanh-than/.
[17] x. Sách GLHTCG, số 749.
[18] x. Đức Thánh cha cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo Vatican News, ngày 31/5/2020: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-05/dtc-cu-hanh-le-chua-thanh-than.html.

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập343
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm304
  • Hôm nay18,374
  • Tháng hiện tại995,761
  • Tổng lượt truy cập78,999,212
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây