Thưa Cha yêu quý,
Ngày còn bé, con được bố, một cựu giáo sư trường Đồng Tâm, cho xem bức ảnh chụp chung với hai tân linh mục được thụ phong ngày 01/11/1973 tại nhà thờ Sóc Trăng. Trong hình, con thấy bóng dáng cha, nhưng lúc ấy con chưa biết cha là ai.
Năm 2000, Đức Cha sai con về giúp xứ Lương Hòa - Lương Thiện, một họ đạo vùng sông nước xa xôi, chưa có điện, chỉ đến được bằng ghe. Ở đó, bà con kể về cha sở trước với lòng kính trọng: một vị linh mục đạo đức, hy sinh, đơn sơ và đầy tình nghĩa. Con nghe về cha, nhưng vẫn chưa thực sự biết cha.
Rồi một cơ duyên đưa cha đến Đại Chủng viện Cần Thơ làm linh hướng khi con trở lại học thần học. Lớp con là lớp đầu tiên được cha hướng dẫn. Từ đó, con thật sự biết cha - không chỉ là một linh mục, mà là một tấm gương sáng ngời của đức tin và tình yêu.
1. Ký ức tại Đại Chủng viện Cần Thơ
Lần đầu gặp cha trong vai trò linh hướng, anh em chúng con băn khoăn: Cha sẽ hướng dẫn thế nào? Cha sẽ đối xử với chúng con ra sao? Nhưng mọi lo lắng nhanh chóng tan biến. Những lời cha dạy, đơn sơ mà sâu sắc, mãi khắc ghi trong lòng chúng con: “Tháng này, Thầy đã làm điều tốt nào nhiều nhất? Tháng này thầy đã sửa được tật xấu nào chưa?” Lời dạy mộc mạc ấy nhưng rất thiết thực đã đồng hành cùng chúng con đến mãi hôm nay và sẽ là suốt cả cuộc đời.
Nhiều đêm, khi đi ngang qua nhà nguyện, con thấy một bóng người thinh lặng quỳ cầu nguyện trước Thánh Thể rất lâu. Tưởng mình hoa mắt, nhưng không, đó chính là cha. Đêm nào cha cũng xuống nhà nguyện trước khi đi ngủ, như một tấm gương sáng cho chúng con noi theo.
Một lần, khi đi linh hướng, con thoáng nhìn vào giường ngủ của cha: chỉ một chiếc gối, một tấm khăn trải, một chuỗi Mân Côi và một cây thánh giá. Cha kể rằng mỗi đêm, trước khi ngủ, cha đều lần chuỗi hôn chân Chúa trên thánh giá. Nghe đến đây, nước mắt con như muốn trào ra. Cha thật sự là một vị chân tu.
Khi bà con giáo dân từ quê lên thăm, mang theo trái cây, bánh kẹo, cha chẳng bao giờ giữ cho mình. Cha luôn gọi chúng con lên, chia hết cho anh em. Cha quan tâm chúng con từng chút một: thấy ai chưa có dép quai hậu, cha mua tặng mỗi người một đôi, ai cần thêm, cha sẵn lòng cho tiền mua. Cha bảo: “Đi lễ phải mang dép chỉnh tề để tôn kính Chúa.” Cha còn là người đầu tiên cho chúng con xem bảng điểm, giúp anh em tự nhìn lại mình. Trước đó, chúng con chẳng biết giáo sư đánh giá ra sao, bài làm đã tốt chưa. Cha như người tiên phong đổi mới.
Mỗi dịp hè hay lễ, cha lặn lội đi xe đi đò, bất chấp đường sá khó khăn, đến thăm từng gia đình anh em chúng con. Cha bảo: “Đi để hiểu hoàn cảnh và thêm tình nghĩa.” Cha thật sự là một nhà cách mạng trong chủng viện thời bấy giờ.
2. Lời bà con giáo dân nói về cha
Thưa cha, ở Lương Hòa - Lương Thiện, nơi cha dành nửa đời linh mục để phục vụ, bà con vẫn nhắc về cha với lòng ngưỡng mộ. Cô giáo Thảo, từng hát trong ca đoàn của cha, kể: “Cha Chỉnh như vị thánh sống. Cha dâng lễ như thể đang đối diện với Chúa thật sự. Cha sống đơn sơ, điềm tĩnh, chẳng bao giờ nóng giận hay la mắng giáo dân.” Cô tả cảnh cha cầu nguyện Kinh Lạy Cha, mắt ngước lên trời, như đang trò chuyện trực tiếp với Chúa. Khi cha rời xứ, bà con vào dọn phòng cha mới thấy: chỉ có những tấm chiếu rách chồng lên nhau, những hũ chao chất đống. Cha sống quá đỗi giản dị, ăn cơm đơn sơ với chao. Ngày cha đi, cả họ đạo khóc như mưa, lòng đau xót vì phải rời xa một vị cha hiền lành, thánh thiện. Bà con thương cha.
Cô hiệu trưởng Hường, người cộng tác phục vụ họ đạo Lương Thiện, kể: “Cha đạo đức, giản dị, hết lòng lo cho giáo dân. Cha coi sóc hai xứ cách nhau hơn 4 cây số. Xưa, phải chèo xuồng rước cha đi dâng lễ. Có hôm nước ròng, xuồng đến trễ, cha lội bộ, cột quần áo ngang cổ, vượt mương để lên bờ mặc lại áo đi lễ. Cha chẳng nề hà, chẳng bao giờ kiểu cách.”
Cô Ngân, người được cha rửa tội năm 17 tuổi, xúc động nói: “Cha Chỉnh sống khổ cực lắm. Cha ăn cơm với nửa quả trứng luộc, hấp chung trong nồi cơm. Bà con hỏi sao cha để dành nửa quả, cha bảo để chiều ăn tiếp. Cha tiết kiệm, nhưng là để lo cho giáo dân.”
3. Đại Chủng viện Bùi Chu
Thưa cha, sau khi con ra trường, cha còn ở lại, rồi nghe tin cha về Bùi Chu. Từ đó, con ít liên lạc với cha, nhưng các thầy ở Bùi Chu vẫn kể về cha với lòng yêu mến. Họ nói: “Cha hiền từ, vui vẻ, đạo đức và chuẩn chỉnh. Cha dâng lễ rất sốt sáng, bài giảng của cha lúc nào cũng rõ ràng "tam điểm - ba ý" mạch lạc, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Chúng con thích lắm.” Cha cố rất dễ thương, luôn quan tâm và yêu thương các anh em chủng sinh. Cha nói: "Cha không có nhiều tiền nhưng mỗi năm Cha sẽ bớt ra để mua tặng anh em mấy chiếc khăn mùi xoa để anh em dùng". Rồi mỗi dịp hè và dịp Tết, cha vẫn đến thăm từng nhà anh em, như cách cha từng làm với chúng con. Ở đâu cha cũng mãi là người cha, người thầy tận tụy, yêu thương. Và còn rất nhiều những điều tốt đẹp nữa đã đọng lại nơi các anh em chủng sinh.
4. Cha an nghỉ nhé!
Thưa Cha yêu quý,
Con được tin cha đã về với Chúa đêm qua - Đấng mà cả đời cha tin cậy và phó thác. Ngài đã gọi cha, chọn cha, sai cha và giao phó cho cha những sứ vụ nặng nề. Cha đã chu toàn mọi sự với lòng tin tuyệt đối và trái tim tận hiến. Giờ đây, cha đã hoàn tất hành trình trần thế, trở về trong vòng tay yêu thương của Chúa. Con như nghe tiếng Chúa phán với cha: “Hỡi người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, hãy vào hưởng niềm vui với Chủ của ngươi!” (Mt 25,21). Cha đang hạnh phúc bên Chúa, phải không cha?
Cha không còn phải lội sông, chờ đò, ăn cơm với nửa quả trứng hay chao, cũng chẳng còn nằm trên những tấm chiếu rách. Cha đã được Chúa đón nhận vào nơi an nghỉ vĩnh hằng, nơi chỉ có niềm vui và ánh sáng. Xin cha cầu bầu cùng Chúa cho Giáo hội, cho bà con giáo dân, và cho những học trò của cha - những người đang từng ngày noi gương cha, bước đi trên hành trình tận hiến.
Chúng con nhớ cha nhiều lắm. Cha an nghỉ bình an, cha nhé!