Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc buổi tiếp kiến, mọi người đã nghe đọc một đoạn trong sách Huấn Ca (5,2; 6,4;14.4):
“Đừng chiều theo sức lực của con mà thỏa mãn những đam mê của lòng mình. Một con người xấu xa làm băng hoại chính mình, tự biến thành trò cười cho kẻ thù địch. Tích lũy mà vong thân là tích lũy cho người khác, người khác sẽ hưởng dùng của cải nó thu góp”.
Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười lăm này có tựa đề: Đức tiết độ.
Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, tôi sẽ nói về nhân đức trụ thứ tư và sau cùng, đó là đức tiết độ. Cùng với ba nhân đức trước đó, nhân đức này chia sẻ một lịch sử có từ thời xa xưa và không chỉ thuộc về các tín hữu Kitô mà thôi. Đối với người Hy Lạp, việc thực hành các nhân đức có mục tiêu là hạnh phúc. Triết gia Aristote viết cuốn khảo luận quan trọng nhất về đạo đức học, gửi con là Nicomoco, để giáo dục về nghệ thuật sống. Tại sao tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc, nhưng chỉ có một số ít đạt được? Để trả lời câu hỏi này, Aristote đề cập đến đề tài các nhân đức, trong đó có chỗ quan trọng dành cho “endráteia”, đức tiết độ. Từ Hy Lạp này, nghĩa đen có nghĩa là “có quyền trên bản thân”. Vì thế, nhân đức này là khả năng tự chủ, nghệ thuật không để cho mình bị những đam mê tháo thứ đảo lộn, nghệ thuật thiết định trật tự trong điều mà văn hào Manzoni gọi là “sự hỗn loạn của trái tim con người”.
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo nói với chúng ta rằng: “Tiết độ là nhân đức luân lý điều hợp sự thu hút của những khoái lạc và làm chúng ta quân bình trong việc sử dụng những của cải”. Sách Giáo lý dạy tiếp rằng: “Nhân đức tiết độ đảm bảo sự chế ngự của ý chí trên các bản năng và duy trì những ước muốn trong giới hạn của sự liêm chính. Người tiết độ hướng dẫn những thị dục giác quan của mình, duy trì một sự thẩm định lành mạnh, và không theo bản năng của mình và sức riêng, chiều theo những ước muốn của con tim” (n. 1809).
Vì thế, đức tiết độ, như tiếng Ý vẫn nói, là nhân đức có mức độ đúng đắn. Trong mọi hoàn cảnh, ta cư xử một cách khôn ngoan, vì những người hành động luôn do bản năng thúc đẩy hoặc vì hứng khởi thái quá, sau cùng thì không đáng tin cậy. Trong một thế giới, trong đó bao nhiêu người hãnh diện nói điều họ nghĩ. Trái lại, người tiết độ nghĩ điều mình nói. Không hứa lèo, nhưng đảm nhận những cam kết theo mức độ mình có thể đáp ứng.
Cả với những lạc thú, người tiết độ hành động với phán đoán. Khi ta chiều theo sự thúc đẩy của bản năng và hoàn toàn buông thả theo khoái lạc, rốt cuộc chúng quay trở lại chống chính chúng ta, làm cho chúng ta lâm vào một tình trạng chán ngán. Bao nhiêu người đã muốn thử tất cả một cách “ngấu nghiến”, rốt cuộc mất hết hứng thú về mọi chuyện! Vậy, tốt hơn nên tìm kiếm mức độ đúng đắn. Ví dụ, để đánh giá cao một loại rượu ngon, thưởng thức nó từng ngụm thì tốt hơn là uống ừng ực một hơi dài.
Người tiết độ biết cân nhắc và đắn đo lời nói. Không thể để một lúc giận dữ làm hỏng những tương quan và tình bạn để rồi sau đó phải vất vả mới có thể hàn gắn được. Đặc biệt, trong đời sống gia đình, nơi mà những sự đè nén giảm bớt, tất cả chúng ta có nguy cơ không kìm hãm những căng thẳng, tức bực, giận dữ. Có lúc để nói, có lúc để im lặng, nhưng cả hai đều đòi phải có mức độ đúng. Và điều này có giá trị đối với bao nhiêu sự, ví dụ ở với những người khác và ở một mình.
Nếu người tiết độ biết kiểm soát tính nóng giận của mình, không phải vì thế mà chúng ta thấy họ luôn luôn có khuôn mặt thanh thản và tươi cười. Thực vậy, đôi khi cũng phải thịnh nộ, nhưng luôn luôn ở theo cách thức đúng. Một lời khiển trách nhiều khi có ích hơn so với một sự im lặng chua cay và hậm hực. Người tiết độ biết rằng không có gì khó chịu cho bằng sửa sai người khác, nhưng họ cũng biết rằng đó là điều cần thiết: chẳng vậy người ta sẽ để cho sự ác được tự do tác động. Trong một số trường hợp, người tiết độ dung hòa được giữa hai thái cực. Họ khẳng định các nguyên tắc tuyệt đối, đòi hỏi những giá trị không thể thương lượng được, nhưng cũng biết cảm thông với con người và tỏ ra thông cảm với họ.
Vì thế, một ơn của người tiết độ là sự quân bình, một đức tính vừa quý giá vừa hiếm hoi. Thực vậy, trong thế giới chúng ta, tất cả thúc đẩy đi tới sự thái quá. Trái lại, đức tiết độ kết hiệp tốt đẹp với những thái độ phù hợp với Tin mừng, như sự bé nhỏ, kín đáo, ẩn dật, dịu dàng. Người tiết độ đánh giá cao sự quý chuộng của những người khác, nhưng không coi đó là tiêu chuẩn duy nhất của mọi hành động và lời nói. Họ nhạy cảm, biết khóc và không xấu hổ vì điều đó, nhưng không mặc cảm tội lỗi. Bị thất bại, họ trỗi dậy; dù chiến thắng, họ có khả năng trở lại đời sống thầm lặng vốn có. Họ không tìm kiếm những lời hoan hô, nhưng biết cần những người khác.
Không phải đức tiết độ làm cho người ta u ám, thiếu niềm vui. Trái lại, họ nếm hưởng tốt hơn những điều tốt lành của cuộc sống: ngồi bàn ăn với nhau, sự dịu dàng của một số tình bạn, tin tưởng tín thác vào những người khôn ngoan, kinh ngạc vì những vẻ đẹp của thiên nhiên. Hạnh phúc với sự điều độ là niềm vui tươi nở trong tâm hồn của người nhận biết và đánh giá những gì đáng kể trong cuộc sống.
Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia