Tuyên ngôn đã được Đức Hồng y Tổng trưởng Victor Manuel Fernández và vị Tổng thư ký là Đức Tổng giám mục Armando Matteo, giới thiệu trong cuộc họp báo lúc 12 giờ trưa, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, cùng với bà giáo sư Paola Scarcelle, thuộc Đại học Tor Vergata và Đại học tư Lumsa ở Roma. Bà đặc trách và huấn giáo cho những người khuyết tật thuộc cộng đồng thánh Egidio.
Văn kiện này dài khoảng 20 trang, được chia làm 64 đoạn. Ngoài phần giới thiệu và nhập đề, có bốn chương, lần lượt bàn tới: sự ý thức dần dần về vị trí trung tâm của phẩm giá con người (1), Giáo hội loan báo và thăng tiến, cũng như bảo đảm phẩm giá con người (2), Phẩm giá, là nền tảng của các quyền lợi và nghĩa vi của con người (3), một số vi phạm trầm trọng phẩm giá con người (4), sau cùng là phần kết luận.
Văn kiện được Bộ Giáo lý đức tin soạn thảo trong vòng 5 năm qua và bao gồm giáo huấn của Giáo hội trong mười năm gần đây, từ chiến tranh cho đến nghèo đói, từ nạn bạo lực đối với người di dân cho đến nạn bạo hành phụ nữ, từ phá thai cho đến nạn mang thai mướn, và làm cho chết êm dịu, từ lý thuyết về giống (Gender) cho đến bạo lực kỹ thuật số.
Ba chương đầu chứa đựng những nền tảng cho những khẳng định được chứa đựng trong phần thứ tư, là phần dài nhất, bàn về những vi phạm trầm trọng đối với quyền con người mà Tuyên ngôn này tố giác. Tuyên ngôn này cũng là một văn kiện kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và tái khẳng định “sự không thể tách rời giữa ý niệm phẩm giá con người giữa lòng nhân loại học Kitô giáo”.
Điểm mới mẻ chính của văn kiện, kết quả 5 năm làm việc, là bao gồm một số đề tài quan trọng trong giáo huấn của Đức Giáo hoàng, đi kèm những giáo huấn về đạo đức sinh học.
Trong danh sách dài những vụ vi phạm nhân quyền, làm thương tổn phẩm giá con người, có tất cả những gì chống lại chính sự sống, như các loại sát nhân, diệt chủng, phá thai, kết liễu sinh mạng người bệnh, người già theo lời yêu cầu của đương sự, hay là “an tử”, và cả sự tự tử”. Ngoài ra, những vi phạm ấy cũng bao gồm cả những gì vi phạm đến sự toàn vẹn của con người, như cắt chặt, tra tấn thể lý và tâm thần, những cưỡng bách tâm lý. Sau cùng là tất cả những gì làm thương tổn nhân phẩm, như những điều kiện sống không xứng đáng với con người, sự giam cầm trái pháp luật, phát lưu, nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và người trẻ, những điều kiện làm việc hạ nhục con người, các công nhân bị đối xử như dụng cụ để kiếm lợi chứ không phải như những người tự do và có trách nhiệm...
Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia