Cây tháp chuông
Thứ tư - 22/03/2017 15:33
8423
Khi đã đi học xa, đi làm xa quê hương, bỗng nhiên nhớ cái xóm Đạo gắn liền biết bao kỷ niệm của tuổi thơ đã qua. Rồi lại nhớ đến cái tháp chuông vươn cao trên nền trời quê hương dấu yêu. Là nơi người trong xóm Đạo tôi mỗi tối mong ngóng tiếng chuông để đi nhà thờ. Là nơi bọn trẻ chơi trốn tìm mỗi tối. Là nơi người lớn ngồi lại nói chuyện, sẻ chia... Bỗng nhiên cái tháp chuông ấy gắn liền những hình ảnh bình dị mà thân thương. Nhưng nhớ rồi lại hoài niệm. Mọi thứ khác trước. Thời gian đã khác. Hoàn cảnh đã khác. Con người đã khác. Cái tháp chuông ấy giờ vẫn thế, nhưng cũng đã khác. Khoảnh khắc thay đổi diễn ra âm thầm. Tháp chuông vẫn cao như xưa. Lòng người đã khác.
*/ Ngày xưa, trung tâm của mỗi xóm Đạo là chiếc tháp chuông cao sừng sững giữa làng quê yên bình. Đi ra ruộng vẫn thấy tháp chuông nhà thờ. Đi xa về thấy tháp chuông quê mình thấy lòng an tâm. Bọn trẻ đi học về cũng cố tìm đường đi qua tháp chuông để rồi biết bao lần trầm trồ trước sự hùng vĩ, cao to của nó. Đứng giữa bao mái nhà còn nghèo khó của làng quê, tháp chuông như hải đăng cho mọi người. Dù nghèo khó, nhưng chẳng xóm Đạo nào quê tôi không có tháp chuông cả. Đó là trung tâm cho đời sống mọi người. Biểu tượng cho đời sống quây quần của làng xóm. Biểu tượng cho sự hiện diện của Đạo nơi đây. Tháp chuông yên lặng, không tự nhận mình là biểu tượng điều gì. Do lòng người luôn mong ngóng, nên tháp chuông thành hình ảnh không thiếu trong tâm trí mọi người nơi mỗi làng quê mà tôi, bạn và họ đi qua.
Tháp chuông của ngày xưa, ngày nay vẫn còn. Thêm nhiều tháp chuông mới được xây lên cao hơn, to hơn và đẹp hơn. Nhưng hình như khó nhìn thấy hơn. Khó nhìn vì giờ những mái nhà của quê tôi ngày xưa, nay cũng cao hơn rồi. Nhiều thứ cao hơn rồi. Biết nhìn cái gì là trung tâm? Tháp chuông ẩn mình quanh những ngôi nhà cao tầng. Người ta cũng dần quên đi. Tháp chuông vẫn im lặng. Ngày xưa im lặng. Ngày nay cũng vẫn im lặng. Tháp chuông không thay đổi gì. Chỉ do cách nhìn tháp chuông của con người ngày nay đã khác xưa rồi. Tiếng chuông ngày xưa vang vọng lắm. Tiếng chuông ngày nay lẫn vào với biết bao âm thanh khác. Ngày nay còn biết bao mối lo khác, tiếng chuông trở nên nhỏ hơn, bớt vang hơn. Tiếng chuông xưa ơi. Có vang lên nữa không? Có thay đổi đi không?
*/ Nhớ ngày xưa, những tháp chuông của các Xóm Đạo xây thật đơn giản. Tháp chuông ngày xưa xây không cần nhiều vật liệu như bây giờ. Tháp cũng được xây nhỏ thôi. Tháp nhỏ nhưng nhiều người chung tay xây dựng. Tháp xây nhỏ, tình người xây lớn. Rồi chuông ngày xưa không cần to, không cần nặng. Tiếng chuông vẫn cứ vang vọng. Cũng dễ hiểu thôi vì ngày xưa dân mình còn nghèo nên không xây được to. Nhà thờ và tháp chuông là biết bao tâm huyết của cả làng. Một thời nghèo khó. Một thời đói khổ. Nhưng tháp chuông ngày đấy lại là nơi để cả làng đoàn kết hơn. Từ những em bé đến những cụ già. Từ những thanh niên trai tráng đến những người phụ nữ. Ai ai cũng muốn góp chút sức của mình để tháp chuông của quê mình được hoàn thiện. Một thời ấm áp. Một thời thân tình.
Ngày nay, các tháp chuông được xây cao hơn, to hơn, “hoành tráng” hơn. Chuông bây giờ dù nhỏ cũng không thể thiếu Tấn nào được. Chuông bây giờ được đúc công phu hơn, đầu tư hơn. Tiếng chuông vang vọng hơn. Tháp chuông cao hơn. Nhưng vẫn thấy thiếu thiếu một điều khó nói. Tiếng chuông vang hơn. Sao lòng người cứ ngỡ xa xa. Tháp chuông ngày nay dễ xây bởi dân ta nay đã khấm khá hơn rồi. Chi ra tiền là dễ xây được ngay tháp chuông cao, to rồi. Muốn to bao nhiêu cũng được. Chuông giờ nặng bao tấn cũng vẫn nằm trong khả năng của túi tiền. Thời ngày nay góp tiền xây tháp chuông dễ lắm. Không còn dễ gặp “đồng xu bà góa” như ngày trước nữa.
Cuộc sống no đủ hơn là điều ai cũng mong. Nhưng cuộc sống no đủ hình như làm lòng người xa hơn rồi. Tháp chuông ngày xưa là biểu tượng. Tháp chuông ngày nay là một phần cho những suy nghĩ thôi. Nhớ ngày xưa, biết bao người con đi xa đã khóc khi thấy tháp chuông quê mình. Còn ngày nay…??? Để hiện tại trả lời.
Tháp chuông ơi. Đừng buồn nhé!
*/ Tiếng chuông ngày xưa không to như ngày nay. Chuông ngày xưa không to hơn chuông ngày nay. Tiếng chuông nào vang vọng hơn?
Ngày xưa, mỗi tối cả làng đều mong ngóng tiếng chuông kêu. Tiếng chuông là tiếng kêu mời tha thiết. Ngày ấy, tiếng chuông như nhắc lịch sống cho mỗi người. Giờ kinh sáng, giờ kinh tối, giờ nhà thờ,…Tiếng chuông trở thành một phần của cuộc sống thường nhật. Nghe sao thấy thân thương. Tiếng chuông vang lên giữa cuộc sống nghèo khó mà yên bình.
Ngày nay, nhịp sống cuốn con người đi vội vàng. Người ta không còn thời gian để nghe tiếng chuông vang vọng lên nữa. Và cũng đâu còn thời gian để tâm hồn lắng lại nữa. Tiếng chuông bỗng trở nên xa cách. Sự thân thương cũng nhạt dần. Tiếng chuông bỗng bị lạc lõng với biêt bao âm thanh khác của thời đại xô bồ. Những âm thanh của thời đại thì cuốn hút. Tiếng chuông thì âm trầm. Trách sao được khi con người đã chọn thời đại rồi. Người ta dễ lầm tưởng thân xác được nghỉ ngơi là đủ rồi. Sống vội vàng hơn. Sống cuồng nhiệt hơn. Nhưng liệu có bình an hơn?
Tiếng chuông như một tiếng đánh thức tâm hồn. Thế nhưng tiếng chuông sao giờ xa vời quá. Tiếng gọi của những sự dễ chịu, nghỉ ngơi về thân xác làm con người quên mất tâm hồn cũng cần nghỉ ngơi rồi. Tiếng chuông cũng dần bị cho lui vào dĩ vãng, lui vào quá khứ. Quá khứ ơi! Có quay về không?
Bao giờ tiếng chuông ngày xưa sẽ vang vọng lại? Bao giờ con người mới để tâm hồn nghỉ ngơi đây?
Tạm kết
Rồi tôi lại tự hỏi mình: Điều gì đã thay đổi? Tháp chuông quê tôi, quê bạn có khác không? Hay do ta đã khác xưa? Mấy ai còn hoài niệm về một quá khứ đã xa như vậy. Lòng người thì luôn thay đổi. Được mấy ai tự ngồi lại, tự hỏi lại chính mình.
Những gì còn lại chỉ là nhỏ nhoi so với một thời đã qua. Bầu trời sao còn trong xanh được, nếu con người ta nhìn bằng cặp kính đen râm. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?” (Nguyễn Du). Dễ hiểu thôi khi ai ai cũng thấy cái tháp chuông không còn như xưa.
Quá khứ ơi! Chào nhé!
Quang Hải