Nụ hôn
Thứ tư - 12/04/2017 14:12
1851
Đan xen giữa những điều hiển nhiên trong cuộc sống là những trái ngang và nghịch lý. Chính những cái nghịch lý đó làm cho con người hiểu rằng sự gian dối còn ngự trị đâu đó trong thế gian này, và cuộc đời này không như nhiều người suy nghĩ.
Lẽ thường, nụ hôn thể hiện cho tình yêu, cho tình cảm giữa người với người. Chẳng thế mà người cha, người mẹ thường hôn lên má những đứa con của mình. Hay như bên Tây, người ta chào hỏi nhau bằng việc hôn nhẹ lên má. Không chỉ biểu hiện cho tình cảm giữa người với người nụ hôn còn thể hiện cho cả tình yêu đôi lứa. Và đôi khi trong tình yêu nụ hôn còn mang đến một sức mạnh kỳ diệu. Đơn cử như câu chuyện “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, chàng hoàng tử đã hôn lên môi của nàng Bạch Tuyết khi đã qua đời và kỳ diệu thay sự sống đã đến với nàng. Rõ ràng, nụ hôn là dấu hiện của một điều tuyệt diệu chứ không phải là dấu hiệu cho một sự phản bội, một sự chia rẽ.
Ấy thế mà nụ hôn lại được dùng như dấu hiệu của một sự phản bội. Và chính từ nụ hôn đó sự chết đã đến với một con người. Người đã biến nụ hôn như là dấu chỉ của tình yêu thành sự phản bội không ai khác chính là Giuđa Itcariôt, một môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Tin Mừng kể lại rằng ông dặn đám đông mang theo gươm giáo, gậy gộc: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh hãy bắt lấy”. Ngay sau đó, ông tiến lại gần, nói rằng: “Rap-bi, xin chào Thầy!”, rồi hôn Người. Cái huyền diệu trong nụ hôn giờ đây đã bị Giuđa thay đổi hoàn toàn. Sự cao thượng trong nụ hôn bị thay thế cho mưu mô. Sự chân tình trong nụ hôn bị thay thế cho sự phản bội. Và sự sống trong nụ hôn bị thay thế cho cái chết.
Dù biết rằng nụ hôn của người môn đệ mình là một sự chỉ điểm, là dấu hiệu của một sự phản bội nhưng Chúa Giêsu vẫn chấp nhận nụ hôn đó. Có thể Ngài không muốn khước từ đi cái ý nghĩa cao đẹp của nó. Ngài muốn nụ hôn mãi là biểu tượng của tình yêu chứ không phải là của một sự phản bội. Hơn nữa, Ngài cũng không muốn từ chối bất kỳ cái gì từ người học trò của mình. Và cũng có thể Ngài muốn níu kéo người học trò của mình.
Giuđa thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của nụ hôn như dấu hiệu của tình yêu mà nó là. Còn Chúa Giêsu đón nhận nụ hôn của Giuđa để biến đổi nó trở về với ý nghĩa tình yêu của nó. Để rồi sự chết từ nụ hôn của Giuđa trở nên sự sống mới cho con người.
Antôn Hoàng Văn Phúc, OP