Dân ngoại lo việc Chúa
Thứ sáu - 03/02/2017 15:09
4347
Cách đây chỉ một vài thập niên khi nói đến đề tài này thực sự là cái gì đó rất xa lạ và thiếu thực tế đối với Giáo hội nói chung và cách riêng tại Việt Nam. Thế nhưng với hướng đi mở mà Giáo hội muốn đối thoại với các tôn giáo cũng như các nền văn hóa theo tinh thần Công đồng chung Vaticanô II, sự gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo trong lãnh vực bác ái hay một số thiện ích chung khác trở nên thường xuyên hơn. Đặc biệt tại Việt Nam, trong các dịp lễ lớn của mỗi bên đều thấy sự hiện diện của các vị chức sắc bên kia. Đây không phải là điều mang màu sắc xã giao nhưng nói lên tầm quan trọng trong việc đối thoại cũng như sự tôn trọng lẫn nhau.
Từ sự cởi mở này các tín hữu giữa Phật giáo và Công giáo cũng trở nên thân thiện rất nhiều. Trước đây nếu có ai là người Công giáo đặt chân vào một ngôi chùa là một điều hết sức cấm kỵ thì bây giờ các chủng sinh được đào tạo tại đại chủng viện sau khi học hỏi về Triết học Đông phương thì cũng lui tới chùa tham quan và tìm gặp các vị hòa thượng để thực tế hóa kiến thức mình được trau dồi trong lãnh vực này.
Cũng vậy, các Phật tử sống bên cạnh một giáo xứ Công giáo xem ra có mối liên hệ mật thiết không kém. Đặc biệt, họ cũng tham gia trang trí hang đá Giáng sinh cũng như các tiết mục trong buổi hoan ca mừng kỷ niệm ngày Ngôi Hai giáng trần giống như mình cũng là thành viên trong cộng đoàn giáo xứ vậy. Một số nơi khác họ còn xin tham gia cả nghi thức tháo đanh táng xác Chúa dịp Tuần Thánh khiến một số người trích dẫn lại lời suy niệm chặng đàng thánh giá nơi thứ 5 đó là ông Simon giúp đỡ vác thánh giá thay cho Chúa Giêsu: « Thương ôi nào con chiên Chúa tôi đâu hết mà để thánh giá nặng cho kẻ ngoại vác làm vậy ? ». Nếu khi xưa kẻ ngoại đỡ đần vác thánh giá thì thời nay họ còn lo táng xác Chúa nữa. Đây thực sự là nghĩa cử cao đẹp của những người tuy không được sinh ra trong môi trường gia đình thuần truyền thống đức tin nhưng lại có hành động rất cụ thể mà những người mang danh Kitô đôi khi cần phải xem xét lại chính mình.
Một dịp khác mà người viết bài này chứng kiến trong dịp đón Tết Nguyên Đán của một cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại hải ngoại cũng có sự cộng tác đắc lực của những phật tử. Vì là một cộng đoàn Việt Nam nhỏ bé tại một vùng quê nên số người không được đông cho lắm nên thường tổ chức ăn Tết chung. Tuy nhiên trong dịp này lại cần đến nhiều người trong mỗi khâu khác nhau như ca đoàn, dâng lễ vật, ẩm thực, hay phục vụ bàn… Thông thường các tín hữu bản địa cũng được mời dịp này để có dịp giao lưu và làm quen với phong tục Việt Nam. Thế là tiện có một ông bố gia đình phật tử biết chơi đàn nên được sử dụng tài năng luôn ; bà mẹ khác được giao cho nhiệm vụ bếp núc ; một thiếu nữ trẻ trung khác được tuyển vào trong đội dâng lễ vật và kiêm thêm nhiệm vụ đón tiếp khách mời trước giờ lễ mừng xuân. Sự gần gũi này một phần vừa do Tết là của chung dân tộc Việt Nam và phần khác vừa do nơi quốc gia mà họ sinh sống là quốc gia vốn có cội rễ Kitô giáo.
Những mối liên hệ trong một số trường hợp trên đây nhắc nhở chúng ta không nên có thái độ thái quá là khép kín hoặc thái độ bất cập là áp đặt giá trị kitô giáo của mình lên những tín hữu của các tôn giáo khác. Sự cởi mở và chia sẻ những giá trị nhân bản và chuẩn mực cần có đối với nhân loại nói chung. Việc đối thoại và có chung hành động sẽ làm những người có niềm tin của mỗi tôn giáo sẽ xích lại gần hơn. Như Cộng đoàn Đại kết Taizé mà các tu sĩ không phân biệt Công giáo, Tin lành hay Chính thống cam kết sống một đời sống cầu nguyện và lao động chung trong cùng một cộng đoàn làm nguyên tắc hiệp nhất, công cuộc đối thoại liên tôn cũng cần có những việc làm cụ thể và những cuộc gặp gỡ trong bầu khí thân thiện giữa những thành viên của các tôn giáo khác. Âu cũng là cách thức mà mỗi kitô hữu, mỗi cộng đoàn giáo xứ được mời gọi ra khỏi mình để đến các vùng ngoại biên mà ở đó còn có biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và sớt chia đang chờ đợi họ vốn được Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô đề cao và không ngừng thôi thúc những ai mang nơi mình danh Đức Kitô.
Cây Sung