Một trái hồng chín biếu cha
Thứ tư - 28/12/2016 04:19
2551
Tôi mới được chứng kiến một sự việc thật cảm động và ý nghĩa: Một cụ giáo dân gần 90 tuổi lóc cóc đi chiếc xe đạp cũ vào thăm cha xứ. Cha xứ hỏi: Cụ đi thăm cháu ạ?
Cụ trả lời: Thưa cha vâng, con đi thăm cha.
Cha xứ hỏi: Cụ có khoẻ không?
Cụ trả lời: Thưa cha, con ốm mấy ngày nay rồi, con ăn không được, đi vệ sinh không dễ, cho dù con đã ăn và uống đủ thức mát rồi, con cũng lười ăn nữa.
Cha xứ biết cụ không được khỏe nên động viên cụ cố gắng giữ gìn sức khoẻ và ăn uống nhiều hơn, để cụ yên tâm với tuổi già, và nhất là biết chăm lo cho sức khoẻ của mình.
Sau một hồi hỏi thăm, nói chuyện, cha xứ hỏi tiếp: Cụ có gì để trình bày với cháu nữa không?
Cụ trả lời: Con có trái hồng biếu cha ăn thử. Hồng nhà con cũng giống như hồng nhà xứ, nhưng con biết cách rấm nên ăn rất ngon. Thế rồi cụ chỉ cho cha xứ cách rấm hồng, đơn giản, không độc hại, mà hồng chín lại ngon nữa.
Một trái hồng được rấm đơn giản, chín rất ngon đem biếu cha xứ, song trong đó gói ghém bao nhiêm tình cảm tốt đẹp.
Trước hết là tình thương mến cụ dành cho cha xứ. Quả vậy, không ai cho ai cái gì nếu không vì tình thương mến hay nhằm nhờ vả một việc gì đó. Cha mẹ thương con nên làm tất cả mọi thứ cho con, cho con tất cả những gì tốt nhất về vật chất lẫn tinh thần. Hai người nam nữ thương nhau cho nhau thời gian, công sức, tiền bạc, và làm những gì tốt nhất có thể để đem lại hạnh phúc cho nhau. Con cái thương bố mẹ nên hay biếu quà bố mẹ vào các dịp quan trọng như: Giáng Sinh, Tết tư, kỉ niệm ngày cưới... Vì thương con người nên Thiên Chúa đã ban chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô cho nhân loại... Cụ ông gần chín mươi tuổi đã tặng cha xứ một trái hồng rấm chín thơm ngon ấy không ngoài tình thương mến dành cho cha xứ.
Thứ đến là sự kính trọng ông cụ dành cho cha xứ. Người ta vẫn nói: của cho không bằng cách cho. Nếu cho người khác món quà quí giá nhưng cách cho không xứng hợp hay thiếu tôn trọng thì cho dù món quà ấy có giá trị đến đâu cũng không dễ dàng được đón nhận hoặc có thể bị từ chối thẳng thừng. Quan sát nghĩa cử của cụ ông, tôi nhận ra rằng cụ thực sự dành cho cha xứ sự kính trọng. Thật thế, khi trao trái hồng cho cha xứ, cụ đã nói rằng: Đây là hồng nhà con cha ạ. Con tự tay rấm và đem biếu cha để cha ăn đấy. Nếu cha muốn rấm hồng nhà xứ cho ngon, cha có thể nhờ con, con giúp cha. Thử tưởng tượng, một cụ già gần chín mươi tuổi trao trái hồng chín cho cha xứ cùng những lời nói kính cẩn quí giá biết nhường nào.
Cuối cùng là kinh nghiệm mà cụ muốn chia sẻ với cha xứ. Có những bí quyết người ta không bao giờ được nói ra, nhưng có những bí quyết một người lại muốn chia sẻ. Cụ biết rấm hồng và rấm hồng một cách đơn giản mà hồng vẫn chín ngon ngọt. Cụ muốn chia sẻ kinh nghiệm này cho cha xứ để cha xứ có thể áp dụng cho mình và chia sẻ cho người khác. Nhà xứ tôi ở có mấy cây hồng, trái rất to và đẹp, nhưng khổ nỗi chúng tôi không biết rấm. Khi hồng chín, chúng tôi thường để cho chim đến ăn. Tết đến, chúng tôi hái những trái còn lại tặng cho giáo dân chơi tết, sau đó họ có ăn được hay bỏ di tôi không rõ. Cụ muốn chia sẻ cho người khác bí quyết ấy là điều thật tuyệt. Học được bí quyết ấy, từ nay chúng tôi biết rấm hồng theo cách của cụ, hay quá!
Việc làm của cụ không lớn, món quà cụ trao cho cha xứ cũng thật là nhỏ bé, nhưng tình cảm thì thật lớn lao. Nó nói lên tấm lòng yêu mến của con chiên đối với cha xứ, sự kính trọng của người tín hữu tốt lành với chủ chăn của mình, và nhất là muốn chia sẻ những gì quí giá trong cuộc sống cho nhau. Ước mong cho những tình cảm tốt đẹp này có nhiều hơn nữa nơi các tín hữu để các cha xứ yên tâm và nhiệt thành phục vụ vì trong cuộc đời này còn rất nhiều tín hữu tốt lành luôn muốn làm những gì tốt nhất cho cha xứ của mình.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh