Âm vang lời ca
Thứ hai - 09/01/2017 17:31
1676
Trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ âm nhạc là loại ngôn ngữ giầu tính truyền cảm lay động tâm hồn con người thuộc mọi lứa tuổi và được đón nhận một cách vượt phạm vi vùng miền, sắc tộc, hay quốc gia vào bậc nhất. Ngay từ trong nôi, trẻ em đã được tiếp cận với âm nhạc qua lời ru của mẹ với bao sự ngọt ngào khiến cho đứa trẻ dù tính khí khác thường bao nhiêu chăng nữa thì lòng dạ cũng hóa nên mềm mại và bước vào một giấc ngủ êm ái trong vòng tay yêu thương của mẹ hiền. Các địa phương cũng có một kho tàng dân ca mang tính đặc thù vốn làm cho mỗi người dân tại đó rất tự hào mà mỗi khi xa quê được nghe những làn điệu quen thuộc đó thì cả một bầu trời của ký ức cũng như những hình ảnh thân quen tái hiện thấm nhập toàn bộ con người và chắp thêm đôi cánh của nghị lực để vượt qua được những trở ngại trên bước đường hướng đến đích thành công. Đặc biệt, quốc ca là linh hồn của một quốc gia mà trong các dịp lễ lớn của đất nước hoặc trong các nghi thức ngoại giao đều được cất lên thật hùng tráng với niềm tự hào dân tộc tuôn trào của các công dân.
Tiếng ca cũng có một chỗ đứng trân trọng trong lãnh vực tâm linh. Chẳng vậy mà thánh Augustinô đã nói rằng hát là cầu nguyện hai lần. Trong thời Cựu Ước, các Thánh Vịnh là lời kêu cầu tận đáy lòng của Dân Chúa trong mọi hoàn cảnh vui hay buồn, tạ ơn hay xin ơn, trong gian nan thử thách hay được bình an thư thái. Lời của Thánh Vịnh có sức nối kết sự hiệp nhất của mọi tâm hồn hướng về Thiên Chúa và càng tăng thêm sự linh động nhờ vào những nhạc cụ được sử dụng kèm theo trong các buổi ca tụng cầu nguyện với Thiên Chúa. Điều này cho thấy tính hiệu quả của lời ca tiếng hát cho phép các tín hữu thiết lập quan hệ mật thiết với Thiên Chúa thêm được dễ dàng.
Cũng vậy, thánh ca và thánh nhạc được phát huy đối đa trong các cử hành phụng vụ. Nó giúp mang lại sự linh động cho những người tham dự và sự sốt sắng trong bầu khí cầu nguyện. Những bài Thánh Ca còn vượt ra cả phạm vi tôn giáo đánh động cả những người trần thế hay thuộc các tôn giáo khác. Trong Mùa Giáng sinh chúng ta thấy những bài Đêm Thánh Vô Cùng, hay bài Tiếng hát Thiên Thần đã trở nên quen thuộc mới mọi người khắp nơi trên toàn trái đất.
Riêng đối với Giáo hội Việt Nam, một Giáo hội non trẻ nhưng nền thánh ca và thánh nhạc cũng đã được đề cao và phát triển một cách vượt bậc cùng với những tên tuổi trở nên quen thuộc đối với cộng đoàn Dân Chúa. Có thể nói một số nhạc sĩ viết thánh ca cho các buổi cử hành phụng vụ khác nhau từ lễ cầu cho người qua đời cho đến lễ cưới, thánh hiến, truyền chức hay tạ ơn … đã diễn tả được tâm tư của bao cõi lòng khiến cho cứ trong thánh lễ ngoại lịch nào thì ca đoàn hay cộng đoàn sẽ bắt lên bài hát đó. Có những bài mang dáng dấp chất dân ca tiêu biểu của một trong ba miền của đất nước cũng là cách thức tạo nên bản sắc văn hóa Việt trong đó.
Do tầm quan trọng của âm nhạc và lời ca, thiết nghĩ việc duy trì các nhạc cụ và dòng nhạc truyền thống của Giáo hội Công giáo nói chung cùng với sự kết hợp của tính đặc thù rất Việt Nam trong từng vùng miền nói riêng là điều được lưu tâm. Làm được như vậy lời ca tiếng hát không những là lời cầu nguyện hữu hiệu mà còn là khí cụ truyền giáo đánh động những tâm hồn chưa biết Chúa và khi cất lên trong một buổi cử hành phụng vụ mang tầm cỡ quốc tế cũng sẽ diễn tả được tâm tình tạ ơn hay cầu khẩn của cả những anh chị em tín hữu khác trên thế giới không cùng ngôn ngữ hay sắc tộc với chúng ta.
Cây Sung