Tinh túy Nước Nam
Thứ tư - 11/01/2017 06:04
2370
Lấy tên Nước Nam, cha ông chúng ta muốn xác định rành mạch chủ quyền bên cạnh một nước lớn khác Phương Bắc. Bài thơ « Nam Quốc Sơn Hà » từ rất xa xưa được cất lên như lời tuyên ngôn hùng hồn. Tuy bị Phương Bắc đô hộ ngàn năm, nhưng những người con Lạc Việt thuộc trời Nam không bao giờ chịu khuất phục mà thời nào cũng có những hào kiệt khí phách phất cờ khởi nghĩa dẹp giặc ngoại xâm để đem lại cảnh thái bình cho đất nước. Sử sách Việt Nam mãi mãi nhắc đến tên tuổi những người con ưu tú của Nước Nam như: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền (898-944), Lý Thường Kiệt (1019-1105), Trần Quốc Tuấn (+1300), Lê Lợi (1385-1433), Nguyễn Huệ (1753-1792)…cùng với những chiến công vang dội đập tan ách thống trị Phương Bắc.
Luôn bị kẻ thủ dòm ngó, Tổ Tiên của chúng ta luôn đề cao cảnh giác để không bị phạm phải những mưu kế quỷ quyệt. Truyện Nỏ Thần của Vua An Dương Vương bị Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà đánh cắp đã phản ánh điều đó.
Ngoài ra, kho tàng văn học dân gian còn lưu truyền những nhân vật thông minh tài ba biết thiên biến vạn hóa bằng mọi phương kế để đấu tranh với kẻ thù truyền kiếp bằng trí tuệ. Một trong những nhân vật đó mà chúng ta đều biết đến đó là Trạng Quỳnh.
Truyện kể rằng Sứ Tàu nhà Thanh sang nước Nam, triều đình phái Trạng Quỳnh giả làm người lái đò để nghinh đón. Khi đò đang ở giữa sông, trong đám này có tên đánh rắm và buôn lời đầy xấc xược: « Lôi động Nam bang » (Sấm động nước Nam), Quỳnh bèn vạch quần để tè và nói : « Vũ qua Bắc hải » (Mưa qua bể Bắc).
Lần khác, Trạng Quỳnh đấu trí với một tên Sứ Tàu có biệt tài vẽ. Khi tên này khoe khoang rằng chỉ sau 3 tiếng trống dứt, hắn có thể vẽ xong con vật thì Quỳnh chê là chậm và nói rằng chỉ trong một tiếng trống mình vẽ xong đến 10 con vật bằng cách nhúng cả 10 ngón tay vào nghiên mực rồi vạch trên trang giấy thành 10 con giun.
Thêm lần khác nữa, Quỳnh dựng cổng chào có ghi bốn chữ ở trên : « An Nam quốc môn » để đón phái đoàn Tàu. Thấy chúng không chịu đi qua, Quỳnh liền liền cho các vũ nữ xinh đẹp ra phục vụ ở các quán ăn bên ngoài thành, còn mình giả làm người bán quán. Trong khi phái đoàn Tàu ăn uống và xem vũ nữ múa hát, Quỳnh bèn phá đám. Thấy vậy, tên Chánh Sứ bèn can thiệp thì Quỳnh lại càng được đà làm tới. Không kìm được cơn giận, tên này rượt bắt Quỳnh thì Quỳnh chạy qua cổng chào để vào bên trong thành. Khi hắn bước qua cổng chào cũng là lúc ban lễ tân nổi trống kèn bắt đầu cho nghi thức nghinh đón.
Những mẩu truyện như thế không những mang lại cho người dân Nước Nam tiếng cười sảng khoái mà còn có tác dụng phát huy mưu kế tinh thông để sẵn sàng ứng phó trong mọi hoàn cảnh với Phương Bắc. Ngoài ra, nó còn khích lệ niềm tự hào dân tộc cao độ để phân biệt rạch ròi giữa Ta và Tàu.
Thiết nghĩ, ý chí quật cường chống lại mối đe dọa Phương Bắc của Cha Ông chúng ta và những cách ứng xử tùy cơ ứng biến lưu truyền trong kho tàng dân gian luôn là niềm kiêu hãnh và động lực cho các bậc con cháu trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước ngày càng tươi đẹp và vững mạnh mang đậm bản sắc của mình, đường đường là quốc gia có chủ quyền được khắc ghi trong sử sách vàng son từ bao đời nay.
Suất Đinh