Truyện ngắn: Trở về
Thứ ba - 21/03/2017 14:51
4111
Từ ngày thằng Đức bỏ nhà ra đi, bà Tâm, mẹ nó cứ như người thất thần. Suốt ngày đi ra đi vào, lải nhải trong miệng cái gì không ai hay.Có khi đang ngồi trong nhà, bà ngó nghiêng ra ngoài rồi chạy ầm ra cổng cứ như đang mong ngóng chờ đón ai về. Ông Đông, bố thằng Đức, những ngày đầu hay gắt gỏng, nạt nộ bà nhưng sau cũng chán vì bà ngày nào cũng thế. Đôi lúc bực quá ông quát: “Bà điên rồi à! Ngồi một chỗ cho tôi nhờ. Mà tôi xin bà đừng có lải nhải nữa. Thằng Đức nó đi được thì nó về được. Cái thằng đó chỉ ba bảy hai mốt ngày thôi.”
Ấy thế mà từ ngày thằng Đức bỏ nhà ra đi cũng đã được gần một năm rồi. Đó cũng là khoảng thời gian mà gia đình nó bị xáo trộn nhiều nhất. Thứ thì mẹ nó trở nên điên điên khùng khùng suốt mấy tuần liền. Thứ thì bố nó phải chạy đôn chạy đáo để tìm nó, rồi công việc đồng áng nữa. Chưa kể mấy đứa em nó cũng hụt hẫng vì ông anh tự dưng bỏ bọn chúng mà đi không nói một lời. Thực ra lúc đầu, ông Đông bực nó thật. Ông không thèm đi tìm nó vì ông nghĩ thằng này chưa ra ngõ lần nào sao dám bỏ đi xa được, chắc nó quanh quẩn đâu đó mấy ngày thôi. Thế rồi một tuần, hai tuần trôi qua ông Đông vẫn không thấy nó về. Hỏi bạn bè nó thì không đứa nào biết. Lúc đó ông mới cuống cuồng đi tìm. Tìm mãi cũng chán, vả lại gia đình còn nhiều chuyện đang đổ trên đầu ông nữa. Thế là ông Đông mới tin rằng thằng Đức đã bỏ nhà ra đi thật. Tuy nhiên, trong mỗi giờ kinh tối gia đình, ông vẫn không quên cầu xin Chúa, Mẹ, thánh quan thầy Giuse giữ gìn nó.
Mà nói ra thằng Đức này cũng vô tâm quá. Có giận bố mẹ lắm thì ít nhất cũng gọi điện hay nhắn cái tin cho bố mẹ nó biết đang ở đâu, làm gì để bố mẹ nó đỡ lo, đằng này bặt vô âm tín. Mà chuyện cũng đâu có gì to tát để đến nỗi nó phải làm vậy đâu. Chẳng qua là bố nó thấy nó còn trẻ người non dạ, chưa lo nổi cho mình nên chưa cho nó cưới vợ. Ông bà khuyên ra khuyên vào thế nào cũng không được. Bạn bè, họ hàng khuyên giùm cũng không xong. Cực chẳng đã ông quát: “Tao không cho mày cưới, xem mày làm được trò trống gì không.” Với câu nói đó của ông Đông, nó lên cơn tự ái. Nó không thèm ăn cơm chung với gia đình, cũng không thèm nói chuyện với mọi người trong nhà. Trước lúc bỏ nhà đi mấy hôm, nó tuyên bố dõng dạc: “Thằng này sẽ chứng minh cho mọi người thấy là thằng này sẽ làm nên nghiệp lớn. Rồi mọi người trố mắt mà nhìn, thằng này không phải dạng vừa đâu.” Thế là với lòng tự ái và ý chí lớn, nó bỏ nhà ra đi một cách lặng lẽ khi bố mẹ nó ra đồng, khi mấy đứa em đi học.
Thật ra thằng Đức có đến nỗi vậy đâu. Nó cũng được nhiều người trong làng xếp vào dạng chấp nhận được. Nó lanh lợi thật nhưng chỉ có điều đôi khi hơi ngông nghêng, bất cần đời. Chỉ vì cái ngông nghêng, bất cần đời đó mà nó không thèm đi học đại học dù đã đỗ vào một trường lớn ngoài Hà Nội. Nó nói thẳng thừng với mấy thằng bạn: “Ở cái xứ này tao không học đại học cũng chẳng thua kém đứa nào đâu. Bọn mày cứ chờ xem.” Còn về cái khoản ngoại hình thì nó cũng được xếp vào dạng mỹ nam của làng, đến nỗi nhiều bà còn nhắm nó làm con rể. Lúc học phổ thông, con gái bám đuôi nó đếm không xuể, có đứa còn về ở lỳ trong nhà nó. Chính điều này ít nhiều càng làm cho nó thêm ngông nghênh, bất cần đời.
Từ ngày thằng Đức bỏ nhà ra đi, nó trở nên đề tài nóng hổi cho cái làng quê nghèo, ngay cả mấy đứa bé học lớp 2 hay bà già bán nước đầu ngõ cũng biết rõ mồn một. Và cũng từ đó tin đồn về nó nhiều hơn. Nào là nó giờ thành xã hội đen rồi. Nào là nó đã bị đi tù vì cướp ngân hàng. Có người còn nói chắc nịch rằng thằng Đức đang sống với con bé nào ngoài Hà Nội rồi. Những lời đồn thổi về thằng Đức càng làm cho nó nổi danh hơn trong cái làng vốn yên bình của nó. Không ít đứa choai choai ngưỡng mộ về nó. Cũng có những đứa xem nó như là thần tượng. Đặc biệt hơn là mấy cô chưa xong giai đoạn dậy thì cứ xem thằng Đức như là cái thằng anh hùng đẹp trai cứu dân làng trong bộ phim Hàn Quốc đang chiếu trên truyền hình. Không biết thằng Đức nổi danh đến cỡ nào, nhưng các bậc phụ huynh trong làng bắt đầu nơm nớp lo sợ con mình cũng bắt chước bỏ đi như nó.
Chỉ khổ cho gia đình nó. Mẹ nó thì cứ thất thần như người mất hồn. Có những lúc bà nhìn lên tấm ảnh của nó treo trên tường rồi khóc bù loa như đứa trẻ lên ba bị cướp mất cái kẹo mút. May mà được mấy dì, mấy bác động viên, an ủi nên tình trạng đó của bà cũng đỡ dần. Bố nó thì chỉ biết im lặng trước những câu chuyện không hay về thằng con mình. Bây giờ biết làm sao được. Không lẽ ông lại phân bua, đôi co với người ta. Mà phân bua, đôi co thì được cái gì. Con dại cái mang mà. Ông Đông vẫn thường nói vậy với một số người. Mấy đứa em nó thì không dám ra khỏi ngõ chơi vì bọn bạn cứ lấy ông anh ra trêu chọc.
Dù thằng Đức bỏ nhà ra đi không một lời nhưng ông Đông bà Tâm vẫn thương nó rất mực.Có khi dọn cơm lên, hai ông bà ngồi khóc, phần vì nhớ phần vì thương, không biết giờ này thằng con của mình đã được hột cơm nào vào bụng chưa. Nói thật, ông bà giận nó thì có giận thật nhưng chỉ giận một thôi chứ thương nó thì thương đến mười. Bố mẹ mà, có ai giận con cái mình quá một ngày đâu. Không biết thằng Đức có hiểu tình thương và nỗi nhớ của bố mẹ nó không, hay lại vì cái tính tự ái và tự trọng lên cơn mà nó không dám gọi điện, không dám về nhà chăng.
Theo năm tháng, cái đề tài bỏ nhà đi của thằng Đức cũng dần bị chìm xuống như giá thóc giảm trong làng quê của nó. Bố mẹ nó cũng dần nguôi ngoai, vì lẽ thời gian và công việc đồng áng chi phối. Bỗng một hôm, nó thất thần xuất hiện. Từ trong bếp, mẹ nó nhìn qua vách khe hở nói vọng ra: “Chú tìm ai? Nhà tôi đi vắng rồi.”Vừa dứt câu mẹ nó đi ra khỏi bếp, dụi mắt vì khói đã làm bà cay xè. Bà tiếp tục: “Chú...”. Không để cho bà nói hết câu, thằng Đức chạy đến ôm chầm bà, nói trong nước mắt: “Con đây, thằng Đức của mẹ đây. Con đã về với mẹ rồi đây. Con xin lỗi mẹ vì đã làm mẹ phải đau khổ vì con.”Câu từ chưa kịp thốt ra trên môi thì bà cũng ôm nó mà khóc. Hai mẹ con khóc như chưa từng được khóc. Lúc này, ông Đông từ ngoài đồng về. Chưa hiểu mô tê chuyện gì, thấy tiếng khóc, ông hốt hoảng: “Bà nó có chuyện gì vậy?”. Vừa nghe thấy tiếng ông Đông, thằng Đức vội chạy tới quỳ xuống, cúi mặt nghẹn ngào: “Con xin lỗi bố”. Ông đứng người mất mấy giây. Ông đứng người ra không phải vì cảm động nhưng vì không tin nổi trước mặt mình là Đức, thằng con đã bỏ nhà ra đi cách đây mấy tháng. Với ông, thằng Đức của mấy tháng trước mập mạp, trắng trẻo chứ đâu phảithân tàn ma dại như thế này đâu. Không biết đây có phải là bằng chứng xác thực cho lời tuyên bố “thằng này không phải dạng vừa đâu” của nó trước khi bỏ đi không nữa. Ông Đông cố kìm nén sự bực tức đã bị dồn nén bấy lâu nay để dìu nó đứng lên. Ông khua nước mắt chảy trên gò má, nói nhỏ nhẹ: “Con về là tốt rồi”. Ông nói vón vẹn câu đó rồi đi một mạch vào trong nhà. Ông chỉ nói bây nhiêu thôi cũng đủ làm cho thằng Đức cảm thấy xấu hổ và dằn vặt trong lòng. Trong giờ phút này, ông Đông càng im lặng thằng Đức càng cảm thấy ân hận hơn về hành động của nó. Giờ đây, với nó mọi lời nói đều trở nên vô nghĩa ngoài câu “Con xin lỗi bố”.Trưa hôm đó, bữa cơm như kéo dài lê thê hàng thế kỷ vì không ai nói với ai câu nào.
Mãi lâu sau đó một thời gian, thằng Đức mới kể cho mọi người nghe về cuộc sống phiêu bạt nơi đất khách quê người. Với nó, đó là một kỷ niệm đáng quên nhất trong cuộc đời. Kỷ niệm về những lúc sống chui rủi dưới gầm cầu. Kỷ niệm về những đêm trằn trọc không ngủ được vì đói. Chưa kể những khi nó phải bỏ chạy thục mạng vì bị nghi ngờ là phường trộm cướp. Nó cười gượng khi đứa em út của nó kể về lời đồn nó sống với cô gái nào ngoài Hà Nội. Nó chậm rãi nói như muốn phân trần thêm về cuộc sống khổ cực mà nó đã trải qua: “Nhìn anh thế này thì có ma nào dám ở cùng. Người thì dơ bẩn vì ít khi được tắm. Tiền làm thuê thìchỉ đủ mua gạo, mua muối. Có khi đói bụng cũng không có tiền để mua gói mì tôm. May mà có mấy thằng kia cho ở chung trong cái phòng bé xíu nên cũng đỡ phần nào”.“Thế tại sao anh không về nhà?” Câu hỏi của đứa em làm cho nó tắt ngay mọi tâm trạng. Nó im lặng nhưng bố mẹ nó thừa biết chỉ vì cái tính tự trọng lên cơn đã kìm hãm bước chân của nó. Thế là sau những tháng ngày nổi trôi, thằng Đức giờ mới nghiệm ra được một điều: gia đình mới thực sự là nơi bình yên nhất. Và bố mẹ có cấm đoán cái gì thì cũng chỉ vì lợi ích cho con cái mà thôi.
Giờ đây, gia đình nó lại chứa chan hạnh phúc. Mâm cơm lại đầy ắp tiếng cười. Lời kinh tối trong gia đình lại được sum tụ, ngân xa. Bố mẹ nó cũng không thấy nó đề đến chuyện cưới xin, ít nhất là trong giai đoạn này.Thằng Đức chẳng khác gì như đứa con hoang đàng biết ăn năn trở về sau những ngày thángbỏ nhà ra đi. Trong thâm tâm nó thề sẽ không bao giờ lặp lại hành động như vậy nữa. Nó cũng hứa sẽ siêng năng, chăm ngoan vì cuộc đời không đơn giản như nó tưởng.
Antôn Hoàng Văn Phúc, OP