Thứ Năm tuần 34: Lc 9, 23-26
Những lời thánh sử Luca ghi lại trong Tin mừng hôm nay rất quen thuộc với mỗi người, đặc biệt hơn khi những lời này được chọn đọc trong ngày lễ các thánh Tử đạo Việt Nam. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sáng suốt nhận định: “Các vị tử đạo là những người không thể thiếu cho việc tăng trưởng Tin Mừng” (Redemptorismissio 45). Vì đã sống và thực hành Lời Chúa bằng cả mạng sống nên sau khi chết, các ngài không đi vào quên lãng nhưng vẫn đem lại hoa trái cho Giáo hội như Tertuliano đã nói “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”.
Khi còn sống, các thánh tử đạo đã để cho Chúa chiếm hữu và hun đúc như lời Chúa nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Ngài không hứa cho những ai đi theo sẽ có cuộc sống dễ dãi, nhưng lại tiên báo gươm giáo, chia rẽ, tù ngục (x. Mt 10, 34-36). Chính Đức Giêsu khi ở trần gian đã có một kết thúc không được gọi là thành công. Thế mà sau đó, biết bao người bị chinh phục ‘vác thập giá’ đi theo Ngài. Trước tiên là các Tông đồ, sau đến lớp lớp các thánh mà tên tuổi các ngài chúng ta còn chưa biết hết. Họ tự nguyện “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Hành động và thái độ ấy cho thấy các môn đệ chân chính phải rập theo khuôn mẫu cuộc đời Đức Giêsu, theo Người trong sự từ bỏ chính mình.
Chiêm ngắm cuộc đời các thánh Tử đạo dưới ánh sáng lời Chúa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, để rồi mỗi người xác tín rằng, lời này không chỉ dành cho các môn đệ ngày xưa, nhưng cho mọi Kitô hữu, vì “vác thập giá hằng ngày” là quy luật thường hằng trong cuộc sống. Khi mời gọi từ bỏ như thế, không có nghĩa rằng Chúa dạy ta vứt bỏ cuộc sống cách vô ích, lao vào các cuộc vui chơi vô bổ hoặc liều lĩnh sinh mạng vì những giá trị tầm thường, dạy ta sẵn sàng “liều mất mạng sống mình” vì mục đích thiêng liêng cao cả. Làm được thế, chúng ta mới hy vọng có lại được sự sống ấy ở nơi vĩnh hằng. Đó là ý nghĩa của lời hứa sau này “sẽ cứu được mạng sống ấy”.
Mọi người đều qúi trọng sự sống mình, dẫu cuộc đời vắn vỏi. Các thánh tử đạo cũng rất trân quý sinh mạng mình, nhưng khi cần phải chọn lựa giữa cái mất và được, trần gian và thiên giới, các ngài đã coi cái chết nhẹ như bông, xem đó như ngưỡng cửa phải bước qua để tiến vào cuộc sống miên trường. Các ngài đã chứng minh cho đời sau chân lý: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” là có cơ sở. Bởi đó, cuộc đời của các ngài có thể nói được như thánh Phaolô: “Bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết...” (2Cr 6, 9-10).
Các thánh tử đạo khi sống ở trần gian đã không ‘xấu hổ’ khi làm chứng về danh Giêsu, trái lại còn tự hào vì được mang thập giá, nhục hình để được xứng là môn đệ Người. Trong mắt phàm nhân, các ngài là những kẻ dại dột vì đã tin và đi theo một Người chẳng đem lại cho họ vinh quang danh giá trần gian. Nhưng ngày sau hết, các ngài sẽ được thấy Đức Giêsu trong vinh quang, không phải bẽ mặt hổ ngươi “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần”(Lc 9, 26).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con hiểu những lời: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, không chỉ nói với các Tông đồ, mà còn dành cho cả chúng con nữa. Trên hành trình theo Chúa chúng con không sợ khó, ngại khổ vì những ‘thập giá’ là công việc, trách nhiệm hay bệnh tật, nhưng lại sợ ‘từ bỏ’ những gì an toàn, tiện nghi... Xin các thánh Tử đạo Việt Nam cầu bầu cho chúng con vượt thắng những yếu đuối để sống xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.