Thứ 5 tuần 33: Giêrusalem thánh đô trần gian
Thứ ba - 15/11/2016 22:57
1993
(Lc 19, 41-44)
Trong lịch sử Dân Thánh, thành Giêrusalem là thánh địa quan trọng, bởi vì đây chính là nơi vua Đavít xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Salômôn đã xây Đền Thờ đầu tiên. Thành này trở thành niềm tự hào, là biểu tượng đức tin, là nơi để cử hành các nghi lễ tôn giáo và sau cùng đây cũng là nơi Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.
Xét về phương diện trần thế, Đức Giêsu xuất thân là người Do thái nên Ngài cũng có chung niềm tự hào như bao người Israel khác. Về khía cạnh thiêng liêng, Giêrusalem là nơi để phụng sự Chúa Cha, là thánh đô trần thế. Đối với Đức Giêsu, mỗi lần lên Giêrusalem không chỉ đến vì nghĩa vụ tế tự theo luật định, nhưng là được trở về để gặp gỡ và cầu nguyện với Chúa Cha, về 'nhà của Cha'. Nên khi thấy trước sự suy vong của thành, Người đã không giấu nổi tiếng khóc thương, mà thốt ra những lời cảnh tỉnh mạnh mẽ: “Sẽ tới ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề.” Và cuối cùng Giêrusalem sẽ bị san bằng. Trong Kinh thánh, chúng ta thấy rất ít khi đề cập đến việc Chúa Giêsu khóc. Ngoài một đôi lần, như khi đứng trước mồ Ladarô (Ga 11, 35) và lần này đứng trước thành thánh, Chúa Giêsu cũng bật lên tiếng khóc thương.
Tiếng khóc lần trước là tiếng 'thổn thức trong lòng và xao xuyến' diễn tả xúc cảm tự nhiên của một con người khi phải mất đi người bạn, nhưng tiếng khóc lần này là sự thương cảm lớn lao, tiếng lòng của người Mục tử trước an nguy của đàn chiên đang lầm đường vì cặp mắt tâm hồn đã bị che khuất: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!”. Đây là một câu cảm thán diễn tả cảm xúc, nhưng cũng có thể đặt một dấu hỏi chấm để Giêrusalem tự chất vấn chính mình vì đã không nhận ra chỉ những giá trị thiêng liêng mới có thể đem lại bình an đích thực.
Không phải ngẫu nhiên Chúa Giêsu có tâm trạng như vậy. Trong khi dân thành Giêrusalem chờ mong Đấng Cứu độ, Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ đến kêu gọi họ canh tân đời sống. Họ đã không tin, thậm chí còn tìm cách giết các ông. Sau cùng, chính Con Người cũng đến sống ở giữa họ, chứng kiến sự bội tín bất trung của dân Ngài đã thốt lên: “Ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”. Những lời này trước đó ta đã từng nghe trong bài ca Chúc tụng ‘Benedictus’ qua miệng ông Da-ca-ri-a: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1, 68). Da-ca-ri-a cũng như các môn đệ đã nhận ra, tin và đi theo Đức Giêsu, vị Cứu tinh của nhân loại, còn dân chúng thì không.
Những lời cảnh báo cuối cùng: "Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19, 44). Đức Giêsu đã vạch trần tội lỗi, sự u mê tự hào của dân vào những thành quả thế tục 'thành do con người xây cất' mà bỏ quên những yếu tố thánh thiêng 'công trình mầu nhiệm'. Những tội lỗi trong quá khứ, Thiên Chúa có thể tha thứ miễn là họ biết ăn năn sám hối, đó là điều Người mong được thấy ở Giêrusalem cũng như nơi mỗi người chúng ta ngay bây giờ, ngay giây phút hiện tại của ‘ngày hôm nay’.
Cầu nguyện: Lời Chúa Giêsu nhắc nhở Dân thánh xưa kia, cũng là lời cảnh tỉnh chúng ta hôm nay trước diện mạo xã hội hiện đại. Vì với sự tân tiến của công nghệ, con người dễ rơi vào vòng xoáy của quyền lực, địa vị, tranh chấp và chạy theo những thứ vật chất phù phiếm. Xin Chúa mở mắt tâm hồn chúng con vốn đang ‘bị che khuất’ bởi những vật thế tạm mà biết quý trọng những gì đem lại bình an đích thực cho tâm hồn.
Tác giả: HDĐM, Nhóm Suy niệm BC