Văn hoá đón tiếp
Chủ nhật - 25/06/2023 05:52
1265
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XIII, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: chúng ta là con cái Thiên Chúa, con cái của ánh sáng, nên xin cho chúng ta luôn được rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, chứ đừng sa vào tối tăm lầm lạc. Các phạm trù: ánh sáng và bóng tối, chân lý và sai lầm, sự sống và sự chết là những cặp từ đối lập trải dài suốt dòng lịch sử cứu độ, và xuất hiện khắp nơi trong từng trang Thánh Kinh. Ngay từ những câu đầu tiên của sách Sáng Thế, Thánh Kinh đã cho thấy: công việc trước hết của Thiên Chúa Sáng Tạo là tách ánh sáng ra khỏi tối tăm (x. St 1,3), cho đến cuối sách Khải Huyền, Thánh Kinh đã miêu tả thành Giê-ru-sa-lem mới: thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu sáng, vì vinh quang của Thiên Chúa luôn tỏa rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi (x. Kh 21,23). Số phận đời đời của chúng ta cũng có kết cuộc là: xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng, hay bị đẩy vào chốn tối tăm, ở đó phải khóc lóc nghiến răng.
“Đón” gì được đó, “tiếp” gì nhận đó, cửa mở hướng nào, thì gió lùa vào hướng đó. Kinh nghiệm thường ngày cho thấy: nếu chúng ta quay về phía ánh sáng của bóng đèn hay của ánh mặt trời, thì chúng ta sẽ được soi sáng, và mọi thứ đều được tỏa rạng; nếu chúng ta quay lưng lại, không tiếp nhận ánh sáng, thì lập tức cái bóng của chúng ta xuất hiện dẫn bước chúng ta đi, và chúng ta sẽ bị chìm vào trong tăm tối.
Quan sát những cây trong vườn, chúng ta thấy cùng được chăm sóc như nhau, nhưng, có cây phát triển tươi tốt, có cây ủ rũ héo tàn, thậm chí, có cây tự dưng nửa chừng chết khô. Tất cả là do bộ rễ có thấm hút nước, hấp thụ các chất dinh dưỡng và tiếp nhận các khoáng chất từ trong đất hay không. Cũng vậy, cùng tham dự một buổi phụng vụ như nhau, nhưng, có người được ơn, có người thì không, là do, lòng của mỗi người có mở ra để đón nhận ân huệ của Chúa hay không mà thôi.
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su nói: Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy; đón tiếp ngôn sứ, thì lãnh phần thưởng bậc ngôn sứ; đón tiếp người công chính, thì lãnh phần thưởng bậc công chính.
Trong bài đọc một, người đàn bà Su-nêm đã đón tiếp ông Ê-li-sa, nên bà được lãnh phần thưởng bậc ngôn sứ là một mụn con trai, sau bao ngày khắc khoải, mòn mỏi, đợi trông, phần thưởng dành cho bà là một sự sống mới, sự sống của con bà, đứa con cầu tự của bà.
Trong bài đọc hai, thánh Phao-lô cho thấy: ai đón tiếp Đức Ki-tô, tiếp nhận thập giá, và cái chết của Người, bằng cách dìm mình vào trong nước thanh tẩy, dìm vào trong cái chết của Đức Ki-tô: cùng chết với Người, thì sẽ cùng được sống lại với Người. Phần thưởng dành cho những ai đón tiếp Đức Ki-tô không phải là sự sống của một ai khác, nhưng là, sự sống của chính mình, một sự sống đời đời bất diệt dành cho những ai đón nhận Đức Ki-tô.
“Đón tiếp” nghe thì dễ, nhưng thực hành thì không dễ chút nào. Khi chấp nhận mở lòng ra để đón tiếp ai đó, hay đón nhận một hoàn cảnh, mà đó lại là một nghịch cảnh, một thập giá, thì thật không dễ chịu chút nào. “Đón tiếp” đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi chính mình, sẵn sàng chấp nhận những xáo trộn, những quấy rối, phiền nhiễu sẽ xảy đến.
Khi người đàn bà Su-nêm cùng với chồng mình, quyết định đón tiếp ngôn sứ Ê-li-sa, thì họ đã chấp nhận bị xáo trộn trong sinh hoạt hằng ngày: phải làm thêm một căn phòng, sắm thêm cái giường, bàn ghế, và các đồ dùng cần thiết khác, rồi mỗi khi ngôn sứ ghé qua, thì họ phải đón tiếp, cơm nước, những sinh hoạt hằng ngày, và những hệ lụy khác kéo theo sau việc đón tiếp này.
Khi chấp nhận đón tiếp Đức Ki-tô và tiếp nhận thập giá vào trong cuộc đời mình, chúng ta cũng phải chấp nhận trả giá, đôi khi, phải hy sinh đến những tương quan tốt đẹp đối với cha mẹ, với con cái, ngay cả với chính mình, thậm chí, tính mạng của mình cũng có nguy cơ bị thiệt hại. Đó là cái giá cho những ai muốn thuộc về Đức Ki-tô, thuộc về con cái ánh sáng.
Chọn vác thập giá, bước theo Đức Ki-tô, là chúng ta chọn đi trong ánh sáng rạng ngời của ơn cứu độ; khước từ thập giá, khước từ Đức Ki-tô là chúng ta đang đi trong tối tăm lầm lạc. Chúng ta là con cái Thiên Chúa, con cái của ánh sáng. Con cái của ánh sáng luôn bị con cái thế gian bách hai, điều này dường như đã trở thành một quy luật, bởi vì, ngay từ thuở đầu tiên của nhân loại: A-ben, người công chính, đã bị bách hại, rồi đến, những người công chính khác, các ngôn sứ, các Tông Đồ, các thánh tử đạo, và tới lượt chúng ta, nếu chúng ta muốn đứng về phía Đức Ki-tô, về phía ánh sáng, chúng ta cũng phải chịu bị bách hại, bị chống đối, bị loại trừ.
Tuy nhiên, lời Đức Giê-su xác quyết trong bài Tin Mừng hôm nay: đón tiếp một người bé mọn nhất, dù chỉ với một chén nước lã, thì cũng không mất phần thưởng đâu, huống chi, chúng ta sẵn sàng: không chỉ một chén nước lã, mà ngay cả chấp nhận đổ máu mình ra để cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô qua việc vác thập giá mình hằng ngày mà bước theo Chúa, đồng chịu đau khổ với Đức Ki-tô, ắt hẳn, chúng ta sẽ được đồng hiển trị với Người.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB