"Còn lâu chủ ta mới về"

Thứ ba - 19/10/2021 09:03  601
THỨ TƯ TUẦN XXIX
Lc 12,45

truyen cuoi bom nhauTrong khi khai quật, các nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Vesuve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau: có người chết đang khi nhậu nhẹt, có những người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình ảnh một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay. Từ bằng chứng khảo cổ này cho chúng ta thấy một thực tại về tình trạng của con người luôn thiếu tỉnh thức và chủ quan khi vướng vào “chủ nghĩa còn lâu” khiến con người luôn có xu hướng trì trệ trong lối sống và bổn phận của mình.

Nhìn từ thực tế cuộc sống, con người dường như gắn liền với chữ “còn lâu” này trong đại đa số. Chính thánh Phaolô cũng chia sẻ rất sâu sắc về kinh nghiệm này: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19). Thế nên, dòng chảy mang tên “còn lâu” luôn tồn tại trong cơ thể khiến xác thịt yếu đuối thêm nặng nề. Chúa Giê-su biết rằng: sức ù lì của thân xác quá lớn nên Người đã cảnh báo các môn đệ thân tín của Người, khi họ mải mê trong sự chễ nải: Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mc 14,38).

Sự ù lì khiến cho chúng ta mất cảnh giác và buông thả trong mọi việc. Tình trạng này xét về trước mắt, ta không thấy vô hại là bao, nhưng về lâu về dài hậu quả thật khó lường. Một khi ai đó đã rơi vào “chủ nghĩa còn lâu”, thì đồng thời chủ nghĩa này còn đi theo bởi các chủ nghĩa khác như: chủ nghĩa cá nhân và lối sống hưởng thụ. Chủ nghĩa này ru ngủ chúng ta và tự cho mình cái quyền: tôi tự do quyết định đời tôi, thích thì tôi làm, chán tôi bỏ. Đơn giản vậy thôi!

Bên cạnh đó, chủ nghĩa hiệu năng, công chức có xu hướng là mau thích, chóng chán và dễ thất vọng... cũng luôn gắn liền với chủ nghĩa còn lâu. Tất cả các chủ nghĩa đó như hợp sực tác hại nên thân xác chúng ta khiến cho bao người không dễ để vượt qua được sức nặng của cơ thể.

Từ đó, nhìn vào dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, hình ảnh người quản gia đã đại diện tiêu biểu cho tất cả những khuynh hướng đã nói trên: trước hết, ông đã rơi vào “chủ nghĩa còn lâu” khi tự nhủ rằng: “lâu chủ ta mới về”. Bên cạnh đó, ông cũng vướng vào chủ nghĩa cá nhân và lối sống hưởng thụ khi chè chén say sưa, và cho mình quyền tự quyết, quyền được làm tất cả vượt qua quyền hạn của mình, cuối cùng hậu quả là đánh mất chính mình dẫn đến khủng hoảng đức tin; cuối cùng là không được hưởng sự chúc phúc nhưng rơi vào các sự khốn đốn.

Như thế, chủ nghĩa còn lâu rất nguy hại cho ai vướng phải. Thực tế cuộc sống cho thấy: chủ nghĩa này khiến bao người rời xa khuynh hướng và đánh mất mục tiêu cuộc sống. Có người bị thụt lùi trên con đường học tập, nghiên cứu lúc nào không hay. Các nhà kinh doanh hay công chức thì không đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong đời sống thiêng liêng, chủ nghĩa này làm cho chúng ta bê trễ trong việc bổn phận kinh sách, và dần làm cho ta bỏ luôn bổn phận này với bao lý do ngụy biện. Và nguồn gốc của bao sự sụp đổ trên đường thiêng liêng cũng bắt đầu từ đây.

Để biết triệu chứng của căn bệnh này, chúng ta chỉ cần dành ít thời gian suy xét lại lối sống chúng ta đang có là biết ngay. Mỗi người hãy tự hỏi: Chúng ta có luôn mau mắn trong những bổn phận hàng ngày không? Chúng ta có rơi vào những ý nghĩ: đời tôi còn dài lắm! Còn lâu tôi mới chết! Hãy để khi về già ta hãy bắt đầu sống đạo đức, chăm chỉ kinh kệ để chuẩn bị cho phần rỗi lúc chưa muộn. Nguy hại hơn còn có ý nghĩ: “Hoa thơm Chúa thường hái về trước”, nên đừng sống tốt lành sớm kẻo bị Chúa lại mau gọi về sớm ngay khi ta còn thanh xuân, vì bằng chứng cho thấy nhiều người tốt lành luôn chết sớm; và biết bao nhiêu quan niệm sai lạc khác....

Thiết nghĩ, chúng ta hãy nghe lời Chúa cảnh báo mỗi chúng ta: “chính giờ phút không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12, 40). Thế nên, chúng ta đừng sống với “chủ nghĩa còn lâu” nhưng luôn sống trong tư thế sẵn sàng, thắt đai và cầm đèn sáng trong tay chờ chủ về. Hãy thức tỉnh để biết mình đang làm gì trong đời đến độ vừa làm việc, vừa có thể nghe được hơi thở và nhịp đập của trái tim yêu thương và tinh thần phục vụ của mình như nhà thơ Tagore chia sẻ tâm tình: “Tôi thức tỉnh và tôi sống, một cuộc sống chỉ phục vụ, tôi phục vụ và tôi hiểu rằng phục vụ là niềm vui”.

Tác giả: Nhóm suy niệm Lời Chúa

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập212
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm180
  • Hôm nay51,924
  • Tháng hiện tại1,144,481
  • Tổng lượt truy cập71,172,238
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây