CN I MV: Tỉnh thức, sẵn sàng cho ngày Chúa đến

Thứ bảy - 27/11/2021 04:03  693
CHÚA NHẬT I
Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36

download 6Sống trong cuộc đời trần thế này, không ai lại không có những hoang mang, lo âu, sợ hãi, khó khăn và thử thách. Nhiều người không thể vượt qua nỗi hoang mang, lo âu và sợ hãi, thậm chí còn gục ngã trước những khó khăn và thử thách. Chính vì thế mà có lẽ khao khát sâu xa nhất của con người là được giải thoát khỏi mọi hoang mang, âu lo, sợ hãi, khó khăn và thử thách. Liệu con người có thể thoát khỏi tất cả những thứ ấy và đạt đến một sự bình an, thanh thản và hạnh phúc tuyệt đối khi còn đang rảo bước trên chốn dương thế này chăng?

Theo Đức Phật, những gì con người đang phải trải qua thật là một bể khổ. Muốn vượt qua bể khổ trần gian này, mỗi người phải tìm cho mình con đường giải thoát, làm sao để tâm hồn hoàn toàn tự do, không bị xao động, bị chi phối bởi dục vọng nào và kể cả dục vọng tốt. Muốn thoát khỏi dục vọng, con người phải chiến đấu với dục vọng; vì thế mà con đường giải thoát được Đức Phật đề nghị là Diệt Đế, tức là diệt trừ đau khổ do tham sân si hay dục vọng là nguyên do gây ra. Đạt tới tình trạng đó gọi là tới Niết Bàn, được giải thoát hoàn toàn và thành Phật. Liệu tự mình, con người có thể đạt tới sự giải thoát đó không? Theo Đức Phật, con người có thể đạt tới nếu thực sự nỗ lực tu luyện. Tuy nhiên, con đường ấy sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể vì nó chỉ dựa trên sức riêng của con người.

Theo Đức Giêsu, con người sẽ đạt tới sự giải thoát trọn vẹn trong ngày của Con Người, tức là ngày cánh chung, ngày Ngài xuất hiện trong vinh quang, ngày mà ơn cứu độ thành toàn nơi mỗi người. Với kitô giáo thì ngày cứu độ đã khởi sự với việc Nhập thể của Chúa Giêsu và hoàn tất trong ngày sau hết. Ơn cứu độ trước tiên được thể hiện qua kinh nghiệm của dân Do Thái, một dân tộc luôn khao khát ơn giải thoát. Ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo ngày Đấng Công Chính đến nối nghiệp Đavít, cai trị đất nước theo lẽ công bình chính trực, sẽ giải thoát Giuđa, sẽ làm cho Giêrusalem được an cư lạc nghiệp, mọi dân tộc sẽ thừa nhận Đức Chúa là Đấng công chính. Lời tiên báo ấy được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu vì Ngài là con vua Đavít, đến trần gian thiết lập Nước Trời không biên giới và lấy lẽ công bình chính trực mà cai trị, lấy tình thương cứu độ mà giải thoát. Cuộc đời rao giảng, qui tụ, chữa lành, tha thứ, hy sinh, phục vụ và hiến mạng sống của Chúa Giêsu diễn tả chân lý ấy.

Ơn cứu độ đã được trao ban qua Chúa Giêsu, song vẫn còn tùy thuộc vào thái độ đón nhận của từng người. Ngày cánh chung sẽ đến nhưng không ai biết ngày giờ nào. Tính bất ngờ của nó vẫn còn đó. Vì thế, muốn đạt tới ơn cứu độ vĩnh cửu trọn vẹn, thái độ mà các tín hữu cần phải có là tỉnh thức sẵn sàng. Tỉnh thức đề phòng để lòng không ra nặng nề vì chè chén say sưa, để không vì lo lắng sự đời mà trở nên u mê tăm tối. Tỉnh thức để nghe tiếng Chúa, tìm cho ra ý Chúa và sẵn sàng thực thi với tất cả sự chân thành. Tỉnh thức cũng là để nhạy bén với tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của Chúa Thánh Thần, nhận thức điều xấu phải tránh và điều tốt nên làm. Tỉnh thức để thấy nhu cầu chính đáng và khẩn thiết của tha nhân mà yêu thương và ra tay giúp đỡ đúng lúc.

Thánh Phaolô đã tha thiết cầu xin cho các tín hữu Thêsalônica yêu thương nhau “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đàm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy”. Theo thánh Phaolô, yêu thương nhau và yêu thương mọi người là dấu hiệu của môt tâm hồn tỉnh thức vì chỉ có tỉnh thức thì mới thấy nhu cầu của tha nhân, chỉ có sẵn sàng thì mới đáp ứng đúng lúc nhu cầu của họ. Sống được như vậy, người kitô hữu sẽ xứng đáng là kẻ bền tâm, vững chí, thánh thiện, không bị chê trách trước nhan Thiên Chúa là Cha, trong ngày của Đức Giêsu quang lâm cùng với các thánh của Ngài. Nói như câu kết của đoạn Tin Mừng hôm nay thì tỉnh thức, sẵn sàng, chuyên cần cầu nguyện sẽ giúp cho người kitô hữu can đảm, mạnh mẽ đứng vững trước mặt Con Người trong ngày Ngài trở lại trong vinh quang. Thái độ tỉnh thức sẵn sàng của chúng ta không chỉ dành cho việc chờ đợi ngày Chúa quang lâm mà trước hết là cho ngày đại lễ Giáng Sinh sắp tới này.

Khao khát căn bản nhất của con người là ơn cứu độ, là sự giải thoát khỏi mọi bận tâm, âu lo, đau khổ, sự ác và lỗi lầm… Ơn cứu độ đã khởi sự qua việc nhập thể, chịu chết và sống lại của Chúa Giêsu, đồng thời sẽ viên mãn vào ngày sau hết. Muốn có ơn cứu độ, người kitô hữu phải luôn tỉnh thức sẵn sàng để lòng không ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, đam mê dục vọng. Ngoài ra, người kitô thữu còn phải cầu nguyện luôn để thoát khỏi sự dữ và đứng vững trước mặt Con Người. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn sống tinh thần tỉnh thức sẵn sàng để tâm hồn xứng đáng với lễ Giáng Sinh cũng như cho bất kỳ ngày giờ nào Chúa đến vì bao giờ ngày của Chúa cũng là ngày bình an và hạnh phúc cho những tâm hồn thánh thiện. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập361
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm327
  • Hôm nay18,522
  • Tháng hiện tại995,909
  • Tổng lượt truy cập78,999,360
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây