TUẦN 2
Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6
Anh chị em thân mến,
Toàn bộ phụng vụ lời Chúa trong Chúa Nhật thứ hai mùa Vọng hôm nay giới thiệu và loan báo với chúng ta về ơn cứu độ. Thiên Chúa sẽ cứu độ dân Israel nếu Israel có tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng. Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho muôn dân hay hết thảy mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta đặt câu hỏi: cứu độ là gì? Ơn cứu độ đến từ đâu? Làm thế nào để ơn cứu độ đến được với mỗi người?
1. Cứu độ là gì?
Cứu độ có nghĩa là sự giải thoát, chữa lành của Thiên Chúa, để đưa chúng ta đến sự sống mới trong ân sủng nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa thực hiện hành động cứu độ trải dài trong suốt lịch sử: bắt đầu với việc tạo dựng, kế đến là chọn Abraham, sau đó đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ, tiếp đến là ban Đất Hứa cho dân Chúa và cuối cùng là hoàn tất qua biến cố Đức Giêsu Kitô.
Bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Barúc cho ta những dấu hiệu của ơn cứu độ: Giêrusalem cởi bỏ áo tang chế khổ nhục, cho mặc áo vinh quang vĩnh cửu, khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa, đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng, thấy hào quang rực rỡ của Thiên Chúa khắp cả hoàn cầu, được người ta gọi là “Bình an xây dựng trên công chính” và “vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa”. Giêrusalem đứng ở nơi cao, hướng nhìn về phía đông xem con cái từ đông sang tây tụ về theo lời Thiên Chúa, được Thiên Chúa nhớ đến, cho mừng vui hân hoan.
Theo đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, người được cứu độ là người được Thiên Chúa tha thứ mọi lỗi lầm, trả lại một tâm hồn bình an thanh thản, không vương bận bởi lỗi lầm, được nhìn thấy Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu hay ban ơn cứu độ.
2. Ơn cứu độ đến từ đâu?
Ơn cứu độ không bao giờ đến từ con người, nhưng đến từ ân ban của Thiên Chúa, đến từ tình thương hải hà của Người. Thật vậy, toàn dân Israel đang sống trong đau khổ tủi hờn “tang chế khổ nhục”, thì được Thiên Chúa dùng miệng ngôn sứ Barúc mời gọi “hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu, khoác áo choàng công chính, đội chiều thiên vinh quang, thấy hào quang rực rỡ.” Ánh vinh quang vĩnh cửu, áo choàng công chính, chiều thiên vinh quang, ánh hào quang vĩnh cửu ấy đều đến từ Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Hằng ban tặng nhưng không vì “Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.”
Đoạn Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy điều đó. Vào năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Tiberio, thời Phongxio làm tổng trấn Giuđê, Herode làm tiểu vương miền Galile, toàn dân đang sống trong cảnh lầm than vì tội lỗi, Thiên Chúa chứ không phải ai khác, đã sai Gioan Tẩy Giả ra đi rao giảng lòng ăn năn và cử hành phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như lời chép trong sách Isaia rằng: “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi đồi núi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
3. Làm thế nào để ơn cứu độ đến với mỗi người?
Trước hết, ơn cứu độ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Ngài yêu thương nhân loại không giới hạn, dù nhân loại thế nào, thì tình thương của Chúa vẫn không thay đổi “Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu”, và ngay khi chúng ta đang còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã ban Con Một cho chúng ta. Ngài ban Con Một không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian tin vào Con của Ngài mà được cứu độ.
Thứ đến, mỗi người cần đón nhận quà tặng ấy bằng lòng ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa. Nếu dân Israel năm xưa muốn cởi bỏ áo tang chế, mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu, khoác áo choàng công chính, đội chiều thiên vinh quang, thấy hào quang rực rỡ, thì họ phải đáp lại lệnh truyền của Thiên Chúa là “bạt thấp núi cao và gò nổng có từ lâu đời, lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu”. Rồi lời này cũng được vang lên trong Tin Mừng “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi đồi núi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn chon ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Như thế, người ta chỉ có thể thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa nếu người ta thật lòng sám hối, sửa đổi đời sống và hành động theo đường lối của Người bởi vì Nước Trời chỉ dành cho những ai thi thánh ý của Chúa.
Thánh Phaolo đề nghị chúng ta một thái độ tích cực của lòng sám hối là góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Đó là một việc tốt lành nên Thiên Chúa sẽ đưa công việc ấy đến chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Giêsu quang lâm. Ngài còn tha thiết mời gọi các tín hữu hãy yêu thương nhau mỗi ngày một đậm đà thắm thiết hơn, nhờ đó các tín hữu sẽ được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Không chỉ mong đợi mà thánh nhân còn tha thiết cầu nguyện cho các tín hữu được nên tinh truyền, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa. Sống được như thế thì quả thật các tín hữu sẽ đem lại dồi dào hoa trái của đời sống công chính trong Đức Giêsu. Để đạt tới một đời sống như thế, các tín hữu không ngừng phải sám hối và đổi mới đời sống mỗi ngày.
Anh chị em thân mến,
Xin kể câu chuyện “Chứng từ của lòng sám hối” để kết thúc bài giảng. Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nhiều tháng trời ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều, ngày đêm đánh tội, ăn năn và cầu nguyện. Sau một năm thử thách, các tu sĩ thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người khỏe mạnh vui tươi, một người ốm o buồn phiền. Cả hai người đến trình diện trước vị bề trên của một cộng đoàn để chờ đợi sự phán quyết của ngài, theo đó họ có xứng đáng gia nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi, người ốm o buồn phiền lên tiếng: suốt năm qua, ngày ngày tôi nhớ đến tội đã phạm. Từng giây phút tôi nghĩ đến hình phạt sẽ phải gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ. Người khỏe mạnh béo tốt trả lời: suốt một năm qua, từng giây phút tôi hằng nghĩ đến những ơn lành Chúa đã ban, tôi luôn nghĩ đến tình thương của Chúa mà cố gắng sống tốt. Ước mong mỗi người chúng ta biết nhớ đến tình thương của Thiên Chúa để cố gắng sống tốt mỗi ngày để xứng đáng với ơn cứu độ. Amen.