ĐCV ĐI ĐÀNG THÁNH GIÁ TRỌNG THỂ
Chủng viện đào tạo các chủng sinh theo bốn chiều kích: nhân bản, tri thức, mục vụ và thiêng liêng. Không giống như ở các trường đại học, trong chủng viện, vấn đề tri thức chỉ là một trong bốn chiều kích đào tạo, còn cần có cả ba chiều kích kia để có trở thành những con người toàn diện, những mục tử như lòng Chúa mong ước.
Đào tạo đời sống thiêng liêng được coi như linh hồn, sức sống của đại chủng viện. Ngoài giờ học, các thầy còn dâng thánh lễ, đọc kinh phụng vụ, kinh mân côi, các việc đạo đức thiêng liêng khác, và nhất là tối thứ 6 hàng tuần các thầy đi đàng Thánh giá để chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn. Tháng 9 là tháng Giáo Hội dành riêng để kính Thánh giá Chúa. Vì thế, tối hôm thứ 6 ngày 27 tháng 9 năm 2019, các thầy trong đại chủng viện đi đàng Thánh giá trọng thể, rước Thánh giá Chúa qua mười bốn chặng đàng thánh giá quanh đại chủng viện.
Thánh giá rất quen thuộc đối với người Kitô hữu, và được coi như biểu tượng của người công giáo, đến độ ở đâu có Thánh giá Chúa là ở đó có sự hiện diện của người Kitô hữu. Có ai biết rằng, trên đồi Gongotha, có đến ba cây thập giá, nhưng chỉ có một cây ở giữa là Thánh giá, còn hai cây bên cạnh chỉ là khổ giá. Vì thế mà người ta tự hỏi: Đâu là ý nghĩa và giá trị của việc Đức Giêsu bị treo trên cây thập giá? Lời ngôn sứ Isaia cho chúng ta câu trả lời: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53, 4-5). Vậy làm sao Chúa Giêsu có thể chịu chết thay cho chúng ta được? Quả thật, giây phút Chúa Giêsu chết treo trên thập giá là “khoảnh khắc vĩnh cửu”. Nơi khoảnh khắc ấy, sự công bằng và tình yêu của Thiên Chúa chỉ là một. Bởi vì, Chúa Giêsu chịu chết thay cho chúng ta vì chúng ta phạm tội, mà Người chết thay cho chúng ta cũng vì Ngài yêu chúng ta: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Vì thế, ngày hôm nay, các thầy trong đại chủng viện đi lại chặng đàng Thánh giá để cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người, đồng thời để các thầy cũng biết lan tỏa tình yêu ấy cho tha nhân, cho những người sẽ được trao phó cho các thầy trong sứ vụ sau này. Qua mười bốn chặng đàng Thánh giá, các thầy được đi lại những bước chân của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn từ dinh tổng trấn Philato đến đỉnh đồi Canve. Khởi đầu chặng đàng Thánh giá, cha tổng giám linh Vinc. Mai Văn Kính mời gọi các thầy đi vào mầu nhiệm “hủy mình ra không” (Pl 2,6-11) của Chúa Giêsu để cứu độ nhân loại. Mầu nhiệm này cũng là cốt lõi và nền tảng của mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Qua đó, cha mời gọi các thầy cũng biết tự hủy mình ra không để cho Chúa được lớn lên trong mỗi người.
Mười bốn đàng Thánh giá được chia cho bảy lớp, lần lượt thay phiên vác Thánh giá Chúa qua các chặng. Qua mỗi chặng, các thầy được nghe Lời Chúa và lời mời gọi sống Lời Chúa, trong mỗi bài suy niệm. Kết thúc chặng đàng Thánh giá, cha tổng giám linh gợi lên những tâm tình cầu nguyện sâu lắng. Tạ ơn Chúa đã yêu thương chúng con, dầu chúng con tội lỗi yếu hèn. Tạ ơn Chúa đã chết thay cho chúng con để chúng con được sống, dầu chúng con mới là kẻ đáng chết. Chúng con không còn tự hỏi: Nếu Thiên Chúa công bằng thì sao Ngài không trừng phạt kẻ có tội, mà nếu Ngài trừng phạt thì Ngài đâu còn là Thiên Chúa tình yêu? Nếu Thiên Chúa là tình yêu thì sao Ngài không tha thứ cho kẻ lỗi tội, mà nếu Ngài tha thứ thì đâu còn là Thiên Chúa công bằng? Quả thât, chính nơi thập giá Chúa Kitô thì tình yêu và sự công thẳng của Thiên Chúa chỉ là một. Cùng với Đức Maria, chúng con cùng tạ ơn Chúa, vì tình yêu thương vô ngần vô hạn của Ngài!
Tác giả bài viết: Ban Văn Hóa ĐCV