Nếu cuộc đời là những chuyến đi, thì đời tu cũng vậy, cách riêng đời Chủng sinh cũng thế, cũng được se kết bởi những chuyến đi. Với anh em lớp Tu Đức, có lẽ tuần Linh Thao chính là chuyến đi đầu tiên.
Nói chuyến đi là nói đến sự rời bỏ một nơi để đi đến một chốn, rời bỏ một nơi một cái gì đó đã quen thuộc để đến với một nơi một địa điểm, một cái gì mới mẻ, thậm chí xa lạ. Chuyến đi Linh Thao của chúng con cũng vậy, cũng là sự rời bỏ ngôi nhà Chủng viện thân thương để đến một địa điểm mới, đó chính là cộng đoàn tu viện dòng Đức Mẹ Thăm Viếng Âm Sa, một cái tên, một điểm đến mà với nhiều anh em, trong đó có con còn xa lạ, thậm chí lần đầu tiên được nghe đến, cũng giống như chuyến Linh Thao đầu tiên vậy. Chắc chắn cảm nhận đầu tiên trong lòng mỗi anh em là sự tò mò, những câu hỏi xen lẫn những lắng lo về chuyến đi này. Một chuyện đi đặc biệt, không phải một chuyến du lịch cũng chẳng phải một cuộc dạo chơi hay vãn cảnh, hành hương, những là một cuộc Linh Thao, một cuộc hẹn để gặp gỡ và trò chuyện với Đấng mà chúng con đang muốn bược theo: Đức Giê-su Ki-tô.
Lời của bài hát “Đi thật xa để trở về” cứ vang lên và tràn vào tâm trí. Đúng vậy, đi thật xa, gác lại những lo toan, những gánh nặng, … để ra đi, để kiếm tìm, để được thao luyện, để lớn lên và để trở về. Con người rất lạ, khi gắn bó với một cái gì quen thuộc thì chỉ muốn rời xa, những khi đi xa thật thì lại thấy nhớ. Con cũng vậy, khi ngôi nhà Chủng viện đã trở nên thân thương thì khi được đi Linh Thao con cũng háo hức chờ đến ngày đó. Tuy nhiên, khi năm phụng vụ dần khép lại, năm thánh các thánh Tử Đạo dần qua đi, cũng là lúc chuyến Linh Thao bắt đầu.
Khi những vết xe đầu tiên vẫn còn chưa phai dấu nơi sân Chủng viện, một cảm giấc bâng khuâng, đượm chút buồn đã lan tỏa tâm hồn, khi phải rời xa mái nhà, nơi có quý Cha giáo, anh em Chủng sinh, quý Sơ, với những giờ học lý thú, những bữa cơm đượm tình anh em, những giờ thể thao sinh hoạt ngập tiếng cười,… Tất cả phải gác lại một bên để chỉ có một điều duy nhất mà thôi đó là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi muốn bước theo Chúa thật không? và kế hoạch của Ngài là gì trên cuộc đời tôi?”
Thế nhưng, nỗi bâng khuâng lo lắng ấy mau chóng được khỏa lấp bởi những tiếng cười nói vui vẻ, nhất là những chia sẻ của anh em khi qua những vùng đất, những giáo xứ, nới có những người con là anh em trong lớp. Tất cả diễn ra nhịp nhàng nhờ sự hướng dẫn của Cha giáo Vinh sơn Mai Văn Kính, người mà chúng con gọi là “Bác nông dân của Chúa”, làm cho chuyến đi như ngắn lại.
Khi xe chậm dần, cũng là lúc chúng con đặt chân đến vùng đất Âm Sa, một vùng đất xa xôi và phần nào còn nghèo của giáo phận. Dường như giáo dân ở đây cũng đã quen với những đoàn đến đây để linh thao, nên vẫn còn đó những nụ cười, những cái vẫy tay chào thân thiện. Cổng đã mở, quý Sơ đã sẵn sàng và nhất là Chúa, chủ của cuộc hẹn, đang dang tay chào đón.
Sau màn chào hỏi, nhất là sau những tiếng cười nói nơi bữa cơm chào đón thân tình của quý Sơ, chúng con bắt đầu đi vào bầu khí của Linh Thao, bầu khí thing lặng của Tình Yêu, để bắt đầu cuộc hẹn độc đáo, cuộc hẹn mà ngôn ngữ duy nhất của nó là sự thing lặng, để rồi qua đó, từng anh em sẽ được thanh tẩy-xác tín-và cảm nếm. Đó cũng chính là chủ đề của tuần Linh Thao này.
Nhìn vào tờ chương trình với ba giờ suy niệm mỗi ngày, nhiều anh em chúng con thấy ngao ngán và ái ngại vì biết suy niệm cái gì? và có gì để nói với Chúa đây? Sự ái ngại, mệt mỏi đó thể hiện rất rõ trong giờ gợi ý và suy niệm đầu tiên trên khuôn mặt nhiều anh em, nhất là khi “hơi men” còn chưa hết, và môi vẫn còn ngòn ngọt vị rượu nồng của bữa trưa. Thế nhưng, nhờ ơn Chúa, nhất là dưới sự hướng dẫn, gợi ý của Cha giáo Vinh sơn, mà sự ái ngại dần biến mất. Thậm chí, những giờ suy niệm sau dường như quá nhanh và quá ngắn để con được thưa chuyện với Chúa. Đúng như lời Cha giáo, khi mà chúng con chấp nhận “trần trụi” và sống thật với Chúa thì thời gian bên Ngài sẽ thật tuyệt vời. Những giờ suy niệm cứ dần qua đi, những giây phút bên Chúa cũng lặng lẽ trôi trong vị ngọt của tình yêu. Qua các giờ Lễ, giờ kinh, giờ suy niệm và Chầu Thánh Thể, chúng con dần cảm nhận sự bình an mà chỉ có nơi Chúa, và khi “trần trụi” với Ngài, cùng bước với Ngài qua dòng lịch sử cứu độ, đặc biệt chiêm ngưỡng cuộc đời của Chúa từ Bê-lem cho đến đỉnh đồi Gôn-gô-tha, con dần mở lòng ra để Chúa thanh tẩy, để con được xác tín về ơn gọi và nhất là cảm mến Ngài. Qua đó, mỗi anh em chúng con đều có câu trả lời cho riêng mình về ơn gọi của bản thân.
Những Thánh Lễ và những giờ Chầu cùng với những giờ suy niệm, được bên Chúa, đặc biệt là giờ Chầu Thánh Thể tối thứ Năm là những giây phút linh thánh nhất, để con tập canh thức với Chúa và cảm nếm tình yêu diệu kỳ của Ngài, Đấng đã chết và Phục sinh để cứu độ con người.
Cuộc đời là như vậy, và đời tu là thế. Nhìn về phía trước ta thấy thật lâu, thật lê thê, nhưng khi nhìn lại, ta lại cảm thấy sao quá nhanh, thậm chí là cảm giác nuối tiếc vì đôi khi không biết tận dụng những cơ hội, những hồng ân. Một tuần sa mạc thấm thoát trôi, dẫu vẫn còn những chia chí, những nguội lạnh nơi các Thánh Lễ, giờ kinh, giờ Chầu, giờ suy niệm, nhưng thật sự đó là một tuần hồng phúc, vì được ở bên Chúa, được nghe tiếng Chúa, kín múc nơi Ngài và trên hết, được Ngài thanh tẩy để con xác tín hơn về ơn gọi của mình.
Mười bảy anh em, mười bảy cá tính khác biệt, thậm chí có những xung khắc, chắc chắn có những cảm nhận khác nhau, nhưng cùng một chuyến đi, một chặng đường, một lý tưởng và một tâm tình tri ân.
Chúng con xin tạ ơn Chúa vì chính Ngài đã hẹn và cho chúng con có cơ hội được gặp Ngài, cùng với biết bao ơn lành Ngài dành cho mỗi anh em, vì Ngài là Đấng luôn đi bước trước để gặp và yêu chúng con.
Để có một tháng Tu Đức tốt đẹp và một tuần Linh Thao sốt sắng và nhiều hồng ân, chắc chắn cần rất nhiều sự hy sinh, nâng đỡ và cầu nguyện của Đức Cha, quý Cha giáo, quý chủng sinh, quý Sơ, cách riêng và quý cha đã giúp chúng con trong những giờ chia sẻ của tháng Tu Đức. Cùng với tâm tình đó, chúng con cũng xin hết lòng tri ân Cha giáo Vinh sơn, người đã đồng hàn với chúng con trong suốt tuần Linh Thao, cùng với đó là sự hy sinh, tạo điều kiện của quý Sơ nơi cộng đoàn Thăm Viếng Âm Sa, giúp chúng con có một môi trường và không khí lý tưởng nhất để gặp gỡ Chúa. Qua đó, chúng con được gặp một Thiên Chúa không phải của tưởng tượng hay niệm ý, nhưng một Thiên Chúa sống động giữa đời nơi những con người mà chúng con gặp gỡ, để chúng con ý thức hơn về ơn gọi và sứ vụ mà chúng con đang theo đuổi là “để phục vụ” chứ không phải để “được phục vụ”.
Một tháng Tu Đức đã đi qua, một tuần Linh Thao đã khép lại, một hành trình mới lại bắt đầu. Vẫn còn đó những dư âm của chuyến đi này, nhưng tất cả xin gói lại trong một tâm tình, một mảnh tâm hồn, ước mong những tâm tình đó sẽ nên nốt nhạc của bản tình ca cuộc đời mỗi anh em, và mỗi khi vang lên hay vọng lại, những nốt nhạc đó vẫn réo rắt và trở thành một nguồn cảm hứng để con bước tiếp.
Trở về với “Ga-li-lê đời thường”, ước chi mỗi anh em mặc lấy tâm tình của câu Lời Chúa: “Anh em phải đổi mới tâm can và mặc lấy con người mới”(Ep, 4, 23-24), mặc lấy một não trạng mới để những tâm tình, những hồng ân Chúa không chỉ dừng lại nơi tu viện Âm Sa, nhưng sẽ là chất liệu và hành trang của mỗi anh em trong quá trình đào luyện và trưởng thành, nhất là giữa một thế giới đang cần lắm những đôi tay biết giang rộng để sẻ chia, một đôi chân biết ra đi để đem Chúa đến cho mọi người,…, và nhất là một con tim rộng mở để đón nhận và biết cảm thông.
BTT Lớp Tu đức