ITE AD IOSEPH - Hãy đến cùng Giuse
Thứ năm - 30/12/2021 03:34
939
Ite ad Ioseph – Hãy đến cùng Giuse! Thoạt nhìn chúng ta thấy đây chỉ đơn giản là một lời mời gọi cổ xưa trong Cựu Ước[1] hay thấy quen quen trên những bức tranh, dưới chân những bức tượng ảnh Thánh Giuse mà thôi. Tuy nhiên, đây lại là một phương thế cho thời đại của chúng ta. Một thời đại mà nhiều giá trị về hôn nhân và gia đình bị đảo lộn và tái định nghĩa. Ngay cả vấn đề truyền giáo trong Giáo Hội cũng đang được xem xét và nhìn nhận lại. Điều này đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói đến: “Giáo hội ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy, nếu có tin thầy dạy thì bởi vì trước đó họ đã là chứng nhân”[2]. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn nói thêm: họ tin“vào cảm nghiệm hơn là vào giảng thuyết, và vào cuộc sống hơn là vào các lý thuyết. Chứng từ của đời sống Kitô hữu là thể thức đầu tiên không thể thay thế của việc truyền giáo”[3].
Còn ai có thể cho ta mẫu gương về sự cảm nghiệm Thiên Chúa, về đời sống chứng nhân nếu không phải là Thánh Giuse? Vì thế, Thánh Giuse có một vai trò quan trọng và vị thế đặc biệt trong đời sống nhân loại hôm nay.
Ngày 8/12/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Tông thư “Patris Corde”, loan báo một năm tôn vinh Thánh Cả, cha nuôi của Chúa Giêsu. Đây là một hành động đặc biệt thể hiện lòng sùng kính và mến yêu cách riêng của vị đại diện Chúa Kitô nơi trần gian với Thánh Giuse, Đấng được nhận là quan thầy của Giáo Hội Việt Nam nói riêng và của Giáo Hội hoàn vũ cách chung[4]. Đâu là lý do mà vị thánh “âm thầm” này lại được chọn vào vị thế đặc biệt như vậy?
Trước hết, Giáo Hội cần thiên chức làm cha thiêng liêng của Thánh Giuse để có thể chiến đấu và vượt thắng sự cám dỗ của Satan. Chính gương mẫu về sự bảo vệ và gìn giữ Chúa Giêsu của Thánh nhân là phương cách giúp chúng ta ra khỏi những xáo trộn mà chúng ta đang gặp phải. Nhìn vào thực trạng đời sống ngày nay, ta thấy chưa bao giờ mà các giá trị về đời sống hôn nhân và gia đình bị lung lay, đảo lộn và bị đe dọa như lúc này. Trong thảm kịch Covid-19 đang diễn ra thì sự đe dọa còn được nâng lên gấp bội.
Cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu được “dưỡng nuôi” bằng dòng sữa của Mẹ Maria và những giọt mồ hôi vất vả của Thánh Giuse. Ngay từ những giây phút đầu đời, Chúa Giêsu đã được Thánh Giuse nuôi dưỡng. Sống trong một gia đình nghèo, thánh nhân đã dùng chính sức khỏe và tài trí để lao động kiếm sống, nuôi gia đình nhỏ của mình. Mẫu gương đời sống âm thầm, hy sinh này đã trở thành những bài học quý giá cho Đức Giêsu. Ngài đã sống thân tình với cha mình, đã quý trọng và tôn kính Thánh nhân vì chính nhờ Thánh Giuse mà Ngài học được ý nghĩa của lao động, của sự che chở, gìn giữ. Để rồi Đức Giêsu “ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến”[5]. Quả thực, việc lớn lên này “được thực hiện trong khung cảnh Thánh gia, dưới sự chăm sóc của thánh Giuse, người có trách vụ cao cả là “dưỡng dục”, nghĩa là lo cơm ăn áo mặc cho Chúa Giêsu và dạy dỗ về lề luật cũng như huấn luyện nghề nghiệp cho Người theo trách nhiệm của một người cha”[6].
Thứ đến, Thánh Giuse có vị thế đặc biệt trong Giáo Hội vì Ngài là một trong số những vị thừa sai đầu tiên của Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng là đem Chúa đến cho người khác, giúp cho nhiều người nhận biết và tin vào Thiên Chúa. Thánh Giuse đã rong ruổi cùng Chúa Giêsu ngay từ khi Ngài còn trong lòng thân mẫu. Thánh nhân đã gìn giữ, che chở và đem Chúa đến với nhiều vùng miền, nhiều hạng người và nhiều nơi chốn… Hôm nay, Thánh Giuse vẫn khát khao muốn đem Chúa Giêsu đến với các quốc gia, dân tộc. Điều này cũng được Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Giáo Hội đã tiếp nhận mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô từ các Tông Đồ là phải rao giảng chân lý cứu độ cho đến khi hoàn tất ở tận cùng trái đất (x. Cv 1,8)”[7]. Toàn thể địa cầu hôm nay cần được tái Phúc Âm hóa trong đó bao gồm cả số các kitô hữu đã được rửa tội.
Trong Tông huấn về Thánh Giuse năm 1989, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhớ chúng ta về sự cần thiết của việc kêu cầu Thánh Giuse trong việc tái Phúc Âm hóa thế giới như sau:
“Sự bảo trợ (của Thánh Giuse) này phải được kêu cầu hơn bao giờ hết trong Giáo Hội, không phải chỉ vì đây sẽ là khiên che chống lại mọi mối nguy hiểm nhưng còn là một sự thúc đẩy cho việc làm mới lại sự hiến thân cho công cuộc Phúc Âm hóa thế giới. Và từ đó, Giáo Hội mới có thể tái Phúc Âm hóa đến những quốc gia và dân tộc mà nơi đó, tôn giáo và đời sống vốn được nuôi dưỡng từ Kitô giáo và nay đang trải qua cuộc thử thách lớn lao”[8].
Cuối cùng, Giáo Hội nhận Thánh Giuse là quan thầy của Giáo Hội hoàn vũ vì Giáo Hội mẹ hiền muốn con cái mình học nơi thánh nhân việc thánh hóa đời sống thường nhật. Nói cách khác là nên thánh ngay trong đời sống thường ngày của mình. Bản văn Tin Mừng xác định cách thức Thánh Giuse làm việc để nuôi sống gia đình: nghề thợ mộc[9]. Nhờ lao động mà con người được cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, trở nên người hơn, hoàn thiện mình mỗi ngày. Lao động của con người, nhất là những công việc chân tay được các Tin Mừng nhấn mạnh đặc biệt. Không những thế, “lao động được đón nhận vào mầu nhiệm Nhập Thể cùng với nhân tính của Con Thiên Chúa, và cũng được cứu độ một cách đặc biệt”[10]. Chính qua những công việc nơi xưởng mộc đơn sơ, thánh Giuse đã đưa công việc của con người đến gần hơn với mầu nhiệm cứu độ. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium cũng khẳng định con người cần phải noi gương Đức Giêsu Kitô đã muốn lao động cùng với Chúa Cha để cứu rỗi mọi người:
“Những người đang phải lao động vất vả, phải biết dùng lao động để hoàn thiện chính mình, trợ giúp đồng bào, và làm cho toàn thể xã hội và muôn vật được thăng tiến hơn… Họ dùng chính công việc hằng ngày để tiến bước lên cao hơn nữa hướng đến sự thánh thiện thật sự mang tính tông đồ”[11].
Tóm lại, trên đây là một vài lý do để thấy được vai trò quan trọng của Thánh Giuse đối với Hội Thánh, để biết tại sao một vị thánh “âm thầm” mà lại có quyền thế trước mặt Chúa Giêsu đến nỗi “trên trời, thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”. Cũng như Thánh Giuse xưa kia đã gìn giữ Chúa Giêsu khi còn ở dưới đất, thì ngày nay trên trời, người cũng tiếp tục chuyển cầu cho Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô. Đấng coi sóc Đức Chúa Giêsu cùng Đức Bà khi xưa thì nay người hằng bênh vực con cái Đức Chúa Giêsu đã chọn.
Để kết thúc, xin mượn lời cầu nguyện hằng ngày cùng Thánh Giuse trong hơn 40 năm qua của Đức Thánh Cha Phanxicô để cầu cùng thánh nhân: “Lạy Thánh tổ phụ Giuse vinh hiển, là Đấng có quyền năng biến điều không thể thành có thể, xin đến cứu giúp con trong những lúc đau khổ và khó khăn này. Xin bảo vệ con trước những tình thế ngặt nghèo và rắc rối mà con phó thác cho cha đây, hầu có một kết thúc tốt đẹp. Lạy cha yêu dấu của con, con đặt niềm tin tưởng nơi Cha. Xin đừng để người ta nói rằng con đã cầu xin cha luống công vô ích, và vì cha có thể làm mọi sự với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin cha cho con thấy rằng lòng nhân hậu của cha cũng vĩ đại như quyền năng của cha. Amen.”
[2] Phaolô VI, Tông huấn Evangeli Nuntiandi (08/12/1975), số 41. [3] Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio (07/12/1990), số 42. [4] Đức Piô IX, trong Thông điệp "Urbi et Orbi" ngày 9 tháng 12 năm 1870, đã tuyên bố Thánh Giuse là quan thầy của Giáo hội hoàn vũ. [6] Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos, Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế, 15-08-1989, số 16. [7] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, số 17. [8] Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos, Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế, 15-08-1989, số 29. [10] Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos, Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế, 15-08-1989, số 22. [11] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, số 41.