Đức Khiêm Nhường
Thứ sáu - 08/07/2016 05:33
12758
Nhắc tới Đức Khiêm Nhường, chúng ta có cảm giác như là nói tới câu chuyện cổ tích vì nó rất quen thuộc và xem ra như điều gì đã cũ kỹ. Bởi lẽ, ngay từ khi mới bước vào đời tu chúng ta đã được dạy về sự khiêm nhường. Tuy vậy, cũ nhưng cũng luôn luôn mới và mang tính thời sự; vì đây là điều chúng ta phải thực hành mọi ngày, từng ngày trong suốt cuộc sống. Đức khiêm nhường là mẹ của các nhân đức khác, là nền móng để xây dựng đời sống thiêng liêng, tiến tới trên đường thánh thiện. Nghe nhiều, nói nhiều, biết nhiều nhưng thực hành không biết được bao nhiêu. Chỉ biết mà không thực hành thì quả là thiếu sót.
1. Bản chất của Đức Khiêm Nhường
Khiêm nhường là nhân đức giúp ta chấp nhận sự thật về chính mình và sống đúng với thân phận thụ tạo. Điều rất căn bản mà những người khiêm nhường xác tín: “tất cả những gì mình có hoặc hay hơn người khác, là ơn Chúa ban, chứ tự mình thì chẳng có gì và còn kém hơn những người khác, để biết cảm tạ và tin cậy nơi Chúa”.
Khiêm nhường là chấp nhận mình như “mình là”. Chấp nhận điều tốt mình có, để tạ ơn Chúa; chấp nhận điều xấu như mình là, để phấn đấu khắc phục, không buồn phiền, không dằn vặt, không oán trách hay ca thán con người hay Thiên Chúa. Nếu mình có gì hay, và có thể hay hơn người khác, hãy nhận thực rằng, nhờ ơn Chúa mà mình có được điều đó. Nếu nhờ ơn Chúa mà mình có được như vậy, thì đâu có gì để vênh vang tự hào!
Giỏi không kiêu, kém không thất vọng! Đó là thái độ của người khiêm nhường. Nhận thấy mình giỏi, hoặc được người khác khen mình, hãy tạ ơn Chúa. Trong trường hợp này, Chúa được tôn vinh. Con người nhận ra hồng ân Thiên Chúa ban cho mình.
Khiêm nhường là khiêm tốn, khiêm hạ, nhún nhường, trái ngược với ngạo mạn, kiêu ngạo, kiêu căng, tự mãn. Người khiêm nhường không bướng bỉnh, không ương ngạnh, không ích kỷ, sẵn sàng quên mình vì người khác.
Ta rất dễ chê người khác là ngu khi thấy họ kém hơn mình, vì cái mầm mống kiêu ngạo luôn muốn trỗi dậy trong ta. Trong khi ấy, ta không nhận ra ơn Chúa ban cho để cám ơn Ngài và để thông cảm với họ. Có những giáo dân buồn phiền vì bị Cha xứ chửi là ngu, không biết gì. Và có thực như vậy. Cha quên đi rằng mình đã được học, được đào tạo hơn họ. Có nhiều lãnh vực người giáo dân họ giỏi hơn chúng ta khi họ có cơ hội được học hành.
2. Tầm quan trọng của Đức Khiêm Nhường
Đức khiêm nhường rất quan trọng và cần thiết trên đường thánh thiện. Nó như chìa khóa mở được kho tàng ơn thánh Chúa và là phương thế tuyệt hảo để bảo toàn và phát triển các nhân đức.
Trong kinh Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức thì Đức “Khiêm Nhường” được nhắc tới đầu tiên để đối lại với cái mối tội đầu tiên là “kiêu ngạo”. Trong Hai Mươi Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi thì ngay nơi Mầu Nhiệm Thứ Nhất (mầu nhiệm thứ nhất Mùa Vui), Giáo hội dạy chúng ta xin cho được ở khiêm nhường.
Chúa hằng rộng lượng ban các ơn lành cho kẻ khiêm nhường kêu xin Người, nhưng lại khước từ lời cầu xin của kẻ kiêu căng, tự phụ. Dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện cho thấy điều này. Người thu thuế khiêm nhường được Chúa tha thứ tội lỗi và trở nên công chính còn người biệt phái thì không.
Người khiêm nhường còn được phúc hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời, như lời nguyện của Chúa Giê-su: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết khôn ngoan biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải những điều ấy cho kẻ bé mọn”.(Mt 11,25).
Thánh Phê-rô và thánh Gia-cô-bê cùng đã quả quyết: “Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường” (1Pr 5,5 ; Gac 4,6).
Sống khiêm nhường rất có lợi vì ta có thể học hỏi mọi thứ từ bất kì ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Vua Salomon, một người khôn ngoan và thông thái tuyệt vời đã nói: “Sự kiêu hãnh đi liền với ô nhục, còn khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 1,2). Thông tin không hẳn sẽ thành tri thức, tri thức không hẳn sẽ thành sự khôn ngoan, nhưng chỉ có sự khiêm nhường mới giúp chúng ta đạt tới sự khôn ngoan đích thực.
Khiêm nhường giúp ta biết sống hiền lành, nhu mì. Có thể sự khiêm nhường có phần nào đó liên quan “sự yếu đuối” – vì phải chịu lụy và nhịn nhục. Nhưng thực ra, khiêm nhường lại có sức mạnh kỳ lạ, có thể đem lại sự bình an và an toàn nội tâm: “Lòng tự cao dẫn đến suy sụp, đức khiêm tốn đem lại vinh quang” (Cn 18,12).
Nguyên tổ loài người kiêu căng bất tuân phục đã tiêu diệt công trình yêu thương của Chúa, mất quyền làm con cái Chúa và gây họa cho con cháu. Đức khiêm nhường tuân phục của Chúa Ki-tô đã tái lập công trình đó, phục hồi quyền làm con cái Chúa và mang lại ơn cứu độ cho cả nhân loại. Nếu sự kiêu ngạo là nguyên nhân phá hủy mọi nhân đức thì lòng khiêm nhường lại là phương thế bảo toàn và phát triển các nhân đức.
Thánh Augustin quả quyết: “Không gì cao trọng bằng đức kính mến, nhưng duy chỉ có Đức Khiêm nhường mới duy trì được đức kính mến”. Ngài còn nhắn nhủ: Bạn muốn lên cao ư? Bạn hãy bắt đầu bằng sự tự hạ thẳm sâu. Bạn muốn xây cất một tòa nhà chọc trời ư? Bạn hãy thiết lập nó trên nền tảng của Đức Khiêm Nhường. Nhà càng cao, nền móng càng phải đào sâu và vững chắc”.
Sự khiêm nhường là cội nguồn của những điều tốt đẹp.
3. Phương thế sống khiêm nhường
Ở đây, con chỉ xin đề cập tới một điều căn bản để thực hành sống khiêm nhường đó là sự từ bỏ: từ bỏ cái tôi ích kỷ, kiêu căng, nóng giận, tự mãn. Xin được chia sẻ việc này qua câu chuyện sau:
Trong một tu viện nọ, luật dòng đòi buộc các tu sĩ hằng ngày phải luyện tập đức khiêm nhường. Sống thoát ly, diệt trừ tự ái, chết cho chính mình để sống cho Chúa Giêsu là lối tu hành của Dòng.
Số là có một tập sinh hằng ngày ước ao luyện tập đức khiêm nhường, nhưng không biết làm thế nào cho phải cách. Thầy đến hỏi một vị linh mục khôn ngoan lão thành trong dòng về cách thức tập luyện đức khiêm nhường. Thầy nài xin cha chỉ giáo cách từ bỏ cái tôi tự ái. Vị linh mục thánh thiện hỏi:
- Này con, con có hứa sẽ tuyệt đối vâng lời cha hay không? Nếu con vâng lời, cha sẽ dạy cho con biết thế nào là từ bỏ chính mình.
Thầy đáp:
- Thưa cha, con xin hứa vâng lời cha tuyệt đối.
- Thế thì tối nay con hãy làm một việc này cho cha.
- Vâng thưa cha, bất cứ điều gì cha dạy bảo, con cũng sẽ cố gắng làm hết sức.
- Này con, đằng sau tu viện của chúng ta có một cái nghĩa địa. Tuần vừa qua, thầy An-tôn dòng chúng ta được Chúa gọi về, vừa mới được chôn cất ở đó.
Đêm nay, con hãy ra ngoài đất thánh đến quỳ trước mộ thầy, suy niệm về cái chết. Con hãy làm như thế này: trong lúc suy niệm về cái chết của thầy An-tôn, con hãy nhớ lại mọi điều tốt lành nhất của thầy để khen ngợi. Con hãy khen ngợi thầy trước nấm mộ ấy. Đến khi nào con không còn lời để khen, con hãy tưởng tượng ra những điều hay điều tốt mà thầy không có để ca tụng thầy. Cha cho phép con tâng bốc, kể cả nịnh hót thầy nữa. Xong sáng mai, con hãy trở lại gặp cha.
-Vâng, thưa cha, con sẽ làm theo ý cha.
Tối hôm ấy, thầy tập sinh vâng lời bề trên ra ngoài nghĩa địa quỳ trước nấm mộ của thầy An-tôn quá cố, suy niệm về cái chết. Thầy làm y như lời của cha linh hướng. Tìm mọi lời hay ý đẹp, kiếm những gương lành gương sáng của thầy An-tôn mà khen ngợi. Cuối cùng, không còn tìm được lời khen, thầy bịa đặt ra những điều hay điều tốt mà thầy An-tôn không có để tâng bốc. Đêm tàn, bình minh đến, người tập sinh trở về lại tu viện, đến trình diện cha linh hướng. Lúc ấy, cha hỏi:
- Này con, đêm qua con có làm theo lời cha chỉ bảo không?
Thầy đáp:
- Vâng, thưa cha, con đã làm y như lời cha chỉ dạy. Con đã tìm tất cả những điều hay nhất, tốt nhất của thầy An-tôn để mà ca tụng thầy. Rồi đến khi hết những điều hay để nói thì con đã bịa đặt ra những gương lành gương sáng thầy không có để khen ngợi thầy.
- Thế thì con tâng bốc ca tụng thầy An-tôn, con thấy thầy có phản ứng gì không? Thầy có vui mừng thích chí không? Hay thầy có nói gì không con?
- Thưa cha, phản ứng làm sao được? Thầy An-tôn đã chết rồi mà!
- Tốt lắm! Vậy con hãy làm theo ý cha một lần nữa. Đêm nay, con hãy trở lại nghĩa địa, đến trước nấm mộ thầy mà suy niệm về cái chết. Nhưng lần này con hãy nhớ lại những điều xấu xa tồi tệ nhất của thầy. Con hãy cho thầy An-tôn biết những điều con ghê tởm, gớm ghét nhất về thầy. Nếu con không tìm ra những điều xấu về thầy, con hãy dùng trí tưởng tượng mà bày ra những chuyện xấu xa của thầy mà nói với thầy. Thậm chí, cha cho phép con nguyền rủa thầy!
Thế rồi, đêm hôm ấy, người tập sinh trẻ lại ra thăm mộ thầy An-tôn một lần nữa. Lần này, trong khi suy niệm về cái chết, thay vì nói những điều tốt lành của thầy An-tôn, người tập sinh kia lại suy về những tội lỗi, những điều tồi tệ của thầy. Rồi buông lời mắng chửi thậm tệ. Đến khi hết lời chửi mắng, người tập sinh kia phải phịa ra những điều xấu xa tội lỗi nhất để mà nguyền rủa thầy. Suốt cả đêm mặc sức mà mạt sát chửi rủa cho đến tảng sáng. Tiếng gà vừa gáy, người tập sinh chỗi dậy trở về nhà dòng tìm gặp cha linh hướng trình bày đầu đuôi sự việc. Thấy thầy, cha linh hướng hỏi:
- Này con, đêm qua con có làm theo lời cha chỉ bảo không?
Người tập sinh đáp:
- Vâng, thưa cha, con đã làm y như lời cha chỉ dạy. Con đã tìm những lời độc địa xấu xa nhất thiên hạ để hạ nhục thầy An-tôn trước nấm mộ của thầy. Con còn bịa thêm nhiều chuyện để mắng nhiếc thầy như cha đã dạy con.
- Thế thì khi nghe con buông lời mắng nhiếc, thầy An-tôn có phản ứng gì không con? Thầy có buồn, có giận không con? Hay thầy có nói gì không?
- Thưa cha, làm sao thầy An-tôn buồn giận mà đáp lại được? Thầy ấy đã chết rồi mà!
- Tốt lắm! Vậy thì, con hãy sống như thầy An-tôn đang nằm dưới nấm mồ ấy. Hãy sống như một người đang chết, con hãy coi như mình đã chết, bởi vì người chết sẽ không còn biết phản ứng gì trước những lời tâng bốc khen ngợi hay lăng mạ mắng chửi. Khi con xem mình như kẻ đã chết, con sẽ tìm được bình an vô tận. Con sẽ từ bỏ được chính bản thân con.
Đức khiêm nhường nền tảng cho đời sống trọn lành, là phương thế tất yếu để xây dựng mối liên hệ tốt đẹp và mật thiết với Thiên Chúa và tha nhân. Muốn sống nhân đức này cần biết hy sinh từ bỏ. Xin cho các mục tử của Chúa và Giáo hội luôn lưu tâm để sống nhân đức này.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Tuyên