Dạ! Con đây! Thoạt nghe, bạn có thể đoán rằng: đó là tiếng cha mẹ gọi đứa con nhỏ của mình và nó đáp lại. Đó cũng có thể là tiếng thầy cô kêu một cô cậu học trò nào đó và chúng thưa lên,...
Thật vậy, dọc dài đời sống chúng ta, chắc chắn đã có biết bao lần chúng ta gọi và người khác thưa, hay người khác gọi và chúng ta trả lời. Lời gọi - thưa bình thường giản dị ấy mà cao quý đáng trân trọng dường nào. Bởi lẽ, người ta phải muốn, phải ưa, thậm chí phải yêu thì mới cất tiếng gọi. Nhưng gọi rồi, đối tượng phải nghe thấy lời gọi thì mới có thể thưa; mà không, hơn thế kìa, phải ưng thuận thì mới có thể thưa vui vẻ được. Vậy ra, gọi và thưa, hai điều ấy vượt lên trên cả hai khả năng nghe và nói của mỗi người. Vì hẳn rằng: biết nói, biết nghe, chưa hẳn đã biết gọi và được gọi, chưa chắc đã biết thưa và được thưa, phải không bạn?
Dạ! Con đây! Đó phải chăng cũng đã và đang là lời đáp của biết bao môn đệ Đức Kitô, biết bao thế hệ tu sĩ hôm qua và hôm nay. Bạn biết chăng, giữa đám bạn cùng trang lứa, Chúa đã đến, Ngài đã gọi và con đã thưa: Dạ! Con đây! Dầu rằng tiếng thưa ấy còn rụt rè lắm, còn bỡ ngỡ và lạ lẫm lắm; nhưng rồi với thời gian, ân sủng và tình yêu Chúa đã làm cho lời đáp trả ấy lớn dần lên, mạnh mẽ dần lên và hân hoan dần lên. Thế rồi thời gian đi qua, có thể có những trầy da tróc vảy, có những giọt lệ trong đêm, nhưng chúng sẽ không là vật cản lối nhưng là chất xúc tác, là chút mắm muối cho một đời hiến dâng thật cao quý và giá trị biết chừng nào.
Dạ! Con đây! Hôm nay, vang lên trong nguyện đường đầy thánh thiêng, tiếng thưa ấy là tiếng xin vâng cho một lý tưởng, tiếng tự tình đáp trả lời gọi của chính Đức Giêsu Kitô. Dạ! Con đây! Nó mang dáng dấp lời đáp của tiên tri Samuel hôm xưa trong đền thờ: “Dạ! Con đây, vì Thầy gọi con” (x. 1Sm 3,6). Nó cũng thấp thoáng hình ảnh tiếng “Fi-at” của cô thôn nữ Maria làng Nazareth năm nào đã xin vâng, để rồi sau phút giây huyền nhiệm ấy, Mẹ trở thành Thánh Mẫu Chúa Trời (x. Lc 1,38). Nhưng cao quý và tuyệt vời nhất đó chính là nên giống Lời thưa vâng của chính Đức Kitô – Vị Lang Quân của mình, bởi vì “đời dâng hiến xuất phát từ việc say mê vẻ đẹp của Thiên Chúa, ước mơ một nhờ ân sủng của Chúa để say mê đến độ từ bỏ tất cả để theo Ngài, khát vọng hiến dâng tới mức chấp nhận tất cả hy sinh vì lòng yêu mến" [1]. Nó không chỉ là lời đáp cho một giây phút huy hoàng, trọng đại, tươi hồng của ngày tuyên khấn, nhưng đúng hơn, nó là khởi đầu cho một hành trình thật dài và thật xa để theo sát và họa lại hình ảnh của một Đức Kitô: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục.
Thật đáng trân quý tiếng thưa dứt khoát và đầy niềm xác tín ấy, để từ nay: “với tư cách là Hiền Thê của Cha thật, con hãy nhiệt thành tìm vinh quang và vinh dự cho Cha” như lời Chúa nói với thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu trong ngày Chị thánh tuyên khấn. Với lời đoan hứa dù là lần đầu hay vĩnh viễn trọn đời thì từ nay, con vẫn sẽ thuộc về Hội Dòng cách trọn vẹn hơn, thuộc về Giáo Hội cách sâu xa hơn vì “đời tu chính là một hồng ân cho Giáo Hội, phát sinh trong Giáo Hội, tăng trưởng trong Giáo Hội và để hoàn toàn hướng về Giáo Hội” [2]. Dạ! Con đây! Ước mong sẽ là tiếng đáp trả trong suốt cuộc đời con – những tâm hồn thánh hiến tuyệt đẹp. Vì: “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (x. 2Cr 9,7). Vẫn biết rằng: Thập giá còn đó bao lâu trái đất này còn quay; rồi đây, ngày tháng với biết bao cảnh huống thì hỏi rằng tiếng thưa ấy còn tươi vui chăng, còn nồng nàn chăng? Điều đó chắc chắn còn phụ thuộc vào ân sủng Chúa, lời cầu nguyện liên lỷ của chính Tu sĩ và của hết thảy con cái Giáo Hội.
Trong nỗ lực và cậy trông, trong đơn thành và tín thác, các khấn sinh hôm nay và tất cả những ai đã một lần dâng hiến đều muốn thân thưa lên với Chúa rằng:
Xin Thiên Chúa giữ gìn con bước.
Cho tâm hồn luôn được thanh trong
Tin yêu mến Chúa hết lòng
Không từ chối Chúa suốt trong cuộc đời!
[1] Lm. TRẦN NGỌC ĐĂNG,
Thắp Sáng Đời Dâng Hiến, Tủ sách Ra Khơi Bùi Chu, tr.109.
[2] Giám mục J. M. Bergoglio, Phát biểu tại Thượng hội đồng về đời sống thánh hiến, (13-10-1994).