Mới chỉ quen biết bác trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng tôi thực sự cảm phục cuộc đời bác qua những câu chuyện kể. Hai chữ “tần tảo” gắn liền với cuộc đời nhiều sóng gió và bất hạnh của người phụ nữ quả cảm này. Tuy là con út trong gia đình, nhưng vì hoàn cảnh cha mẹ khó khăn nên bác đã sống trưởng thành từ rất sớm. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, bác luôn chịu thương chịu khó đỡ đần cha mẹ trong mọi công việc. Nhìn vào những đứa bạn cùng trang lứa, bác thấy mình chịu thiệt thòi nhiều so với chúng bạn: Cùng trong làng trong xóm đó, nhưng chúng được học hành cao, được ăn ngon mặc đẹp, được an nhàn thư thái,… Bác chợt nghĩ, cũng cùng là một cuộc đời mà sao khác biệt đến vậy! Có người sinh ra đã sướng, và cũng có cuộc đời sinh ra đã phải khổ và nỗi khổ cứ bám riết lấy suốt cả cuộc đời.
Bác nghĩ đến cuộc sống hạnh phúc của chúng bạn, rồi tủi thân suy đến cuộc đời “tần tảo” của mình: Tên gọi “Liễu” cha mẹ đặt cho, ắt hẳn các bậc sinh thành ước mong cô con gái út của mình sẽ có một cuộc sống an nhàn thư thái trong tương lai! Nhưng dường như “cái khổ” không muốn buông tha cho bác, cái khó cái khổ cứ bám lấy bác như hình với bóng. Thế rồi bác cũng đến tuổi xuất giá về nhà chồng. Thời gian cướp đi sức khỏe của con người, ngày bác về nhà chồng làm con dâu người ta cũng là khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của cha mẹ bác trên cõi đời này. Cô con gái út mới về làm con dâu nhà người xa lạ chưa kịp báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục cha mẹ thì đã phải biệt ly. Nỗi đau này bác chỉ biết nén chặt trong lòng, để rồi “cây liễu cuộc đời” thêm dẻo dai hầu có thể chống chọi được với những trận “bão đời” đang chờ đợi ở phía trước.
Gốc liễu ven sông đứng lặng thinh
Nắng mưa chồng chất liễu càng xinh
Bao lần sương gió mình cong rũ
Mấy bận bão giông thân khó rung
Việt Dương Nhân
Cuộc đời đưa lối bác đến với người bạn đời cũng thật ngẫu nhiên! Bác trai mang tên “Tần” làm bác liên tưởng đến hai chữ “tần tảo” đã bám lấy bác như hình với bóng ngay từ thuở đầu đời. Hạnh phúc chớm nở trên khuôn mặt mang nhiều nỗi truân chuyên người phụ nữ đang được tận hưởng niềm vui mái ấm gia đình. Bác nghĩ, chắc Thiên Chúa cũng chẳng để ai phải chịu khổ suốt cả cuộc đời. Cây liễu đương tuổi tràn trề nhựa sống, bỗng như bị một lưỡi dao sắc chặt mạnh vào gốc cây làm hao mòn sinh lực. Người chồng lý tưởng phải dứt người vợ dịu hiền và đạo hạnh ra đi cứu nước. Và rồi chuyện gì đến sẽ đến, điều bác lo lắng mất ăn mất ngủ nhiều đêm chợt dội xuống đầu bác như gáo nước lạnh. Hạnh phúc cuộc đời dứt bác ra đi, người chồng – chỗ dựa vững chắc đã bỏ lại người vợ trẻ và con dại trên cõi trần. Tin “bác trai đã ra đi không có ngày trở lại” làm tim bác như thêm thắt chặt hơn, vì biết bao nỗi khổ đã chôn chặt trong đáy lòng, giờ đây lại thêm nỗi đau mất chồng – một mất mát lớn lao nhất trong cuộc đời thì làm sao mà bác không đau được, “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” (Xuân Diệu).
Gánh nặng cuộc đời tiếp tục đè nặng lên đôi vai gầy yếu của người phụ nữ thân “liễu”. Giờ đây bác phải đảm nhiệm thêm vai trò làm cha của hai con nhỏ và là chỗ dựa chính của gia đình. Bác đã khóc, khóc rất nhiều, khóc đến cạn khô cả dòng lệ. Bác khóc vì số phận bạc bẽo của đời mình, bác khóc để gột rửa đi nỗi tủi hờn mà bác thường hay than thân trách phận. Dường như cuộc đời càng vùi dập, thì thân “liễu” lại càng dẻo dai trước sóng gió của bể đời. Bác thầm nghĩ, thân liễu cần phải dẻo dai hơn nữa để chống chọi với những con sóng bể đời đang ở phía trước. Bác cần phải mạnh mẽ hơn để nuôi dưỡng con cái khôn lớn và phụng dưỡng mẹ chồng già yếu đang trông chờ vào tấm vai gầy này.
Trăm năm liễu yếu không xao xuyến
Thế sự trầm thăng giữ phận mình
Hương Việt
Sự ra đi của người chồng chưa kịp ráo nước mắt, bác lại phải đưa tiễn người thân yêu tiếp theo của mình ra đi. Bác hay kể với tôi, “Có lẽ trên đời này chẳng ai khổ như bác!”; dường như bác sinh ra là để khổ. Với con người như bác khi nói ra điều này, tôi thiết nghĩ, ắt hẳn bác đã phải chịu khổ sở rất nhiều nên mới nói ra như thế! Tất cả tình yêu và sức lực còn lại bác dồn hết cho con cái. Bác nghĩ, cuộc đời mình đã phải chịu khổ sở nhiều, nên không thể để con cái rơi vào hoàn cảnh như mình được. Sức lực dẻo dai của cây liễu uốn mình theo chiều gió cuốn, cành lá dường như dần cũng thấu hiểu những đợt sóng gió ào ạt dập vùi nên chẳng quản ngại hướng mình thuận theo tự nhiên để tồn tại.
Cuộc đời thật tệ bạc, cây liễu lại một lần nữa bị cơn gió mạnh đè chồm lên như muốn tận diệt hẳn thân cây dẻo dai này. Người con trai bác đứt ruột sinh ra giờ đây bỏ lại gia đình ra đi để lại cho bác đàn cháu nhỏ dại. Thân phận người quả phụ thật éo le: Hết lo cho bố mẹ già, cho chồng, cho con, giờ lại phải lo cho các cháu. Tất cả mọi gánh nặng cuộc đời đều chất lên vai người quả phụ tội nghiệp này. Quả là “nốt lặng trong cuộc đời người thiếu phụ!”. Sức chịu đựng của thân liễu thật phi thường, tuy mỏng manh yếu đuối nhưng liễu không ngã gục trước sóng gió của bể đời. Dù mưa sa bão táp, bác vẫn phải vươt lên nghịch cảnh cuộc đời để làm chỗ dựa cho con cho cháu. Giờ đây, bác phải sống, phải nỗ lực cho tương lai của con của cháu. Cây liễu đã trở thành chỗ nương ẩn cho nhiều người, và bất cứ ai đến gần thân liễu đều được hưởng bóng mát của cây che khuất.
Phận liễu một mình đứng lặng thinh
Nghiêng soi đáy nước bóng lung linh
Nắng mưa độc địa đâm chồi đẹp
Giông bão âm u nở lá xinh
Vi Vi
Gốc liễu giờ đây đã bám rễ sâu vào lòng đất và trở thành một cây cổ thụ. Những chồi non ấp mình sát thân cây mỏng manh khoe sắc thắm với những chiếc lá nhỏ xinh hướng mình theo ánh Dương để tiếp nhận chất diệp lục. Thân liễu điềm nhiên nghiêng mình theo chiều gió khẽ đung đưa những chiếc cành dẻo dai hòa quyện với đất trời tận hưởng niềm vui chiến thắng. Mọi sóng gió bể đời tìm cách vùi dập thân liễu yếu mềm, nhưng đều thất bại. Cây liễu đã vượt lên chính mình để hiên ngang tồn tại và phát sinh những chồi non tràn đầy sức sống đang vươn mình giữa trời xanh lộng gió. Mọi sóng gió cuộc đời bác đều vượt qua, bác đã đứng vững trước mọi khó khăn mà không gục ngã, để rồi đến hôm nay con cháu đang được vui hưởng những nỗ lực của bác đã cố gắng trong đời.
Ngồi nghĩ lại những tháng ngày gian khó đã qua, bác kể với tôi “Bác chỉ sợ Chúa phạt vì đã than phiền Người sao để mình chịu khổ đến vậy!”. Bác cũng giống như bao người nông dân chân chất khác, luôn sợ làm mất lòng Thiên Chúa. Dường như đất trời cũng thấu hiểu thân liễu dãi dầu mưa nắng, lòng đất mẹ tiếp thêm “nhựa sống” để những chồi non mỗi ngày thêm triển nở xanh tươi. Tuy không phải là mẹ sinh ra những đứa cháu về mặt thể lý, nhưng bác chính là người mẹ tinh thần cao cả nhất trong tâm trí chúng. Giờ đây, bác trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc của các con các cháu. Quả là Thiên Chúa đã đoái nhìn “người cùng khổ” mà ban cho họ hưởng hạnh phúc bên “lũ cháu đàn con”. Bác đã được Thiên Chúa ân thưởng được hưởng niềm vui cùng con cùng cháu. Tôi thiết nghĩ, bác quả là “Tấm vé đẹp vào Nước Trời” mai hậu.