Mấy góp ý về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162/2017-NĐ/CP

Thứ năm - 07/07/2022 21:25  1848
picture1Ban Tôn giáo Chính phủ đã đưa ra dự thảo lần 2 Nghị định thay thế Nghị định 162/2017-NĐ/CP Quy định chi tiết một số biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo. (Sau đây gọi tắt là dự thảo 2). Dự thảo 2 có 6 chương, 33 điều. Theo Ban soạn thảo, dự thảo 2 so với Nghị định 162 tăng 8 điều, sửa 9 điều, giữ nguyên 10 điều và bổ sung 12 điều. Có khoản bị bãi bỏ như khoản 4 điều 22 nói về hồ sơ để công nhận tổ chức tôn giáo. Điều đó chứng tỏ các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo đang mong muốn đổi mới nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người có đạo mà bằng chứng mới nhất là cho phép nhà thờ chính tòa Hà Nội rước kiệu Mình Thánh Chúa ra nhiều phố cạnh hồ Hoàn Kiếm hôm 19-6-2022 đem lại niềm phấn khởi cho cộng đồng Công giáo ở Hà Nội (ảnh trên). Tuy nhiên, ngay cả dự thảo 2 cũng còn có một số điều cần trao đổi.

Khoản 2, điều 3 giải thích: “Công trình tôn giáo là công trình xây dựng để làm cơ sở tôn giáo”. Như vậy, chỉ các công trình xây dựng cho mục đích tôn giáo mới là cơ sở tôn giáo. Điều này trái với khoản 14, điều 2 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo ghi rõ: “Cơ sở tôn giáo bao gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của các tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”. Mà theo khoản 15, điều 2 thì “cơ sở hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Thực tế, có nhà dân hay khách sạn… lúc đầu xây dựng đâu có nhằm làm cơ sở tôn giáo mà sau này họ mới có nhu cầu làm thành nhà nguyện, nhà thờ của Công giáo hay Tin Lành. Như vậy, đó không phải là công trình tôn giáo sao?

Việc cho các tín đồ tôn giáo được sử dụng kinh sách, kinh thánh trong các trại tạm giữ, trại cải tạo là bước tiến bộ lớn đáp ứng nhu cầu tôn giáo của đối tượng này. Tuy nhiên điều 4, khỏan 3 lại giao trách nhiệm cung ứng kinh sách cho Bộ Công an, Bộ Giáo dục, Bộ Lao động - Thương binh, xã hội đảm trách. Cách làm này vừa hạn chế vừa không đáp ứng nhu cầu thực tế. Ngày 1-4-2022, Cục công an nội địa phối hợp với Cục trại giam mới bàn giao được 17 đầu sách với 4.418 cuốn cho 54 trại giam. Trong đó có 8 đầu sách tìm hiểu về tín ngưỡng, tôn giáo. Theo chúng tôi, kinh sách cần là Kinh thánh, kinh nguyện là quan trong nhất và cần số lượng lớn mà các cơ quan Nhà nước không đủ sức làm. Sao không để cho các gia đình phạm nhân, bị can lo có nhẹ nhàng hơn không? Các trại giam chỉ cần kiểm soát ấn phẩm hợp pháp là được.

Điều 24 liên quan đến việc phong chức, phẩm hàm của người Việt Nam có yếu tố nước ngoài phải làm hồ sơ báo cáo lên các cơ quan có trách nhiệm và được trả lời sau 60 ngày nhận hồ sơ. Vấn đề này, không phải vụ việc nào cũng làm được như việc bổ nhiệm Hồng y của Công giáo. Hồng y là người giúp việc cho Giáo hoàng và Giáo hoàng toàn quyền bổ nhiệm, ít tham khảo ý kiến người khác. Ngay bản thân đương sự cũng chỉ biết mấy phút trước khi công bố. Vậy làm sao họ có thể làm hồ sơ báo cáo với cơ quan chức năng? Rồi khi Tòa thánh bổ nhiệm như các Hồng y trước đây ở Việt Nam, chẳng lẽ chính quyền không công nhận?

Điều 26 liên quan đến quyên góp của các tôn giáo. Nếu phạm vi cấp xã phải báo cáo trước 5 ngày, phạm vi huyện là 10 ngày và phạm vi rộng hơn là 15 ngày. Thật ra, mỗi tôn giáo có cách thức quyên góp khác nhau. Ví dụ Công giáo xin giỏ lễ chủ nhật. Đây là hình thức đóng góp của giáo dân vào công cuộc truyền giáo có từ lâu đời rồi. Các cuộc quyên góp như quyên góp Mùa Chay cho người nghèo, quyên góp đồng tiền Thánh Phêrô cho Tòa thánh, hay quyên góp cho đào tạo chủng sinh… đều có trong lịch Công giáo cả. Hơn nữa, do di dân và cả du lịch, lao động… bây giờ nhà thờ nào cũng có người xã khác, huyện, tỉnh thậm chí quốc gia khác dự. Vậy báo cáo thế nào? Vả lại, chính người có trách nhiệm của nhà thờ cũng không biết có ai đến dự mà báo cáo nên việc này không quản được. Giống như điều 46 của Nghị định 162 quy định việc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo phải báo cáo huyện trước 25 ngày và tỉnh là 30 ngày. Ví dụ làm lễ ngòai nghĩa trang cho người qua đời, cũng người tứ xứ dự. Nhưng người chết đâu có báo trước ngày chết để xin phép?

Điều 28 quy định về hình thức lễ trực tuyến hay kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Trong giai đoạn covid-19, Nhà nước khuyến khích dùng hình thức trực tuyến để tránh tập trung đông người. Nay covid-19 được kiểm soát lại quy định phải báo cáo xin phép cũng không lợi lắm. Nên quy định, mỗi cá nhân, tổ chức tôn giáo khi trực tuyến phải chịu trách nhiệm về những điều mình nói trước pháp luật thì tốt hơn.

Dù sao, việc đưa ra Dự thảo 2 cũng là cố gắng đáng khen ngợi trong việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người có đạo, nhất là Dự thảo được đưa ra công khai xin ý kiến đóng góp của mọi người. 

Tác giả: TS. Phạm Huy Thông

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm103
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay28,580
  • Tháng hiện tại361,160
  • Tổng lượt truy cập76,069,426
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây