Cồn Vẽ, mảnh đất phất như cồn

Chủ nhật - 24/07/2016 19:19  2915
Khi lược lại lịch sử của giáo xứ Cồn Vẽ, tôi chợt nghĩ đến tiêu đề cho bài viết “mảnh đất phất như cồn”. Có lẽ bạn sẽ cho tôi là người ‘nói quá’, nhưng tôi mong bạn hãy kiên nhẫn cùng tôi nhìn lại dòng lịch sử vẻ vang của giáo xứ có cái tên cũng lạ lẫm này. Vốn tôi là người thích những điều lạ lẫm, và tôi thiết nghĩ bạn cũng có cùng cách nghĩ như tôi. Ngay với tên gọi ‘Cồn Vẽ’ đã làm tôi tò mò muốn khám phá, nhưng để hành trình ngược dòng lịch sử giáo xứ Cồn Vẽ thêm phần thú vị và mang tính khách quan, tôi muốn mời bạn cùng tôi tận hưởng niềm vui tinh thần này.
 
Chắc bạn cũng có cùng cảm giác như tôi khi thắc mắc: “Cồn Vẽ có nghĩa là gì nhỉ?” Theo lời tiền nhân truyền lại thì ‘Cồn Vẽ’ là một bãi đất nhô cao do biển bồi mà thành, nhưng để bảo vệ được dải đất màu mỡ và phong thủy hữu tình này, con người cần phải đắp những con đê cao để chắn những ngọn sóng biển dữ dội đang lăm le nhấn chìm ‘hòn đảo nhỏ xinh’ này. Từ trên bãi đất nhô cao, các cụ nhà ta dùng khối óc tinh tế mà Thiên Chúa ban tặng để ‘vẽ’ ra con đê với tên gọi Hồng Đức (mà ngày nay gọi là đường 56) hầu có thể bảo vệ cho ‘viên ngọc nhỏ xinh đẹp’. Trên cồn cao, các cụ tổ vùng ‘địa linh’ đã vẽ ra con đê hầu bảo vệ nơi chôn nhau cắt rốn cho thế hệ hậu duệ của mình. Vậy là bạn và tôi đã hiểu ý nghĩa của hai chữ Cồn Vẽ rồi đó!

 
 
Từ trên cao phóng tầm mắt xuống mảnh đất Cồn Vẽ, nổi bật trên mảnh đất hữu tình này với con sông được người đời truyền lại là Thiên tạo (sông do thiên nhiên tạo nên), nằm uốn mình cong queo như chú rồng cuốn lấy ‘viên ngọc nhỏ bé’. Con sông có đến cửu khúc và mang hình bán nguyệt, mỗi khúc sông được tiền nhân đặt cho một tên: Cồn Bồng, Cồn Cáo, Cồn Võng, Cồn Thoi, Cồn Cáng, Cồn Vành, Cồn Chàm, Cái Nghiên, Cán Bút. Với cửu khúc quanh co, con ‘long giang’ như nằm phục trước nhan Thiên Chúa nơi dải cồn nhô cao, hầu phủ lên mảnh đất xinh đẹp này những lớp màu tươi tốt, làm sáng lên vẻ rực rỡ của ‘viên ngọc nhỏ Cồn Vẽ’. Vùng đất dấu yêu này thuộc Quần Anh thượng (hiện thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Phía đông giáp cánh đồng xã Trực Thành, phía tây giáp xã Hải Minh, phía nam giáp chùa Phúc Lâm xã Hải Anh, và phía bắc giáp sông Ninh Cơ.
 
Ba bề cửu bọc long giang
Bình minh ảnh thủy chiếu sao võng lầu
                                                     (Lược sử giáo xứ Cồn Vẽ)
 
Ngược dòng lịch sử Cồn Vẽ là cả một hành trình nỗ lực của tiền nhân, giáo xứ đã manh nha thành hình từ một ngôi nhà nhỏ nằm trên mảnh đất cũng chẳng rộng lớn là bao được người dân dâng cúng để làm nơi cầu nguyện sớm chiều cho 25 nhân danh ít ỏi. Ngôi nguyện đường nhỏ đua cùng thời gian qua 42 năm (1806 – 1848) đã kiệt sức. Đến lúc này, các bậc tiền nhân cũng đã chuẩn bị được một mảnh đất rộng lớn và bề thế hơn, nên các cụ đã nhất trí di chuyển nơi họp nhau cầu nguyện về vùng đất mới và xây dựng một ngôi nguyện đường đẹp đẽ và rộng lớn hơn (1848 – 1850) hầu có thể là nơi che mưa che nắng cho 80 nhân danh. Đặc biệt, sau 38 năm nỗ lực hết mình (tức từ năm 1848 - 1886), các bậc tổ tiên đã được Đức cha Đômingô Minh, bề trên giáo phận đoái thương, lập cộng đoàn thành giáo họ với Danh Chúa Giê-su quan thầy. Cuộc đời thật chẳng bỏ quên những hy sinh vất vả của con người! Từ nay, cộng đoàn nhỏ chưa có tên tuổi đã trở thành giáo họ thuộc giáo xứ mẹ Phạm Pháo: Cộng đoàn giáo họ Cồn Vẽ!
 
Cồn Vẽ kính Danh Thánh Người
Hội đoàn mừng lễ rõ thời đông vui
                                                        (Lược sử giáo xứ Cồn Vẽ)
 
Quả thật, tiêu đề “Cồn vẽ, mảnh đất phất như cồn” chẳng có sai! Giáo họ mỗi ngày một lớn mạnh vượt bậc, ngôi nhà thờ được xây dựng lần thứ hai (1848 – 1850) không thể bao bọc được 200 người đông đúc, nên bà con giáo dân trong giáo họ đã xin phép bề trên cho di chuyển nơi thờ tự về mảnh đất ‘rộng, đẹp và xứng hợp’ hơn với cộng đoàn đang lớn mạnh. Nhờ điều kiện kinh tế của bà con trong giáo họ lúc này cũng khá giả, nên ngay từ tháng Chín năm 1886, cộng đoàn giáo họ đã khởi công xây dựng ngôi thánh đường bằng gỗ lim đẹp đẽ để dâng kính Thiên Chúa. Gặp điều kiện thuận lợi nên ngôi nhà thờ được xây dựng rất nhanh chóng, chỉ sau hơn hai năm (tức tháng Mười Hai năm 1888) bà con giáo dân đã có được một ngôi thánh đường thật tráng lệ.
 
Thời gian cướp đi vẻ đẹp và độ vững bền của ngôi nhà thờ, cũng giống như thời gian đã lấy đi tuổi trẻ của bạn và tôi vậy! Sau 114 năm (1888 – 2002) chống chọi với mưa sa bão táp, ngôi thánh đường gỗ lim xưa đã xuống cấp, giống như bà mẹ đã già nua ốm yếu. Hiểu rõ được tình hình cũng như vì nhu cầu mục vụ, giáo họ đã xin phép Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, bề trên giáo phận cho hạ giải ngôi thánh đường bằng gỗ lim cổ kính và xây ngôi nhà thờ mới rộng lớn và đẹp đẽ hơn hầu có thể che mưa che nắng cho nhiều người con trong giáo họ. Ngôi thánh đường mới mang dáng dấp Á đông được xây dựng trong khoảng thời gian 3 năm (2002 – 2005), hiên ngang dương cao cây tháp 38 m giữa bầu trời như muốn khẳng định với trời đất về một cộng đoàn đang phất lên như cồn. Qua những thành công rực rỡ này, giáo họ xứng đáng được bề trên giáo phận nâng lên hàng giáo xứ (2009), ngang tầm với nhiều giáo xứ trong giáo phận nhà.
 
Người giúp của, người giúp công
Khắp trong ngoài nước giáo, lương lòng thành
Hồng ân Thiên Chúa đã dành
Mừng vui đón nhận, thanh danh muôn đời
                                                               (Lược sử giáo xứ Cồn Vẽ)
 
Trải qua thời gian, Cồn Vẽ từ một cộng đoàn nhỏ manh nha thành hình nên giáo họ, và từ giáo họ nhỏ bé đã phát triển mạnh mẽ và được nâng lên hàng giáo xứ (kể từ năm 2009 đến nay). Nhìn vào sự hình thành và phát triển của giáo xứ Cồn Vẽ, ắt hẳn bạn cũng sẽ có cùng quan điểm như tôi “Cồn Vẽ, mảnh đất phất như cồn”. Tuy nghe có vẻ ‘nói quá’, nhưng tôi thiết nghĩ với cách nói như vậy chắc không quá. Hơn nữa, cộng đoàn Cồn Vẽ tuy là giáo xứ còn non trẻ, nhưng đều đông đủ các đoàn hội (giáo xứ có đến 16 hội đoàn). Cồn Vẽ đã và đang thay da đổi thịt từng ngày kể từ khi thành lập nguyện đường (1806) đến nay (2016), đã trải qua 210 năm. Tuy tuổi đời chưa phải là già so với nhiều cộng đoàn giáo xứ trong giáo phận, nhưng cũng không phải là ngắn. Cộng đoàn đã trải qua nhiều bước thăng trầm trong lịch sử, để rồi đến hôm nay giáo xứ có được một cơ ngơi lớn mạnh đang phất lên như cồn.

 
 
Giáo dân Cồn Vẽ ta ơi
Ngày đêm phó thác, Chúa Trời liệu lo
Cho dù việc nhỏ việc to
Hướng lòng trông cậy giảm lo hết phiền
                                                         (Lược sử giáo xứ Cồn Vẽ)
 
Cầu chúc cộng đoàn mãi vững mạnh và phát triển hơn nữa hầu làm rạng danh giáo phận nhà!

Tác giả: Nhựa Sống

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập155
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm120
  • Hôm nay18,095
  • Tháng hiện tại995,482
  • Tổng lượt truy cập78,998,933
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây