Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu gọi tắt là COMECE phản đối việc đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các Quyền cơ bản của Liên minh Âu châu, vì điều này vi phạm luật và nhân phẩm của Liên minh.
Trong một tuyên bố được đưa ra trong ngày 19/7, Đức cha Anton Jamnik, Chủ tịch của Uỷ ban Đạo đức của COMECE, đã đại diện các Giám mục nói rằng, việc tôn trọng nhân phẩm của mỗi người trong mọi giai đoạn của cuộc sống, đặc biệt trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương là một nguyên tắc cơ bản trong các xã hội dân chủ.
Tuyên bố viết: “Các quốc gia thành viên Liên minh Âu châu có truyền thống hiến pháp khác nhau liên quan đến quy định pháp luật về phá thai. Do đó quy định quyền phá thai là quyền cơ bản là đi ngược lại với các nguyên tắc chung của Liên minh”.
Hơn nữa, theo các Giám mục, không có luật về phá thai được công nhận trong luật châu Âu hoặc luật quốc tế. Toà án Nhân quyền Âu châu chưa bao giờ tuyên bố phá thai là nhân quyền được bảo vệ bởi Công ước Âu châu về các quyền cơ bản. Trái lại, Toà án đã tuyên bố quyền sống là quyền cơ bản của con người và xác nhận trong án lệ rằng đó là mục tiêu hợp pháp cho các quốc gia ký kết công ước bảo vệ sự sống chưa được sinh ra.
Phá thai được quy định rộng rãi trên khắp các quốc gia thành viên Liên minh Âu châu. Nhiều nước hạn chế phá thai sau 12 đến 14 tuần thai kỳ; một số quốc gia cũng áp đặt thời gian chờ đợi và các quy định khác.
Trước đó, vào đầu năm 2022, COMECE đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macrons về việc đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các Quyền cơ bản của Liên minh Âu châu.
Vào tháng 7/2022, phản ứng trước một nghị quyết của Nghị viện Âu châu, COMECE đã đưa ra một tuyên bố khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị “làm việc vì sự thống nhất hơn nữa giữa những người Âu châu, không tạo ra các rào cản ý thức hệ và sự phân cực cao hơn”. Các Giám mục khẳng định rằng chăm sóc phụ nữ đang ở trong hoàn cảnh khó khăn khi đang mang thai là một phần trung tâm của sứ vụ của Giáo hội. Xã hội cũng phải coi đây là một nghĩa vụ phải thi hành.