Với thừa tác viên bất xứng, bí tích có thành sự?
Thứ sáu - 18/05/2018 06:25
2423
Theo thánh Tôma Aquinô, có hai tác nhân trong trường hợp các bí tích: tác nhân chính và tác nhân dụng cụ. Tác nhân chính là Thiên Chúa, Đấng thiết lập bí tích. Tác nhân dụng cụ là thừa tác viên, người sử dụng bí tích đã được thiết lập bằng cách ứng dụng nó để tạo nên hiệu quả. Hiệu lực của bí tích không thể phát xuất từ người sử dụng bí tích, bởi vì người đó chỉ hành động trong tư cách thừa tác viên mà thôi. Vậy nên hiệu lực của bí tích chỉ đến từ Đấng đã thiết lập ra nó, tức là Thiên Chúa[1].
Nói cách khác, hiệu lực của bí tích đến từ nguyên nhân chính là Thiên Chúa, để rồi qua công cụ là thừa tác viên hiệu lực được ban cho thụ nhân. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu thừa tác viên bất xứng thì họ có thể ban phát các bí tích không? Để trả lời câu hỏi này, Công đồng Trentô (1545-1563) đã khẳng định: “Nếu ai nói rằng một thừa tác viên trong tình trạng tội lỗi không thực sự cử hành hay không có quyền trao ban bí tích, mặc dù thừa tác viên này tuân giữ tất cả những phần chính yếu của bí tích, người đó phải vạ tuyệt thông.”[2]
Với lời khẳng định này, Công đồng cho thấy tính thành sự hay hiệu quả của bí tích không phụ thuộc vào tình trạng công chính của thừa tác viên. Như vậy, nếu thừa tác viên đang trong tình trạng tội lỗi cử hành bí tích thì rõ ràng việc cử hành bí tích này vẫn thành sự miễn là họ cử hành một cách đúng đắn theo điều Giáo hội dạy, và có chủ ý làm điều Giáo hội làm. Chính ý muốn cứu độ của Thiên Chúa qua Giáo hội sẽ bù đắp vào sự bất xứng của thừa tác viên. Trước đó, vấn đề này cũng đã được thánh Tôma đề cập đến. Và thánh nhân kết luận: Các thừa tác viên của Giáo hội có thể ban phát các bí tích cho dù họ sống bất xứng, và thậm chí ngay cả khi thừa tác viên đó không có lòng mến và đức tin đi chăng nữa thì việc cử hành bí tích đó vẫn thành sự, miễn là họ làm theo đúng ý hướng của Giáo hội.[3]
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng việc cử hành các bí tích theo điều Giáo hội dạy tuy đã đủ nhưng chưa hoàn toàn, bởi vì thừa tác viên một khi được Thiên Chúa mời gọi cần phải biến đổi mình nên khí cụ tốt để ân sủng của Thiên Chúa được thông ban cách xứng đáng hơn.
Mặt khác, cũng cần phải nói rằng để hoa trái của các bí tích triển nở cũng cần đến sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận. Quả thật, huấn quyền của Giáo hội dạy rằng: để đón nhận cách xứng đáng và làm cho hiệu năng bí tích mang lại hoa trái dồi dào, người lãnh nhận cần phải có thái độ nội tâm và luân lý xứng hợp. Cụ thể, trong bí tích Thánh Tẩy và Hoà Giải, nếu người lãnh nhận không có đức tin và sự thống hối về các tội đã phạm thì hoa trái do ân sủng trao ban trong các bí tích sẽ bị giảm bớt. Còn đối với các bí tích khác, khi người lãnh nhận sống trong tội trọng thì họ đã đánh mất tình trạng ân sủng của mình. Thế nên nếu họ lãnh nhận các bí tích này thì họ đã làm cản trở hành vi cứu độ của bí tích.[4] Do đó, để hiệu năng của các bí tích mang lại hoa trái dồi dào, người lãnh nhận cần phải chuẩn bị nội tâm xứng hợp, nghĩa là lòng sám hối, sự tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và lòng khát khao đón nhận bí tích.
[1] Summa Theologiae, q. 64, a. 2.
[2] Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ,
Tìm hiểu các bí tích Công giáo (TPHCM: ĐCV Thánh Giuse, 2002), tr. 99.
[3] Summa Theologiae, q. 64, a. 5 & a. 9.
[4] Xc. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ,
Tìm hiểu các bí tích Công giáo (TPHCM: ĐCV Thánh Giuse,2002), tr.105-106.
Tác giả: Antôn Hoàng Văn Phúc, OP