Việc rao giảng có còn cần thiết không?
Chủ nhật - 17/06/2018 11:46
1437
Gần đây xuất hiện một số lý thuyết hoài nghi sự cần thiết của việc rao giảng hoặc thay đổi chính ý nghĩa của nó. Quan sát việc truyền giáo ở nhiều quốc gia, một số nhà thần học tin rằng đã tới giờ “không rao giảng” Lời Thiên Chúa nữa. Họ cho rằng việc truyền giáo của Hội thánh phải được giới hạn vào việc chứng tá bằng đời sống và đức ái. Các tác giả khác muốn giản lược việc rao giảng vào việc tố giác những sự xấu của xã hội và chính trị trên thế giới; do đó nội dung Lời trở thành một chương trình thăng tiến con người. Một khuynh hướng nữa muốn thay thế việc rao giảng Tin mừng bằng sự đối thoại liên tôn, coi việc đối thoại là mục tiêu, mục đích tự tại. Có người lại cho rằng thông điệp Hội thánh rao giảng chỉ là sản phẩm của văn hóa Hy Lạp hay Trung Cổ… Trong tất cả các quan điểm trên đây, nhu cầu “rao giảng” đều bị giản lược. Vậy việc rao giảng có thực sự còn cần thiết?
Chúng ta cùng nhau tìm câu trả lời qua nền tảng Thánh Kinh- thần học của việc rao giảng.
Trước hết việc rao giảng có trọng tâm là gương Chúa Giê su, Đấng được sai đi “rao giảng Tin mừng”, cũng như Hội thánh tiếp nối sứ mạng của Người và làm nó hiện diện trên toàn thế giới (x. Lc4,18-19).
Tiếp theo, rao giảng luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của việc truyền giáo bởi vì nó được khởi đi từ chính lệnh truyền của Chúa Kitô: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Lệnh truyền của Chúa Giêsu vẫn cấp bách như vừa mới xong. Hội thánh không thể thoái thác lệnh truyền rõ ràng của Chúa Kitô, cũng không thể tước mất của mọi người “Tin mừng” về tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với họ. Việc rao giảng Tin mừng luôn luôn bao gồm một lời công bố rõ ràng rằng, trong Đức Kitô… ơn cứu độ được trao ban cho mọi người, như một quà tặng của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lại nữa, chính Chúa Giêsu Kitô đã ban thần khí cho Hội thánh; ở đâu có Thần Khí Đức Giêsu, ở đó có một động năng hướng tới việc rao giảng Lời. Do đó, rao giảng không phải là một sự kiện thuộc quá khứ, đó chính là Thánh Thần, Đấng “hôm nay cũng như lúc khởi đầu của Hội thánh, hành động nơi mọi vị rao giảng…và đặt lời trên môi miệng họ” (EN 75); “Nhờ Thánh Thần mà nói tiếng sống động của Tin mừng vang lên trong Hội thánh và qua Hội thánh vang lên khắp thế giới” (DV 8).
Một động cơ nền tảng khác nữa là sự kiện Lời được rao giảng và đón nhận chính là con đường dẫn tới đức tin, là điều cần thiết để được cứu rỗi bởi “làm sao mà họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng? làm sao mà rao giảng nếu không được sai đi?..”
Cuối cùng, nếu mục tiêu của hoạt động truyền giáo là thiết lập một Giáo hội địa phương, thì chúng ta không được quên rằng chính “Lời triệu tập và thiết lập cộng đoàn”. Công đồng đã chọn những lời rất ý nghĩa của thánh Augustino về hoạt động truyền giáo của các Tông đồ: các ngài “giảng lời sự thật và sinh ra các Giáo hội”(AG1); “Dân Chúa phải được quy tụ chủ yếu bởi Lời Thiên Chúa hằng sống. Việc rao giảng Lời là một đòi hỏi của chính tác vụ bí tích, vì các bí tích của đức tin được phát sinh và nuôi dưỡng bởi Lời” (PO 4).
Từ xưa đến nay, việc rao giảng luôn luôn là điều cấp bách, nhưng hiện nay càng khẩn thiết hơn vì ngày nay, những rào cản không phải là xiềng xích, gông cùm, tù ngục mà nó còn tinh vi hơn nhiều. Những khó khăn xảy ra trong chính nội bộ như: những chứng từ không ăn khớp với lời rao giảng; sự thiếu tôn trọng và nhìn nhận tín đồ tôn giáo khác nơi một số kitô hữu; thái độ trịnh thượng, tự cao nơi một vài tín hữu. Ngoài ra, sự phân tâm cũng có thể khiến một số người không còn thấy được tầm quan trọng của công việc rao giảng.
Để giữ được tính cấp bách, chúng ta cần kháng cự ham muốn hưởng thụ. Chúng ta phải nắm chặt sự sống thật: “Hãy giữ gìn cẩn thận trong cách ăn nết ở” (Ep 5,15).
Được Kinh Thánh và Huấn quyền Hội thánh hướng dẫn, các kitô hữu ngày nay có thể hiểu biết, củng cố và đào sâu ý nghĩa của việc “rao giảng”. Hôm nay cũng như bất cứ thời nào, không thể thay thế việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô bằng những chương trình trần thế và nhân bản thuần túy.