Tìm hiểu Thương khó và Phục sinh theo thánh Mt
Thứ tư - 22/03/2017 15:03
3972
C. THƯƠNG KHÓ & PHỤC SINH (26 – 28)
Thương Khó và Phục Sinh là đỉnh cao của Tin mừng Mt[1]. Trong phần này, ta cùng tìm hiểu: biến cố Chúa Giêsu chết trên thập giá (Mt 27, 45-56) và việc Đấng Phục Sinh sai các môn đệ đi truyền giáo (28, 16-20).
I. Đức Giêsu chết trên thập giá (27, 45-56).
1. Bối cảnh.
Đây là những ngày cuối cùng của Đức Giêsu trên trần thế. Mt mô tả bức tranh Thương Khó với nền đen sậm qua các chi tiết: các nhà lãnh đạo tôn giáo đang tìm mọi cách để triệt hạ Đức Giêsu (26, 1-5); Giuđa tiếp tay cho những người muốn hại Chúa (26, 14-16); rồi Đức Giêsu cảm thấy buồn rầu xao xuyến trong cảnh đêm tối tại vườn Ghếtsêmani (26, 36-46) v.v. Trên nền mầu đen ấy, Mt cũng hé lộ những tia sáng hy vọng. Chẳng hạn, giữa lúc các môn đệ không hiểu điều gì đang xảy ra ở ngưỡng cửa cuộc Thương Khó, thì một người phụ nữ vô danh xức dầu cho Chúa, và Ngài nhận ra đó chính dấu chỉ sự can thiệp của Thiên Chúa: “Thầy bảo thật anh em: Tin mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm” (26, 13). Việc cô xức dầu cho Chúa là hành động vượt không gian và thời gian, nó sống mãi. Bởi vì, chính “người nhỏ bé vô danh này” làm một nghĩa cử lạ lùng cộng tác vào cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Hoặc nữa, giữa bầu khí ảm đạm ngột ngạt của việc các môn đệ phản bội (Giuđa) hoặc quay lưng (Phêrô), Đức Giêsu vẫn hiến tế đời mình và máu Ngài cho họ (x. 26, 26-29).
Và dần dần bức tranh Thương Khó dẫn ta tới đỉnh đồi Gôngôtha, nghĩa là Đồi Sọ. Tại đó Đức Giêsu chịu đóng đinh và tắt thở (27, 45-56)
2. Vài ý chính.
Thương Khó của Đức Giêsu là một kinh hoàng chấn động đối với các môn đệ, đặc biệt là Phêrô. Dường như ông không thể hiểu nổi, đến độ ông phải “thề độc mà quả quyết rằng: Tôi thề là không biết người ấy” (26, 74). Có nỗi đau nào xót xa cho bằng nỗi đau bị chính những người mình thương hắt hủi! Các môn đệ bỏ rơi, Đức Giêsu một mình chịu những trận roi đòn, nhục mạ, thử thách (27, 27-44). Từng giây phút qua đi là từng giây phút chất chứa thêm sỉ nhục đắng cay. Và tất cả nỗi cô đơn hãi hùng của Đức Giêsu như thể cô đọng trong tiếng kêu: “Ê-li, Ê-li, lê-ma-xa-bác-tha-ni, nghĩa là Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (27, 46). Một tiếng kêu xé lòng còn âm vang mãi giữa trời và đất. Đối diện với đớn đau do con người gây ra, ít nhất Đấng Chịu Đóng Đinh vẫn còn điểm tựa là Thiên Chúa. Và cũng vì vâng lời tuyệt đối Ý Cha mà Đấng Chịu Đóng Đinh bước vào cuộc Thương Khó (26, 39). Ấy vậy mà giờ này, như thể điểm tựa vững chắc ấy vắng bóng, thành ra thắc mắc đớn đau: Ê-li, Ê-li, lê-ma-xa-bác-tha-ni. Đức Hồng y Carolo Maria Martini chia sẻ: ở trên Thập giá, ta thấy một Thiên Chúa yếu đuối dễ bị tổn thương, chỉ những ai xuyên qua cơn tăm tối Đức tin mới hiểu được phần nào[2]. Trong thinh lặng, tiếng kêu của Đấng Chịu Đóng Đinh đang diễn tả huyền nhiệm lạ lùng của một Thiên Chúa trọn vẹn làm người: muốn đi vào tất cả mọi đắng cay tủi nhục của những mảnh đời bị bỏ rơi, kể cả những con người như thể tuyệt vọng trước giờ hấp hối mà chưa tin vào Chúa. Cùng lúc trên Thập giá, ta cũng thấy tiếng kêu của Đức Giêsu là một lời khẩn nguyện mở đầu ở Tv 22,1. Trần trụi trắng tay, nhưng phó thác buông mình trọn vẹn.
Hóa ra, ẩn đàng sau lời kêu xin, ấy là tình yêu hiến dâng đến tận cùng của Đức Giêsu dành cho Chúa Cha và cho nhân loại. Thành ra, ngay khi Đức Giêsu tắt thở, tức khắc bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé làm hai (27, 51). Thật lạ, giữa lúc Đức Giêsu bất lực (chết), không làm được gì thì lại là lúc bức màn chia cách giữa Thiên Chúa và con người bị xóa bỏ. Nói cách khác, chính cái chết của Đấng Chịu Đóng đinh đưa con người tới gặp gỡ Thiên Chúa. Rồi nữa, không chỉ những người sống, mà còn cả những người yên giấc “trong mồ mả” cũng được trỗi dậy (27, 52). Nói cách khác, quyền năng tình yêu hiến dâng nơi cái chết của Đức Giêsu vượt mọi không gian và thời gian, vượt cả biên giới của lòng người nữa. Thế nên, cũng lúc Đức Giêsu trọn bề phó thác qua cái chết, thì viên đại đội trưởng cùng những người lính (những người ngoại) đã tuyên xưng Đức tin: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (27, 54). Chính cái chết của Đức Giêsu là Tin mừng Cứu Rỗi. Tin mừng này là chính Đấng Chịu Đóng Đinh, chịu chết và đang sống, chính Ngài phá tan u mê lòng người để họ nhận ra sự thật có sức giải thoát con người.
3. Vài bài học.
Chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đinh giữa trời và đất, ta được mời gọi đón mặc khải lạ lùng của Thiên Chúa. Từ nay trở đi, chính nơi Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh, ta khám phá về một Thiên Chúa dấn mình cho đến tận cùng vào cuộc đời ta.
Nếu Ngài bước vào con đường Thánh Giá, ta cũng xin cho được đối diện với thử thách gian truân. Chính nơi đó, Đấng Chịu Đóng Đinh sẽ thêm sức mạnh cho ta.
Mỗi một Thánh Lễ là hiện tại hóa hy tế trên Thập Giá, nếu vậy trong mỗi thử thách đớn đau cuộc đời, xin cho lời kinh của Đấng Chịu Đóng Đinh trên Thập Giá được âm vang trong ta: “Ê-li, Ê-li, lê-ma-xa-bác-tha-ni, nghĩa là Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con.”
II. Đấng Phục Sinh hiện ra trao sứ mạng (28, 16-20).
1. Bối cảnh.
Cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá làm cho hy vọng của các Tông đồ bị lung lay tận gốc rễ. Các ông tản mác hoảng sợ. Không biết tương lai đi đâu về đâu. Chỉ biết rằng, giữa những ngổn ngang lo lắng, các ông được các phụ nữ báo cho biết là Thầy của họ đã sống lại (x. 28, 1-10) và Ngài hẹn gặp họ ở Galilê.
2. Vài ý chính.
Nếu Tin mừng Luca đề cao vai trò của Giêrusalem, thì Matthêu lại ưu tiên hơn vai trò của Galilê. Với Matthêu, Galilê không còn là thuần túy nơi chốn địa lý, nhưng là điểm hẹn giữa Thiên Chúa và muôn dân nước. Ta nhớ lại những bước chân đầu tiên của Đức Giêsu tới Galilê khi Ngài bắt đầu sứ mạng công khai thì Mt ghi nhận: “Hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần này được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (x. Mt 4,15-16; Is 8,23-9,1). Chính con người của Đức Giêsu là ánh sáng, là Tin mừng đích thực. Chỉ cần sự hiện diện của Ngài, thì niềm vui đã bắt đầu. Hẹn gặp các môn đệ ở Galilê, ấy là nhấn mạnh tới việc Đức Giêsu dấn mình vào trong những thực tại của xã hội, thực tại của muôn dân nước. Nếu nơi Galilê có tối tăm, thì chính tình yêu cháy bỏng của Đức Giêsu sẽ là ánh sáng chiếu rọi. Xác tín về điều này, J. Delorme phát biểu: “Nếu Môsê là người đã chết trong sa mạc và không thể đưa dân vào Đất Hứa, thì Đức Giêsu, Môsê mới hơn hẳn. Chính Đức Giêsu đã vượt qua sa mạc của tử thần. Cuộc xuất hành của Ngài kết thúc, cuộc tù đày của Ngài chấm dứt, Ngài đã trở lại Galilê, nơi trở thành biểu tượng của mảnh đất của Đấng Phục Sinh[3]”.
Trên một ngọn núi[4] ở Galilê, các môn đệ gặp Đấng Phục Sinh: thấy Ngài, họ bái lạy, nhưng có mấy người lại hoài nghi (20, 17). Dường như có một nghịch lý nơi con người các môn đệ: một đàng là bái lạy (tôn thờ tin tưởng); đàng khác lại hoài nghi[5]. Có điều lạ, Đấng Phục Sinh biết rõ một số người còn hoài nghi, nhưng Ngài lại không chữa lành “hoài nghi” đó. Trái lại, Ngài đến gần và trao cho họ sứ mạng. Điều này muốn nói lên một sự thực rõ ràng: Đức tin mãi luôn là một hành trình sống động tiến về phía trước chứ không phải là trọn vẹn ngay từ đầu. Chỉ khi các tông đồ lên đường thì Đức tin của các ông mới vững mạnh. Vâng, Đấng Phục Sinh ban ơn cho những ai lên đường, những ai liều lĩnh ra đi. Còn người nhốt mình trong những tính toán riêng tư thì ân ban rồi cũng mất, Đức tin cũng sẽ bị xơ cứng. Khi các môn đệ cất bước lên đường, thì hành trang của họ là lời hứa: “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (28, 20).
3. Bài học.
Dường như “hoài nghi” gắn liền với thân phận con người. Điều đó hé lộ sự thật là: nền tảng vững chắc không đến từ con người, nhưng là đến từ Thiên Chúa. Lại chẳng phải chính Đức Giêsu đã từng quở trách Phêrô: “Người đâu mà kém lòng tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mt 14, 31). Có điều lạ, thật lạ Chúa biết rõ Phêrô kém lòng tin và hoài nghi, thế nhưng cũng chính Ngài đã ngỏ lời với Phêrô: “Anh là Phêrô có nghĩa là Đá, trên tảng đá này, Thầy xây Hội Thánh của Thầy” (x. 16,16-17). Nơi Simon Phêrô, ta thấy hành trình đức tin của mỗi người tín hữu: cùng lúc nhận ra sự thật mong manh nơi bản thân, và đàng khác lại thấy chính Chúa muốn biểu lộ quyền năng mãnh liệt của Ngài ngang qua sự yếu đuối ấy. Đó là một huyền nhiệm mời gọi ta không ngừng mở lòng ra khiêm hạ để cho công trình của Chúa được biểu lộ. Sau này, chính vị Tông đồ dân ngoại cũng tâm sự: “Ơn của Thầy đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12, 7-10).
Lm. Vinhsơn Mai Kim, ĐCV Bùi Chu
[1] Phần này chia ra làm ba: Tiệc ly (26,1-29); Đóng đinh và Tử nạn (26,30 - 27,56; An táng và Đấng Phục Sinh xuất hiện (27,57 - 28,20). [2] Carolo Maria MARTINI, Lời hứa đã được thực hiện, Nxb Tôn giáo, 2015, tr. 35. 65-67. [3] J. DELORME, Lecture de l’évangile selon saint Marc, CE 1/2, tr. 13-14. [4] Ngọn núi luôn bao hàm ý nghĩa biểu tượng gọi về nơi gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa; ngọn núi cũng là nơi ưu tiên để Thiên Chúa vén mở những điều quan trọng. Mở đầu bài giảng hiến chương Nước Trời, Đức Giêsu lên núi (x. Mt 5, 1-12). Bây giờ, kết thúc Tin mừng, Đức Giêsu cũng gặp các tông đồ trên núi. Sứ điệp thần học hé lộ: trước khi sai các tông đồ đi thi hành sứ mạng truyền giáo, điều ưu tiên vẫn là gặp gỡ Thiên Chúa. [5] Đây không phải là “hoài nghi” tuyệt đối, nhưng là tình trạng Đức tin còn cần triển nở vươn mình về phía trước.