Thứ Năm, Tuần 28 Thường Niên năm B
(Lc 11,47-54)
Hôm nay, chúng ta có thể suy ngẫm về ý nghĩa, về việc đón nhận và cách đối xử mà các ngôn sứ nhận được: “Ta sẽ sai ngôn sứ và tông đồ đến với chúng, chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia” (Lc 11,49). Họ là những người thuộc mọi tầng lớp xã hội và tôn giáo, họ đã lãnh nhận sứ điệp thiêng liêng và được thấm nhuần nó; được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, họ thông truyền sứ điệp đó với những ngôn từ và dấu hiệu dễ hiểu trong thời đại của họ. Đó là một thông điệp được truyền đạt bằng các diễn từ và thường không được tán đồng, hoặc qua những hành động mà hầu như lúc nào cũng khó chấp nhận. Một đặc điểm của lời ngôn sứ chính là sự khó chịu của nó. Ơn huệ này gây nên những điều bất lợi cho người lãnh nhận, vì sâu thẳm bên trong, nó làm người ngôn sứ bị tổn thương, đồng thời lại gây không ít những điều khó chịu cho môi trường xung quanh, mà ngày nay nhờ Internet hoặc vệ tinh, chúng có thể được lan truyền khắp thế giới.
Những người đồng thời với ngôn sứ cố gắng buộc người ngôn sứ phải im lặng, họ vu khống, làm mất uy tín vị ngôn sứ, và cứ thế cho đến khi ngôn sứ chết. Đến lúc đó, người ta sẽ xây dựng một đài tưởng niệm và tôn vinh ngôn sứ, vì lúc này ngôn sứ sẽ không còn là sự phiền toái cho ai nữa. Hiện nay, chúng ta cũng có một số ngôn sứ được toàn thế giới ngưỡng mộ như thánh Têrêsa Calcutta, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Đức ông Romero… Chúng ta có nhớ những gì các ngài đã nhắc nhở và mong đợi nơi chúng ta không? Chúng ta có thực hiện những điều các ngài chỉ dạy không? Thế hệ của chúng ta phải chịu trách nhiệm về tầng ozone mà chúng ta đã phá huỷ, về việc lãng phí tài nguyên nước, cũng như việc phớt lờ những điều mà các ngôn sứ đã dạy chúng ta.
Vẫn còn đó những người tự cho mình có “quyền độc tôn về tri thức”, những người chỉ sẵn lòng chia sẻ cho những người thân thuộc của họ trong hoàn cảnh có lợi nhất, đó là những người mà họ cho phép được thành công hay nổi danh. Vẫn còn đó những người không để cho ai bước vào lãnh vực tri thức, vì sợ rằng họ sẽ có được sự hiểu biết như mình và cứ thế vượt qua mình: “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết; các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản” (Lc 11,52).
Ngày nay, cũng như trong thời Chúa Giêsu, có nhiều người phân tích từng câu chữ và nghiên cứu các văn bản để hạ bệ hoặc làm mất uy tín của bất cứ ai dùng từ ngữ hay lời nói để gây phiền toái tới họ. Chúng ta có làm như vậy không? Thánh Gioan Kim Khẩu đã từng nói: “Không gì nguy hiểm hơn là phán xét những việc thuộc về Thiên Chúa bằng những lý luận của con người”.