Thứ Hai, Tuần 29 Thường Niên năm B
(Lc 12,13-21)
Hôm nay, nếu chúng ta không nhắm mắt bịt tai, thì sự thẳng thắn và rõ ràng của Tin Mừng sẽ đánh thức chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Vậy sự sống của con người đến từ đâu?
Chúng ta biết rất rõ sự sống của Chúa Giêsu đến từ đâu, vì chính Người đã nói với chúng ta: “Như Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho Người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (Ga 5,26). Tất cả chúng ta đều biết rằng sự sống của Chúa Giêsu không chỉ đến từ Chúa Cha, mà còn hệ tại ở việc tuân theo ý muốn của Chúa Cha, vì ý muốn của Chúa Cha là lương thực cho Chúa Giêsu, và điều đó có nghĩa là thực hiện công trình cứu độ nhân loại bằng việc hiến dâng mạng sống của Người vì bạn hữu, đó cũng là dấu chỉ lớn lao nhất của tình yêu. Do đó, sự sống của Chúa Giêsu là hoàn toàn được lãnh nhận từ Chúa Cha và cũng hoàn toàn trao nộp cho Chúa Cha, và qua tình yêu dành cho Chúa Cha, Người cũng trao ban cho tất cả nhân loại. Vậy làm sao sự sống của con người tự nó có thể đủ đầy được? Làm sao có thể phủ nhận rằng sự sống của chúng ta là một tặng phẩm mà chúng ta đã được nhận lãnh. Chính vì vậy, ít nhất, chúng ta phải biết ơn về điều đó? Thánh Giêrônimô đã nói: “Không ai có thể tự cho mình là chủ của sự sống của mình”.
Theo lý luận này, câu hỏi tiếp theo đặt ra cho chúng ta là: Làm sao sự sống của chúng ta có thể có ý nghĩa nếu nó chỉ là một cuộc sống quanh quẩn với chính mình và làm sao sự sống đó được thoả mãn khi nói rằng: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,19). Nếu sự sống của Chúa Giêsu là một tặng phẩm được lãnh nhận và luôn được trao ban với tình yêu, thì sự sống của chúng ta - vốn không thể phủ nhận rằng chúng ta cũng đã được nhận lãnh - cũng phải theo gương sự sống của Chúa Giêsu, để trở thành một quà tặng dâng trọn vẹn lên Thiên Chúa và cho tha nhân, vì “ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất” (Ga 12,25).