Thứ Tư tuần VI TN
Mc 8,22-26
Đôi mắt là cơ quan có cấu tạo cực kì phức tạp, và rất quan trọng của đời người! Nếu ví mắt là một công ty thì nó có tới hai triệu nhân viên làm việc (các bộ phận chi tiết của mắt). Quá khủng phải không? “Mắt” có thể xử lý 36000 thông tin liên tục mỗi giờ, và 85% những gì ta biết được là nhờ mắt. Theo tính toán của các nhà khoa học thì một người trung bình sẽ tiếp nhận hơn 24 triệu hình ảnh trong đời. Tuy nhiên, những hình ảnh mà mắt tiếp nhận sạch hay tội, thì tùy ánh mắt chúng ta thu nhận. Mù có thể nói là một bệnh nan y về mắt, là một tình trạng hết sức khốn khổ cho những ai ở trong cảnh đó, biết bao nhiêu người mù trên thế giới nếu được hỏi: “ước mơ lớn nhất của bạn là gì? Có lẽ hầu hết sẽ có ước mơ mong được thấy”. Trong phạm vi bài viết, người viết không có tham vọng bàn về chuyên môn y khoa. Bệnh về mắt ở đây là đôi mắt không lành mạnh có sự nguy hại cho tâm hồn, là nhìn sự vật cách lệch lạc, không đàng hoàng: nhìn nhị nguyên, nhìn để chiếm hữu dẫn đến tội lỗi.
Khởi đi từ Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chữa mắt cho một người mù được khỏi hẳn, và mang lại niềm hy vọng lớn lao cho tất cả chúng ta nếu được bàn tay Thiên Chúa chạm đến, chúng ta sẽ được khỏi hẳn cả phần hồn và xác. Hiển nhiên, không ai là người muốn bị bệnh tật; tuy nhiên trong cuộc sống có thể chúng ta đang trong tình trạng mắc bệnh về mắt khi chúng ta luôn có ánh nhìn mê lầm, tội lỗi.
Trước hết, chúng ta có thể có đôi mắt không khỏe mạnh khi vướng vào cái nhìn nhị nguyên. Trở lại thời Cựu Ước, khi Thiên Chúa tạo dựng đất trời, mỗi khi hoàn thành một ngày của công trình tạo dựng, Thiên Chúa đều thấy mọi sự tốt đẹp (x. St 1,1-2,2). Thiên Chúa luôn nhìn mọi sự theo đúng sự vật chúng là, và Người nhìn con người trong sự toàn diện. Tuy nhiên, mỗi khi chúng ta nhìn một người để đem lòng ước ao thèm muốn thì chúng ta mới dừng lại ở cái nhìn thân xác mà thiếu đi cái nhìn tâm hồn nơi họ (nhị nguyên). Chính Đức Giê-su đã cảnh báo: “Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Có một tác giả kể câu chuyện như sau:
Có một cô lái đò đưa khách qua sông. Đò cập bến cô lái đò thu tiền từng người. Sau hết đến nhà sư. Cô lái đò đòi tiền gấp đôi.
Nhà Sư ngạc nhiên hỏi vì sao?
Cô mỉm cười:
– Vì Thầy nhìn em…
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đò đòi tiền gấp ba.
Nhà sư hỏi vì sao?
Cô cười bảo:
– Lần nầy Thầy nhìn em dưới nước.
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Lần khác nhà sư lại qua sông.
Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần.
Nhà sư hỏi vì sao?
Cô đáp:
– Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.
Nhà sư trả tiền và lên bờ.
Thật vậy, khi chúng ta rơi vào cái nhìn nhị nguyên, thì dễ dẫn đến việc phạm tội. Dẫu biết đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhưng khi cửa sổ đó mở ra nếu không có cái nhìn tổng thể lành mạnh thì dễ dẫn ta tới một tâm hồn không trong sáng và dẫn đến tội lỗi. Chúng ta hãy lắng nghe và ghi nhớ lời Đức Giê-su phán dạy: “Đèn của thân thể là con mắt. Khi mắt anh sáng, thì toàn thân anh cũng sáng” (Lc 11,34).
Bệnh cạnh đó, chúng ta còn có thể mắc căn bệnh khác về mắt là nhìn để chiếm hữu những điều vốn không thuộc về mình. Khi xưa, vua Đavít là một vị vua rất nổi tiếng và được biết đến là người đẹp lòng Thiên Chúa, nên đã được Thiên Chúa tuyển chọn để xức dầu phong vương. Nhưng rồi, ông đã mất đi tất cả sự tốt lành khởi đi từ đôi mắt. Ông ngày ngày đi dạo trên thành và nhìn thấy bà Bátsabê đang tắm, ông đem lòng thèm muốn, và có được bà, ông đã cho người đi dò hỏi về bà và rước bà vào cung với mình và đã phạm tội. Dù đã có nhiều thê thiếp, nhưng vua lại chiếm đoạt bà Bátsabê là vợ của Uria và sau đó lại mượn tay quân thù giết chết chồng bà để chính thức cưới lấy Bátsabê làm vợ. Thế là vua đã phạm hai tội ác tày đình: ngoại tình và giết người. Vậy mà vua vẫn ung dung như không có gì xảy ra. Chúng ta cũng vẫn còn nhớ câu chuyện của Nguyên Tổ trong sách Sáng Thế, bên cạnh bị con rắn lừa dối, xúi dục thì người phụ nữ đầu tiên ấy nhìn quả trái cấm thì đẹp, ăn thì ngon và bà đã ăn để được sáng mắt và được bằng Thiên Chúa (x. St 3,4-7).
Dẫu biết, không phải ai cũng sẽ rơi vào tình trạng căn bệnh ấy. Có những người đã để Thiên Chúa cứu chữa mình bằng cách dám hy sinh thậm chí cả đôi mắt với ước mong dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, để nhờ đó người khác được sáng đôi mắt và nhìn thấy sự cao quý của một tâm hồn thanh khiết. Trong cuốn sách “Những người lữ hành trên đường hy vọng”, Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận kể câu chuyện “Đôi mắt xanh của chị Nữ Tu” thật cảm động.
Trên khắp các nước, thế chiến đã bùng nổ. Quân phát xít chiếm cứ khắp nơi. Một viên tướng Phát xít đến một nhà dòng kia, yêu cầu kêu Mẹ Bề trên cho ông ta gặp… Khi vừa dốc cạn ly nước từ tay Mẹ Bề trên, viên tướng Phát xít lập tức vào đề:
– Xin bà cho tôi gặp chị Maria. Bà Bề trên bấm chuông gọi chị ấy ra. Ông tướng vui vẻ hẳn lên và nói cách sổ sàng: “Tôi yêu cầu bà trao ngay cho tôi chị này, tôi say mê chị”.
Hai mẹ con nhìn nhau lúng túng. Chị Maria vội đỡ lời: “Tôi là một nữ tu tầm thường, nào có gì để ông say mê. Xin ông tìm ở ngoài thế gian, lắm người nhan sắc lộng lẫy…”.
– Không! Không! Tôi yêu chị vì chị có đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Tôi say mê quá!
– Không! Xin lỗi ông, không bao giờ tôi chấp nhận điều ấy.
– Nếu chị không chấp nhận, nội ngày mai, tôi sẽ ra lệnh tiêu diệt cả Nhà Dòng này!
Một bầu khí thinh lặng ghê rợn ập xuống phòng khách. Ông tướng đứng lên và bảo: “Tôi cho một đêm suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại. Phải trả lời dứt khoát, nếu không tôi sẽ…”.
Ngày hôm ấy, cả Nhà Dòng thiết tha cầu nguyệt sốt sắng hơn. Thâu đêm chị không thể nào chợp mắt: “Chẳng lẽ vì mình mà cả nhà phải bị tiêu diệt? Không, không thể được! hay tôi phải bỏ Nhà Dòng, bỏ Tình yêu Chúa Kitô, bỏ đức trinh khiết? Không, không bao giờ như thế!”.
Sáng hôm sau, khi chị em còn nguyện kinh, ông tướng Phát xít đã có mặt ở phòng khách, đôi mắt hau háu, nôn nóng, sốt ruột. Từ đầu hành lang, Chị Maria đang tiến lại, nhưng… bên cạnh lại có một người khác dẫn đi, tay chị cầm một cái dĩa. Viên tướng há hốc mồm, trố mắt kinh ngạc. Chị đã bước vào phòng khách, nhưng ông vẫn không ngớt ngẩn ngơ. Chị Maria khuôn mặt đầy máu me, đang sờ soạt đặt cái dĩa trên mặt bàn và nhỏ nhẹ trình bày: “Thưa ông, vì ông say mê cặp mắt của tôi… nên tôi xin sẵn sàng biếu ông cặp mắt ấy… trên dĩa này. Còn thân xác tôi, đời tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa”. Viên tướng Phát xít vừa bàng hoàng kinh ngạc vừa cảm phục. Ông xấu hổ đứng dậy bỏ ra về và không đá động gì đến Nhà Dòng nữa (trang 175-177).
Thiết nghĩ, qua việc Đức Giê-su chữa anh mù được sáng mắt hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại mình để cầu xin bàn tay của Người động chạm tới con mắt có thể đang bị bệnh tật cách nào đó của mỗi chúng ta, để từ cái nhìn khả giác vốn làm người ta chỉ thấy mọi sự cách lờ mờ, sai lạc và khiếm diện, thậm chí tội lỗi thấy được sự thật toàn diện để có cái nhìn trong sáng, thánh thiện. Bởi khi chúng ta có cái nhìn lệch lạc là biểu lộ cái nhìn thiếu Thiên Chúa nơi người khác, một cái nhìn thiếu đức tin dẫn tới nhìn đời và nhìn người đầy giả dối, tiêu cực và tội lỗi. Chỉ có bàn tay Chúa động chạm tới, ta mới được lành mạnh và khỏi hẳn.