Tình thương khơi nguồn hy vọng

Thứ bảy - 12/07/2025 02:30  178

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37
 
chadangcn15cNgười đời có câu: “Ách giữa đàng chớ quàng vào cổ”! Những thầy tư tế và Lê vi đã rất “khôn khéo” khi “tránh qua một bên” khi gặp người bị nạn “nửa sống nửa chết” ven đường. Làm như thế, vừa giữ luật “thanh sạch”, vừa tránh được bao nhiêu rắc rối, nguy hiểm dọc đường! Ai mà biết được đàng sau một người bị cướp lột sạch và bầm giập ấy là những cạm bẫy hay rắc rối nào…

Tuy nhiên, một anh hùng đời thường đã xuất hiện. Anh không phải là người đức cao trọng vọng, trí thức cao sang, nhưng anh có một tấm lòng vàng, có trái tim nhân hậu, biết rung cảm trước nỗi đau của tha nhân, biết nhạy cảm trước nhu cầu của họ, biết can đảm hành động theo sự thúc đẩy của trái tim. Đó là sứ điệp tuyệt vời của dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã dùng để cắt nghĩa luật yêu thương, luật đem đến sự sống đời đời cho con người. Đó là dấu chỉ của tình yêu và lòng thương xót, khơi nguồn hy vọng cho nhân loại hôm nay.

Nửa sống nửa chết

Trong Tin Mừng nói đến tình trạng một nạn nhân bị cướp lột sạch, nửa sống nửa chết, bị bầm giập và bị bỏ rơi bên vệ đường. Đó là tình trạng của một người bị tước đoạt tất cả: tài sản, sức khỏe và phẩm giá. Anh bị nhiều người xa tránh và lướt qua. Anh có thể phải đối diện với cái chết nếu không được ai săn sóc và cứu chữa.

Đó là hình ảnh của một nhân loại sống trong thất vọng, không còn gì để bám víu, thoi thóp và kiệt quệ. Chúng ta có thể thấy hình ảnh đó nơi rất nhiều con người thời nay phải đối diện với suy thoái kinh tế (hậu Covid-19), sa sút về sức khỏe, chịu ảnh hưởng của chiến tranh, của bạo lực, khủng hoảng hôn nhân gia đình, khủng hoảng giá trị, băng hoại môi trường, xã hội… Nhiều người thời nay rơi vào cảnh chán nản, hồ nghi, bi quan, tuyệt vọng vì họ thấy tương lai quá mong manh, bất ổn và xám xịt[1].

Người Samari tốt lành

Giữa tình cảnh u ám ấy, một hình tượng lung linh xuất hiện. Chỉ là một người Samari đi đường, nhưng lại có một cách cư xử tưởng không phi thường mà phi thường không tưởng. Anh ta đã thực hiện những bước phi thường trong yêu thương:
  • Tới chỗ nạn nhân, lại gần, khác với thái độ “tránh qua bên kia mà đi” của thầy tư tế và thầy Lê vi!
  • Động lòng thương: diễn tả một sự thấu cảm sâu sắc: quặn lòng trước nỗi đau của tha nhân;
  • Lấy dầu lấy rượu xức vết thương: tẩy rửa và phục sức cho nạn nhân. Thầy thuốc giỏi không chỉ chữa bệnh mà còn phục dưỡng sức khỏe cho bệnh nhân.
  • Đặt trên lưng lừa, đưa về quán trọ: một sự quan tâm chăm sóc không ngại phiền hà và tốn kém, diễn tả một tình yêu hy sinh phục vụ quên mình.
Thật sự là hình ảnh của một người hùng giữa đời thường. Anh đã ra khỏi “vùng an toàn” để quên mình và liều mình chăm sóc cho người anh em nạn nhân.

Hãy đi và làm như vậy

Chúa Giêsu mời gọi nhà thông luật và mỗi chúng ta hãy noi theo tấm gương của người Samari nhân hậu. Một số giáo phụ nhìn nơi nhân vật này hình ảnh của Chúa Giêsu nhân lành[2]. Ngài đã không vô cảm trước cảnh giãy chết của loài người, thân hành cúi xuống, gánh lấy thân phận con người, băng bó và chữa lành những thương tích của loài người do tội lỗi gây nên, đưa họ vào “quán trọ” Hội Thánh để tiếp tục được săn sóc, chữa lành và phục dưỡng…

Chúng ta được mời gọi để họa lại hình ảnh Thầy Nhân Lành, với một trái tim nhạy bén và biết chạnh thương trước đau khổ của tha nhân, biết “lại gần” và có những hành động cụ thể để ủi an, băng bó, chữa lành và phục hồi. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi có một con tim thao thức trước một nhân loại còn đang “nửa sống nửa chết” vì bị sự ác quật ngã và cướp bóc, một nhân loại cần được đón nhận Tin Mừng, cần được chữa lành, cần được chăm sóc, cần được cứu độ.

*****

Như vậy, Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta lan tỏa hy vọng qua việc sống đức bác ái Kitô giáo. Chúng ta được mời gọi ra khỏi căn bệnh thờ ơ, vô cảm đang bùng phát thời nay để sống tình yêu thương, liên đới, quan tâm, chia sẻ với mọi người. Thực thi lòng thương xót với tha nhân giúp chúng ta cảm nhận sâu xa hơn lòng thương xót của Chúa, cội nguồn và nền tảng của niềm hy vọng Kitô giáo, và đồng thời, giúp chúng ta chu toàn sứ mạng nhem nhóm, lan tỏa hy vọng qua hành động thương xót: yêu thương, tha thứ, chia sẻ, an ủi, khích lệ, giúp đỡ…

Trong bài tóm tắt của Vatican News Tiếng Việt về Thông Điệp Fratelli Tutti có viết: “Trước nhiều bóng tối […], Thông Điệp đối lại bằng một tấm gương sáng ngời, đem lại niềm hy vọng, đó là tấm gương của người Samari Nhân Hậu”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, trong một xã hội băng hoại đang quay lưng lại với khổ đau và hoàn toàn ‘mù tịt’ với việc chăm lo cho người đau yếu và dễ bị tổn thương (FT 64-65), tất cả chúng ta được mời gọi – như người Samari Nhân Hậu – trở thành người thân cận với tha nhân (FT 81), bằng việc vượt qua những thành kiến, tư lợi, những rào cản lịch sử và văn hoá. Thật vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội biết đón nhận, hội nhập và nâng đỡ những ai quỵ ngã và đau khổ (FT 77)”[3].

Nguyện xin Chúa đổ tràn tình yêu và lòng thương xót của Ngài xuống trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta mở lòng ra với anh em và trở thành “người thân cận” của mọi người.

[1] x. Spes non confundit, số 2.
[2] x. Nhóm  CGKPV, Bài 132: Những hình ảnh biểu tượng trong dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành, https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=612
[3] Trích theo Lm. Anrê Đoàn Văn Điểm, “Dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Thông điệp Fratelli tutti”, WHĐ: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/du-ngon-nguoi-samari-nhan-hau-trong-thong-diep-fratelli-tutti--46616

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm90
  • Hôm nay18,917
  • Tháng hiện tại324,663
  • Tổng lượt truy cập90,253,230
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây