Gieo niềm hy vọng

Thứ bảy - 05/07/2025 05:20  190

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20
 
chadangt14cHội Thánh lữ hành tự bản chất mang tính thừa sai (x. AG 2). Vì thế, mỗi Kitô hữu là một nhà thừa sai, có căn tính thừa sai và có trách nhiệm thi hành sứ mệnh. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mở rộng tầm nhìn truyền giáo cho chúng ta khi hướng chúng ta tới cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát và nêu gương cộng tác truyền giáo của 72 môn đệ.

Tuy nhiên, để thi hành sứ mệnh truyền giáo, chúng ta cũng có nhiều nẻo đường khác nhau. Năm Thánh 2025 nhắc chúng ta tới nẻo đường lan tỏa hy vọng, nhất là qua việc nhen nhóm niềm hy vọng cho những người đang buồn chán hoang mang và ướp men hy vọng cho thế giới.

Lúa chín đầy đồng

Sứ mạng truyền giáo được ví như một cánh đồng bao la đã chín. Đó là hình ảnh của một công trình rất lớn lao và cấp bách. Nhìn vào thế giới hôm nay với hơn 8 tỷ người, trong đó Công Giáo mới có 1,4 tỷ người, khoảng 17,7%. Tại Á Châu thì còn khiêm tốn hơn, với khoảng 3% dân số là Công Giáo. Tại Việt Nam, dân số khoảng 101 triệu dân, cũng chỉ khoảng gần 7% Công Giáo. Chúng ta chưa kể đến hàng triệu người do hoàn cảnh di dân, hôn nhân khác đạo… đã rơi vào tình trạng khô khan hoặc thậm chí bỏ đạo.

Xem như thế, cánh đồng truyền giáo không những vẫn còn rộng lớn và cấp bách, nhưng lại càng ngày càng nới rộng và phức tạp thêm. Chính vì thế, không những nói như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng “chúng ta không thể ngồi yên khi có hàng tỷ người vẫn chưa biết Chúa Giêsu và tin vào Ngài”, mà hơn nữa, chúng ta phải lặp lại như Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô: chúng ta không thể kéo dài mãi tình trạng như hiện nay, cần phải làm một cuộc “hoán cải mục vụ”, chuyển đổi từ mục vụ theo lối bảo tồn sang mục vụ lên đường loan báo Tin Mừng.

Chỉ định 70/72 môn đệ

Con số 70 hoặc 72 tượng trưng cho tất cả các dân tộc trên thế giới, khi gợi nhớ lại con số 70/72 các dân trên mặt đất (x. St 10,2-31) và con số các kỳ mục của dân ngoại đã được kêu gọi để cộng tác với ông Môsê (x. Ds 11,16-17). Như thế, con số này nói lên tính toàn diện và phổ quát mà sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh nhắm đến. Đồng thời, con số này cũng nhắc nhớ chúng ta về trách nhiệm của mọi tín hữu trong việc cộng tác và thi hành sứ mạng của Hội Thánh. Sứ mạng này không chỉ dành riêng cho Nhóm Mười Hai mà còn cho Nhóm Bảy Mươi (Bảy Hai), không chỉ dừng lại ở các vị giám mục, linh mục hay tu sĩ thừa sai chuyên nghiệp mà còn bao quát cho mọi tín hữu.

Trong thực tế, chúng ta thấy các tín hữu hầu như không ý thức trách nhiệm truyền giáo của mình nên không cộng tác hoặc cộng tác hời hợt. Rất hiếm cá nhân hay gia đình nào dám lên đường truyền giáo hoặc thường xuyên ủng hộ cho việc truyền giáo. Cũng rất hiếm người tín hữu chủ động bắt chuyện để giới thiệu Chúa cho người khác. Các hội đoàn và cơ cấu của Giáo Hội nhìn chung thiên về phụng tự và sinh hoạt, ít có tính bác ái và truyền giáo. Đó là một điều thiếu sót lớn về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn của chúng ta.

Gieo bình an, hy vọng

Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ và mỗi chúng ta những điều quan trọng trong quá trình thực thi sứ mạng truyền giáo: gieo bình an.

Trước hết, chính nhà truyền giáo phải có bình an và hy vọng. Ngài được mời gọi hãy tin tưởng cậy trông vào Chúa quan phòng, đừng cồng kềnh tham lam, nhưng siêu thoát và giản dị, chân thành và phó thác. Thanh thoát về tiền của, thanh khiết về tình cảm, thanh thản trước thách đố, thanh bần trong cách sống, thanh thỏa trong tâm hồn…

Thứ đến, các nhà truyền giáo cần tạo ra bầu khí bình an và hy vọng: yêu thương hài hòa với nhau, cộng tác và đồng trách nhiệm trong Hội Thánh, gần gũi, thân thiện và chân thành. Chính vì thế, Chúa sai các ông đi “từng hai người một”. Truyền giáo không phải là sân đua của cá nhân mà là “sân chơi tập thể”. Mọi người đều được mời gọi góp phần mình và cộng tác với người khác để lo cho sứ mạng chung của Hội Thánh.

Rao giảng Tin Mừng, truyền giáo, cốt lõi là loan tin mừng bình an và hy vọng cho muôn dân. Nói cho họ biết: “Đức Chúa sẽ tuôn đổ ơn thái bình tựa dòng sông Cả… sẽ an ủi dân Chúa như mẹ hiền an ủi con thơ” (x. Bài đọc I: Is 66, 12-14). Nói cho họ biết rằng nhờ thập giá Chúa Giêsu Kitô, họ sẽ được trở nên một thụ tạo mới, sẽ được hưởng bình an và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa (x. Bài đọc II, Gl 6,14-18).

*****

Như vậy, Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta chân trời bao la của sứ vụ và mời gọi chúng ta hãy trở thành những môn đệ truyền giáo cho thế giới hôm nay. Sứ mạng truyền giáo rất cấp bách và rộng lớn, vì thế, cần đến sự cộng tác của mọi Kitô hữu, không phân biệt tuổi tác, bậc sống, khả năng…

Lối sống hiệp hành mà Giáo Hội đang kêu gọi cũng hướng tới một Hội Thánh trong đó mọi thành phần dân Chúa hiệp thông với nhau và cùng nhau loan báo Tin Mừng. Lối sống ấy mời gọi chúng ta ra khỏi não trạng nặng tính cơ cấu để hướng tới một tâm thức linh hoạt của Thần Khí. Mỗi thành viên hãy ý thức phẩm giá, ơn gọi của mình và tham gia tích cực vào đời sống Giáo Hội.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng ta và giúp chúng ta trở thành những nhà loan báo Tin Mừng nhiệt huyết, dấn thân và hiệu quả trong thời đại hôm nay.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm132
  • Hôm nay25,465
  • Tháng hiện tại151,522
  • Tổng lượt truy cập90,080,089
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây