Chúa Nhật XIV Thường Niên C
Lc 10,1-24
1Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2Người bảo các ông :
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : “Bình an cho nhà này !” 6Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’ 11Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói : ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên, các ông phải biết điều này : Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.’ 12Thầy nói cho anh em hay : trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”
17Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói : “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” 18Đức Giê-su bảo các ông : “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. 19Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. 20Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”
Lu-ca 10,1-24 (mà bài đọc phụng vụ hôm nay đã lược bớt các câu 13-16 và 21-24) là một tổng thể rất phong phú, mang tên “Chuyến truyền giáo của Nhóm Bảy Hai”. Nó vừa đặt nền tảng cho sứ vụ của nhiều môn đệ nơi các vùng lương dân vừa là một chỉ đạo cho thái độ của các nhà truyền giáo. Đấy là một bức song bình : việc sai Nhóm Bảy Hai đi truyền giáo (cc. 1-16) và việc họ đi truyền giáo trở về (cc. 17-24). Ngoại trừ khẳng định vắn gọn nơi c. 17b, sứ vụ của họ không được kể lại chi tiết ; vì đó sẽ là chính nội dung trong tập thứ hai của cùng tác giả, Công vụ Tông đồ.
1- 72 môn đệ được sai đi truyền giáo.
Ngoài tính chất sang sảng, diễn từ của Đức Giê-su (từ câu 2 trở đi) rõ ràng sóng đôi với diễn từ ngỏ với Nhóm Mười Hai trước đấy (9,3-5). Như thế, đó là hai cuộc sai đi truyền giáo tạm thời của hai nhóm có số lượng khác nhau mà Lu-ca kể lại suốt sứ vụ của Đức Giê-su, đang khi Mát-thêu và Mác-cô chỉ kể có một (sứ vụ của Nhóm Tông đồ).
“Bảy mươi hai môn đệ khác” này chẳng phải là những kẻ báo hiệu như mấy sứ giả ở 9,52, song đúng là những đại diện toàn quyền mà, tựa Nhóm Mười Hai, có uy lực trên các thần dữ và công bố Triều đại Thiên Chúa đến gần. Thánh sử Lu-ca như thế khẳng định rằng sứ mệnh của Nhóm Mười Hai chẳng phải là sứ mệnh duy nhất bám rễ trong các chỉ thị của Đức Giê-su trước cuộc Vượt Qua. Và khi Đấng Phục sinh hiện ra, thì Nhóm Mười Một và các bạn hữu của họ đều được Người ban những chỉ thị truyền giáo của mình (24,33-36). Thành thử Lu-ca rõ ràng muốn cho thấy sứ mệnh truyền giáo là chung cho toàn thể Giáo hội, chứ không chỉ của một vài nhân vật, hay của hàng giáo phẩm. Con số bảy mươi hai cũng nằm trong ý nghĩa đó : nó diễn tả tầm mức rộng rãi của nhóm thừa sai mà trong Giáo hội luôn dựa trên Đức Giê-su, dù đó là Phi-líp-phê, Phao-lô trong Công vụ, hoặc là chính Lu-ca ! Con số ấy cũng ám chỉ St 10,2-31 là đoạn văn giới thiệu, qua bản Bảy mươi (Septante), danh sách 72 dân tộc trên khắp địa cầu. Những Ki-tô hữu phát xuất từ các vùng lương dân được phúc âm hóa đều có cùng những danh nghĩa, nếu xét về sứ mệnh, y như Nhóm Mười Hai vốn đã theo Đức Giê-su suốt cuộc sống trần thế của Người.
Thành ra với tư cách Chúa Phục sinh , chủ tể các sứ vụ trong Giáo hội, mà Đức Giê-su đã sai họ đi từng hai người một. Con số này chẳng có tình cờ, vì phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng trong trường hợp tranh tụng (Đnl 19,15), một giả thuyết được dự kiến nơi cc. 10-11. Trong Công vụ, Lu-ca sẽ làm sáng tỏ công cuộc truyền giáo của các “cặp” như Phao-lô và Ba-na-ba (13,2-4), Ba-na-ba và Mác-cô, Phao-lô và Xi-la (15,39-40). Ba mươi sáu “cặp” này, Đức Giê-su sai vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến ; điều này chẳng gợi ý việc Chúa phục sinh sẽ tới vào lúc tận cùng thời gian sao?
Diễn từ khởi sự bằng cách cho các thừa sai cuốn sổ những trách vụ (cc. 1-11). Việc đầu tiên là… cầu nguyện (c. 2) ! Theo truyền thống, mùa gặt là một ẩn dụ về cuộc Phán xét chung, và các thợ gặt tượng trưng Thiên Chúa lẫn các thiên sứ của Người (Is 27,12; Kh 14,14-20; x. Lc 3,17). Thế nhưng ở đây, mùa gặt diễn tả việc truyền giáo và chính các môn đệ thu hoạch. Y như ẩn dụ đánh cá (5,10), mùa gặt nói lên việc tập hợp cộng đoàn vào thời cánh chung vốn đã khởi sự. Trước sự chênh lệch giữa nhiệm vụ phải hoàn tất và việc thiếu thừa sai trong Giáo hội, chỉ có một chuyện phải làm là lấy đức tin hướng về Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể giải quyết vấn đề. Nếu không phải là chủ mùa gặt, Đức Giê-su vẫn xuất hiện như đốc công sai phái (c. 3) và tức khắc tiên báo sự thù nghịch đang chờ đợi đàn chiên của Người -một chủ đề lặp đi lặp lại trong diễn từ. Như với Nhóm Mười Hai (9,3), Người yêu cầu Nhóm Bảy Hai phó thác cho sự Quan phòng và -dữ kiện mới- phải vội vã đến độ đừng chào hỏi khách qua đường (c. 4) ; đấy từng là chỉ thị Ê-li-sa đã ra cho đầy tớ mình (2V 4,29). Thay vì ngỏ lời với các cá nhân gặp được, phải đến với các gia đình và các thành thị.
Ở đây, quy tắc xác định các sứ giả phải đáp ứng thế nào trước việc tiếp đón hay khước từ họ (cc. 5-12). Hơn cả một lời chào hay một lời chúc, sự bình an -yên ổn, thoải mái tinh thần, tắt một lời là ơn cứu độ, x. 2,14- là một ân huệ thần linh họ mang đến nơi ở mà họ đi vào (cc. 5-7). Ai là con cái của bình an (đáng hưởng bình an), nghĩa là mở lòng đón nhận Tin Mừng Nước Trời và ơn cứu độ, thì sẽ lãnh được nó thực sự. Như nơi chương 9 câu 4, phải ở lại trong ngôi nhà đầu tiên đón tiếp mình. Đón tiếp, dọn cho ăn hiển nhiên là một sự trả công, đáp lại những ân huệ thiêng liêng do vị thừa sai mang tới (sứ đồ Phao-lô biết tới truyền thống này, 1Cr 9,14-18). Và ăn những gì họ dọn cũng là dấu chỉ cho thấy vị thừa sai được giải thoát khỏi mọi bó buộc của luật Mô-sê về các thức ăn nhơ và sạch. Khi mở rộng chỉ thị này đến các bữa ăn dùng trong bất cứ thành thị nào, đó cũng là phá hàng rào cấm người Do-thái đồng bàn với những kẻ không cắt bì, những kẻ bị coi là nhơ bẩn. Sứ giả có thể ăn tất cả mọi thứ, với bất cứ ai, chẳng cần băn khoăn tới những quy định của Lề luật.
Từ các gia đình, diễn từ đi sang các thành thị (cc. 8-12). Như Nhóm Mười Hai (9,2), các tân thừa sai phải chữa những người đau yếu và loan báoTriều Đại Thiên Chúa trong các thành đón tiếp họ. Nét độc đáo nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên, Đức Giê-su hai lần chỉ rõ Triều đại ấy đã đến gần (cc. 9.11) ; Người sẽ giải thích nơi 11,20 sự đến gần đó hệ tại điều gì. Trong những thành không tiếp đón, chẳng có việc chữa lành, nhưng chỉ có cử chỉ công khai và tượng trưng là giũ bụi khỏi chân sứ giả (như nơi 9,5) ; trong cả hai trường hợp, Triều đại TC được loan báo như đến gần, nhưng chỉ thực sự gần với những thành tiếp đón (c. 9). Với c.12, việc một thành từ chối đón tiếp các sứ giả mang lại nhiều hậu quả còn trầm trọng hơn trường hợp một ngôi nhà vốn chỉ thấy mình mất bình an. Lời cảnh cáo của Đức Giê-su có thể gây kinh ngạc, nhưng có cùng giọng điệu như những lời các ngôn sứ đi trước Người đã ngỏ : sự điêu tàn của Xơ-đôm, thành phố bị nguyền rủa nhất hạng (St 19; x. Ac 4,6) chẳng sánh được với những gì đang chờ đợi một thành không tiếp đón, vào Ngày Thiên Chúa sẽ tỏ mình cho nhân loại và sẽ xét xử. Ân huệ thần linh ban cho một thành -các sứ giả của Tin Mừng cứu độ- càng lớn bao nhiêu thì lỗi phạm từ khước nó và tai họa xác nhận việc đó càng lớn bấy nhiêu.
2- 72 môn đệ đi truyền giáo trở về.
Nếu Lu-ca đã phác họa việc truyền giáo của Nhóm Mười Hai chỉ trong một câu (9,6) rồi tạm dừng (x. 9,10), thì ở đây ông trực tiếp chuyển sang sự trở về của Nhóm Bảy Hai trong một cảnh mà ngay từ đầu, đã thuộc riêng ông (10,17-20). Các sứ giả tường thuật lại cho Chúa thành công của họ trong việc trừ quỷ (trái ngược với 9,40). Sức mạnh chữa lành mà Thiên Chúa đã ban cho Con của Người (5,17; 8,46) nay hoạt động trong họ khi họ kêu cầu danh Đức Giê-su (x. Cv 3,6).
Câu trả lời của Đức Giê-su trước hết cho thấy : đằng sau ma quỷ theo ngôn ngữ bình dân, có một quyền lực hung ác với nhiều biểu hiện đa dạng, được ngôi vị hóa ở đây dưới cái tên “Xa-tan” hay “Kẻ Thù” ; theo vũ trụ luận đương thời, quyền lực đó nằm trong các tầng trời dưới thấp -đang khi Thiên Chúa ở trên cõi trời cao (2,14). Đức Giê-su diễn tả cách tượng trưng niềm xác tín có nơi mình, dựa trên các cuộc trừ quỷ : nước của ác thần đang sụp đổ (x. 11,18). Người sẽ đưa ra lý do về việc này ở 1,20 : Nước Thiên Chúa đang ập đến và thay thế nước của Xa-tan. Từ nay, các môn đệ có thể can đảm đối đầu với các biểu hiện khác nhau của thần dữ, vì chúng đã lụy phục một quyền lực đến từ chính Đức Giê-su : để minh họa cho lời mình, Người nói tới rắn rết và bọ cạp (còn được liên kết ở 11,11-12). Theo Đnl 8,15, chúng là những nguy hiểm chí mạng đầu tiên mà dân Ít-ra-en gặp phải suốt cuộc Xuất hành. Lý do chính yếu của niềm vui nơi các đại diện của Đức Giê-su không phải tìm trong quyền năng của họ trên các mãnh lực của hỏa ngục, nhưng trong sự kiện Thiên Chúa đã ghi tên họ vào trong Sổ trường sinh : họ được hứa là sẽ thừa hưởng sự sống chẳng chấm dứt bao giờ.
Câu chuyện Tin Mừng trên đây có thể xem như hoạt động truyền giáo của các thành phần ngoài hàng giáo phẩm, hay nói cách khác là của giáo dân qua mọi thời đại. Lịch sử Giáo phận Huế cho biết sau vụ Văn Thân “bình Tây sát Tả” (1883-1886), con số tín hữu thiệt mạng ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên lên tới 12 ngàn. Vị quản hạt Bên Thủy (vùng từ bờ nam sông Hương đến chân đèo Hải Vân) lúc ấy là cha Eugène-Marie Allys (1885-1908) quyết tâm khôi phục con số tín hữu đã mất bằng việc tung ra một chiến dịch truyền giáo sâu rộng. Cộng tác với ngài, ngoài một số linh mục, còn có một giáo dân kiệt xuất là cụ thượng thư Ngô Đình Khả. Và một trong những phương pháp chủ yếu là gởi tới vùng đất lương dân những gia đình Công giáo đạo đức lẫn nhiệt tâm tông đồ. Họ trở thành sức thu hút người ngoại đạo, gieo lòng cảm mến đức tin khiến những kẻ này xin học đạo, rồi việc dạy giáo lý sẽ giao cho các linh mục phụ trách. Về sau, khi trở thành Giám mục Giáo phận, Đức Cha Allys mở rộng việc truyền giáo từ đèo Hải Vân ra tới sông Gianh, rồi cũng theo phương pháp nói trên, và những tông đồ đắc lực vẫn là những cặp vợ chồng tín hữu gương mẫu tự nguyện đi làm muối men giữa nơi xa lạ. Thành quả cuối đời vị Giám mục kiệt xuất là 37 ngàn tân tòng. Lịch sử Giáo phận Huế cũng cho biết nhiều thành viên hội Đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae) do cha Matthêô Lê Văn Thành, quản xứ Nam Tây (1954-1959) lập tại Vạn Thiện (họ nhánh) đã lôi kéo được trên 300 lương dân tại làng Lâm Lang (gần Đông Hà) theo đạo.