Cùng nhau hy vọng

Thứ bảy - 30/11/2024 02:08  385

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C

Gr 33,14-16; 1 Tx 3,12 – 4,2; Lc 21,25-28.34-36
 
chadangt1vHôm nay, chúng ta bước vào Năm Phụng Vụ mới, với chủ đề Năm Thánh 2025: “Những người hành hương của niềm hy vọng” và với định hướng: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” của Giáo hội Việt Nam.

Chúng ta có thể tổng hợp hai điểm nhấn trên thành một cụm từ “cùng nhau hy vọng”. Có hy vọng chúng ta mới cùng nhau loan báo Tin Mừng và đàng khác, lan tỏa niềm hy vọng cũng là một điểm nhấn của công cuộc Phúc Âm hóa hôm nay. Thật trùng hợp, khi khởi đầu Năm Phụng Vụ cũng bắt đầu bằng Mùa Vọng, mùa của hy vọng và đợi trông.

Niềm hy vọng ngàn đời

Niềm hy vọng cứu rỗi đã có từ ngàn đời, từ ý định yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa. Ngài muốn con người được thông chia tình yêu và sự sống với Ngài, nên đã tạo dựng con người và trao cho quyền cai quản trái đất. Tình yêu ấy mạnh đến nỗi, ngay cả khi con người phản bội, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và thi ân giáng phúc. Lời hứa cứu độ đã được ban ra sau khi con người sa ngã: “Dòng dõi người nữ sẽ đạp nát đầu mi (con rắn)!” (x. St 3,5).

Đó là niềm hy vọng sống động trong lịch sử dân thánh. Niềm hy vọng ấy được diễn tả qua môi miệng của ngôn sứ Giêrêmia như hình ảnh một “chồi non”, “chồi công chính” nảy sinh từ nhà Đaviđ. Ngài sẽ thi hành công lý, xét xử chư dân, cứu thoát dân thánh và mang lại hòa bình. Dân Chúa luôn trông đợi Đấng ấy đến. Các Kitô hữu nhìn nhận Chúa Giêsu chính là “chồi non” ấy[1], đã xuất hiện cách đây hơn hai ngàn năm lại Bêlem, thành Vua Đaviđ (Lc 1,32.69; 2,15) và sẽ lại đến trong vinh quang vào ngày sau hết.

Niềm hy vọng hôm nay

Mùa Vọng là mùa hy vọng, sống lại ký ức sống động của Dân Chúa trong niềm khát khao Chúa đến, đón nhận Chúa đến mỗi ngày và sẵn sàng cho biến cố Ngài sẽ đến trong vinh quang. Chúng ta có hy vọng, vì chúng ta tin Chúa đang hiện diện, đang đồng hành và dẫn dắt lịch sử này. Ngài ở cùng chúng ta cho đến tận thế và ơn Ngài đủ cho chúng ta (x. Mt 28,20; 2Cr 12,9).

Muốn thế, chúng ta được mời gọi để tỉnh thức và cầu nguyện, “vươn lòng lên Chúa” (Tv đáp ca), cố gắng “sống đẹp lòng Chúa” (BĐ II), xa tránh mọi thứ “chè chén say sưa và lo lắng việc đời” để thanh thoát vững vàng cho ngày và giờ Chúa đến. Chay tịnh và cầu nguyện luôn là những phương thế hữu hiệu để sống tỉnh thức và yêu thương. Nơi nào có niềm tin và tình yêu, nơi đó có hy vọng. Niềm hy vọng tràn đầy khi chúng ta có Chúa trong cuộc đời. Ngài là Đấng duy nhất có thể lấp đầy khát vọng nơi chúng ta và biến đổi chúng ta thành dấu chỉ của niềm hy vọng cho thế giới.

Cùng nhau hy vọng

Trong sắc chỉ Năm Thánh 2025 “Spes non confondit – Niềm hy vọng không thất vọng”, ĐTC. Phanxicô đã viết: Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), là Đấng mà Giáo hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người. Ngài mong ước Năm Thánh sẽ là cơ hội để mọi người cùng nhau nhóm lên niềm hy vọng qua việc tin tưởng vào tình yêu Chúa, kiên nhẫn và bền chí dấn thân, canh tân đời sống nhờ Lời Chúa, bí tích, hành hương, đồng hành, hòa giải, phục vụ…

Ngài cũng mời gọi chúng ta cùng nhau cống hiến cho thế giới những “dấu chỉ của niềm hy vọng” cho thế giới hôm nay (Spes non confondit, số 7-15):

 
  • Ân sủng: kín múc nguồn ân sủng của Chúa, cho thấy nguồn mạch cứu độ nơi Chúa;
  • Hòa bình: trở thành khí cụ bình an của Chúa;
  • Quảng đại: sẵn sàng đón nhận và sinh con;
  • Giải thoát: chăm sóc mục vụ cho tù nhân, bãi bỏ án tử hình;
  • Thương xót: chăm nom bệnh nhân, người khuyết tật, thiếu thốn;
  • Tuổi trẻ: gần gũi, chăm sóc, đồng hành và định hướng cho người trẻ;
  • Di dân: đón nhận và bảo vệ quyền lợi cho những người di tản, tị nạn;
  • Tình liên đới: trân trọng những người cao tuổi, bao bọc những người nghèo túng, bảo vệ các nạn nhân, tôn trọng môi trường thiên nhiên…

*****

Như vậy, Chúa Nhật I Mùa Vọng năm nay có một ý nghĩa đặc biệt, vì dẫn chúng ta vào một cuộc hành hương hy vọng. Chúng ta không chỉ sống lại ký ức của niềm hy vọng ngàn đời, mà còn được mời gọi “hy vọng vững vàng” nơi Chúa và lan tỏa niềm hy vọng ấy cho mọi người.

Với Vị Cha Chung, chúng ta cùng nhau sống niềm hy vọng[2]:

Ước mong Năm Thánh này cũng giúp chúng ta lấy lại niềm tin cần thiết vào Giáo hội và vào xã hội, vào các mối tương quan liên vị, vào các mối quan hệ quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mọi người và tôn trọng thiên nhiên.
Ước gì chứng tá đức tin của chúng ta trở thành men hy vọng đích thực cho thế giới, trở thành lời loan báo trời mới đất mới (x. 2 Pr 3,13), nơi chúng ta sẽ sống trong công lý và hòa hợp giữa các dân tộc, chờ ngày lời Chúa hứa nên thành tựu.[…]
Ước gì cuộc sống của chúng ta nói với họ: “Hãy trông cậy vào Chúa, hãy mạnh mẽ và can đảm; hãy trông cậy nơi Chúa” (Tv 27,14).
Ước gì sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy hiện tại của chúng ta, đang khi chúng ta tin tưởng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đáng được chúc tụng và tôn vinh, bây giờ và mãi mãi[3].
 

[1] x. Mt 1,1; 9,27; 21,9; Mc 10,47.48; Lc 1,69; 18,38.39…
[3] x. Sắc chỉ Spes non confondit, số 18-25.
 

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm87
  • Hôm nay24,990
  • Tháng hiện tại113,561
  • Tổng lượt truy cập79,345,399
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây