CN 3 MVC
Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18
Lời Chúa trong thánh lễ Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng năm C, đặc biệt qua Tin mừng, thánh sử Luca trình thuật biến cố ông Gioan Tẩy Giả gặp gỡ dân chúng. Nói theo kiểu văn vẻ, bóng bảy thì Gioan Tẩy Giả đã có một cuộc tiếp cận cử tri để lắng nghe và thấu hiểu.
Trích đoạn này như một phân cảnh trong tác phẩm điện ảnh, thánh Luca xây dựng công phu và lột tả cách chân thực các nhân vật đến từng centimet. Nội dung nhắm đến điều gì vậy? Trong phần chia sẻ này, tôi nêu lên một vài tâm tình để cộng đoàn cùng tìm hiểu, phân định và chọn lựa, thậm chí phải khắc cốt ghi tâm để đời sống đức tin của mỗi người thật sự ý nghĩa và giá trị.
Trước tiên, dường như ai cũng cho rằng Gioan Tẩy Giả là nhân vật chính bởi tâm điểm cuộc đối thoại quy hướng về ông. Tất cả các thành phần đều chạy đến với ông: từ già đến trẻ, từ vua đến quan, từ dân thường đến người quyền quý. Tuy nhiên, Gioan Tẩy Giả lại không phải là tâm điểm của niềm vui ơn cứu độ, mà nhiệm vụ then chốt của Gioan Tẩy Giả là đến để làm phép rửa sám hối cho dân mà thôi. Ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa.
Thứ đến, với dân chúng - thành phần đông đảo nhất trong xã hội ở mọi thời, mọi nơi, mọi đất nước, mọi dân tộc. Cuộc đối thoại của dân chúng với Gioan Tẩy Giả khi họ đến xin ông làm phép rửa đã dấy lên một tinh thần đáng để bận tâm và suy nghĩ: Chúng tôi phải làm gì? Họ đã nhận được câu trả lời: Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy. Gioan hướng dân chúng phải cho đi. Cho đi không phải là mất mát, nhưng là nhận lại. Song, người ta vẫn nhắc nhở nhau: cho thế nào để tương quan giữa người cho và người nhận đọng mãi niềm vui chan chứa. Thành ra trong cách cho này, Gioan Tẩy Giả thật khôn khéo. Ông định hướng dân từng bước, từng bước một cho đi. Cho đi những nhỏ nhen ích kỷ, những tham lam bất chính, những lọc lừa gian dối, những hận thù chia rẽ… khi họ đến xin chịu phép Thanh Tẩy với mong ước trở về với Thiên Chúa. Gioan đã cho và họ đã nhận. Chính Thiên Chúa cũng cho đi chính Con Một yêu quý của Người để nhân loại được sống.
Bên cạnh đó, những người thu thuế là những kẻ ăn trên ngồi chốc. Họ thường bị khinh khi, bị ghét bỏ vì cộng tác với người ngoại bang và vì những hành vi sách nhiễu của họ đối với dân chúng. Họ bị liệt vào những người tội lỗi. Bởi vậy, khi Gioan rao giảng, họ nhận ra mình cần đến ơn tha thứ của Chúa, thật lòng ăn năn sám hối và mau mắn đến với Gioan để được ông làm phép rửa. Họ nói y chang đám đông dân chúng: Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? Họ cũng nhận được lời hồi đáp: đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.
Sau cùng, binh lính thuộc tầng lớp làm công ăn lương, ba cọc ba đồng nhận thấy việc ông Gioan rao giảng quả là hấp dẫn và dễ dàng làm thay đổi cuộc đời, nên cũng xin gia nhập và chịu phép rửa. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra yêu sách: Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? Nhận thấy vấn đề rất cấp thiết nên Gioan nhấn mạnh: Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.
Như vậy, lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả không chỉ dành riêng cho một tầng lớp riêng biệt nào nhưng là mọi thành phần, mọi hạng người. Ông nại đến thái độ và hành động cụ thể cho những người tự thấy mình có tội và muốn sám hối. Ông khuyên họ làm những việc chứng tỏ cụ thể tình huynh đệ và đức công bình, mà không đòi hỏi các người thu thuế và lính tráng phải bỏ nghề trong khi nghề của họ bị coi là không mấy tốt đẹp thời bấy giờ. Với Gioan, không nghề nghiệp nào làm cho con người bị loại ra khỏi tình yêu cứu độ, nhưng phải thực thi công bình, bác ái. Vậy ngày nay: Tôi hay chúng tôi phải làm gì có còn giá trị?
Thưa, lời cật vấn ấy vẫn còn nguyên giá trị và đang vang lên trong chính thánh lễ hôm nay. Nó vang lên trong tâm tưởng mọi người bởi tính cách các nhân vật đều ẩn hiện nơi từng người. Đồng thời câu trả lời cũng là mệnh lệnh trong chính thánh lễ này, nhất là thánh lễ với phẩm phục mầu hồng mang hơi hướng của niềm vui đang tiến dần đến lễ mừng Con Thiên Chúa Giáng Sinh. Ông Gioan bảo: Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa. Rửa bằng Thánh Thần và rửa bằng lửa là thế nào?
Thánh Luca phân biệt phép rửa bằng nước của ông Gioan Tẩy Giả với phép rửa trong Thánh Thần sẽ được khai diễn vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong Thánh Thần, không phải bằng Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần không phải là dụng cụ, mà là một sự hiện diện tích cực.
Lửa tượng trưng cho tác động thanh luyện mà Thiên Chúa thực hiện trong tâm hồn. Ta có thể hiểu lời này như lời tiên báo ngày lễ Ngũ Tuần với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ. Cho nên, rửa bằng lửa chính là ám chỉ cuộc thanh luyện của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta đang sống trong năm Phụng vụ mới và là những người hành hương của hy vọng. Thành ra, nếu mỗi kitô hữu tích cực duyệt xét lại đời sống trong suốt một năm qua, nhất là trong Mùa Vọng này sẽ thấy có quá nhiều lầm lỗi và thiếu sót còn ẩn khuất trong chính cõi lòng. Nếu ai ai cũng biết chạy đến với Gioan qua vai trò của các linh mục là hiện thân của Đức Giêsu để lãnh nhận bí tích Hòa giải, xin ơn tha thứ, đấy là lúc mỗi người không những đã được rửa bằng nước, nhưng còn được rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa. Đồng thời, sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.