Niềm vui nơi cung lòng Thiên Chúa
Thứ bảy - 14/12/2024 03:05
99
Ngày Chúa Nhật III mùa Vọng được gọi là ngày Chúa Nhật Hồng, ngày Chúa Nhật của sự vui mừng. Quả thật, các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều ngân vang lời mời gọi: “Hãy vui lên!” Hãy vui lên vì ngày đại lễ Giáng Sinh sắp tới, vì Chúa sắp đến gần rồi. Chính Người sẽ đến và mang theo tất cả những gì con người đang thiếu thốn và mong đợi.
Trong Bài đọc I, ngôn sứ Xô-phô-ni-a mời gọi Giê-ru-sa-lem hãy vui lên, và ngay liền sau đó, gợi lên những người công chính thoát khỏi án phạt. Nguyên nhân sâu xa khiến Giê-ru-sa-lem hoan hỉ vui mừng chính là chắc chắn mình đã được Thiên Chúa sủng ái, đã được Thiên Chúa cứu độ, Ngài là Chủ Tể lịch sử và đang ngự giữa dân Ngài. Trong bài đọc II, Thánh Phao-lô khẩn khoản kêu mời các tín hữu Phi-líp-phê vui lên. Còn hơn cả lời khuyến dụ, lời mời gọi này là nguyên tắc căn bản trong thần học của thánh nhân. Đây là niềm vui tâm linh: “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”, là biểu thức quen thuộc của thánh Phao-lô. Còn trong bài Tin Mừng, thánh Luca cho nhiều chi tiết xác định về lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Bản văn này cũng dâng hiến một lợi ích lớn lao: thánh ký không rao giảng về những đề tài thần học khó hiểu, nhưng về đời sống.
Bản văn gồm hai phần, tương xứng với chuyển động kép của câu chuyện: phát triển sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả. Khởi đi từ giáo huấn thực tiễn đến mặc khải về Đấng Mê-si-a; đồng thời phát triển tâm lý của những ai thực tâm muốn thay đổi cuộc đời, từ việc mở lòng ra thi hành đức ái và sự công chính, cho đến việc vươn lên tìm kiếm Thiên Chúa hay ít ra vị sứ giả của Ngài.
Khi nói đến niềm vui, có thể nói rằng, niềm vui hay hạnh phúc chính là mục đích của con người sống trên trần gian vì con người được Thiên Chúa dựng nên để chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và sự sống đời đời với Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều kiếm tìm niềm vui, sự hạnh phúc, nhưng chúng ta không thể tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc đích thật ở ngoài Thiên Chúa.
Ngày nay có người đi tìm hạnh phúc trong những giây phút huy hoàng “thăng hoa” của tình yêu đôi lứa, nhưng hạnh phúc ấy vụt tắt khi họ không còn cần đến nhau nữa, khi tình yêu vỡ đôi. Có người tìm kiếm hạnh phúc nơi tiền bạc hay của cải, nhưng chúng cũng mqau như khi nó đến vậy thôi. Cũng có người tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc nơi công danh sự nghiệp, nhưng công danh sự nghiệp lại thường kèm theo nước mắt và đoạ đày.
Từ đó, ta mới thấy rằng, niềm vui hay hạnh phúc đích thật của con người không thể tìm thấy được nơi khoái lạc trần gian, nơi vật chất mau qua chóng tàn hay nơi cuộc sống danh vọng nhiều ganh đua. Niềm vui và hạnh phúc thật chỉ có được khi con người sống trong vui tươi, tin tưởng, bất chấp mọi khổ đau vì con người tin rằng Chúa Giêsu đã đến và mang lại cho chúng ta niềm vui và sự sống vĩnh cửu: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Đó mới chính là niềm vui đích thực, là niềm phấn khởi bao la của chúng ta. Niềm vui này không thể giữ cho riêng ai mà cần loan báo cho mọi người được biết.
Nhưng làm sao để chúng ta có thể nhận ra và để sống trong niềm vui và hạnh phúc lớn lao ấy? Và rồi, làm sao để chúng ta có thể loan báo một tin vui trọng đại như thế cho những người xung quanh? Thưa, muốn có và loan báo niềm vui ấyu cho người khác, chúng ta phải tập sống lời của thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài chính là gương sáng cho đời sống đức tin của mỗi người chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy thánh nhân xuất hiện một cách hết sức khiêm tốn dù rằng ngài là Vị Tiền Hô cho Chúa Cứu Thế, người đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến cứu độ gian trần. Thánh nhân phủ nhận, từ chối tất cả những gì người ta nghĩ tưởng hay gán cho ngài: Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Sống một cuộc đời đơn sơ, nghèo khó, khổ hạnh và khiêm nhường, thánh nhân chỉ muốn giới thiệu và làm chứng cho một Đấng Thiên Sai quyền năng hơn mình.
Thánh nhân thật là một gương sáng, một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Hay nói cách khác, hạnh phúc và niềm vui của Gioan là “làm chứng cho ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin và được cứu rỗi”. Đối với Gioan, trở thành đầy tớ của Thiên Chúa và giúp mỗi người trở về với Thiên Chúa chính là niềm vui và hạnh phúc thật của ngài.
Như thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở thành người loan báo niềm vui, loan báo Tin Mừng về một Thiên Chúa ẩn mình nhưng vẫn đang đến. Mỗi chúng ta được mời gọi đóng vai trò khiêm tốn, nhưng có sứ mạng cao quý là giới thiệu về Thiên Chúa đang đến. Nói cách khác, chúng ta được trao phó trách nhiệm lôi kéo thêm nhiều người gia nhập vào cộng đoàn những người tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Chân Lý và Ánh Sáng, đang khi chính chúng ta phải trở thành ngọn đèn, thành tiếng nói. Amen.
Thánh Gioan Tẩy Giả nhấn mạnh sự khác biệt giữa phép rửa của ông và phép rửa mà Đấng Thiên Sai sẽ thực hiện: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. “Lửa” này phải chăng được hiểu là lửa của Chúa Thánh Thần như các Giáo Phụ đã hiểu, hay phải hiểu lửa theo Kinh Thánh, nghĩa là lửa có chức năng vừa thanh luyện những người công chính vừa tiêu hủy quân vô đạo? Chúng ta không biết chính xác, nhưng một điều chắc chắn, đó là thánh Gioan Tẩy Giả tự nhận mình là vị Tiền Hô, không chỉ của Đấng Thiên Sai nhưng cũng của Giáo Hội. Chính Giáo Hội sẽ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên Giáo Hội như “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2, 1-4).
Khi mô tả chân dung của Đấng Thiên Sai với tư cách là một vị Thẩm Phán, Ngài sẽ tách biệt những người tốt ra khỏi những kẻ xấu, thánh Gioan Tẩy Giả định vị mình vào hàng những đại ngôn sứ, liên kết kỷ nguyên Thiên Sai và kỷ nguyên cánh chung vào trong cùng một viễn cảnh: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Giờ thu hoạch mùa màng sẽ tới, nhưng chậm hơn. Chính Đức Giê-su sẽ là vị Thẩm Phán của ngày Chung Thẩm.