Dọn đường Chúa đi

Thứ bảy - 07/12/2024 03:06  233
images 1Trong Chúa nhật II Mùa Vọng năm C, Hội Thánh tiếp tục kêu gọi các Ki-tô hữu chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến. Chúa đã đến trong lịch sử nhân loại cách đây hơn 2.000 năm tại Pa-lét-tin. Người hiện đang đến với mỗi người chúng ta. Chúng ta còn tin rằng Người sẽ đến trong vinh quang vào ngày cánh chung. Những lần Chúa đến thật bất ngờ, không ai biết trước được. Do đó, chúng ta phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa, Thánh Gio-an Tẩy Giả vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, có sứ mệnh kêu gọi dân chúng dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông dùng lời tiên tri I-sai-a khuyên bảo dân chúng sửa đổi đời sống. Ông mời gọi mọi người biểu lộ lòng sám hối ra bên ngoài, bằng những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày. Vậy chúng ta hãy thành tâm thống hối tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Cả ba tác giả Tin Mừng nhất lãm đều đã thấy ở nơi vị sứ giả này dung mạo của ông Gioan Tẩy Giả khi hiện tại hóa bản văn của I-sai-a vào trong hoàn cảnh hiện nay của mình: thay vì “Trong sa mạc, mở một con đường cho Đức Chúa”, thì lại “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa”, bởi vì Gioan Tẩy Giả thi hành sứ vụ dọn đường cho Đức Chúa ở trong hoang địa. Tuy nhiên, cách dẫn vào biến cố này nơi mỗi Tin Mừng khác nhau. Trong trình thuật Tin Mừng Thánh Lu-ca, Ngài giới thiệu sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả với lời mào đầu long trọng (3,1-2), qua đó thánh ký định vị biến cố này vào trong lịch sử thế giới khi trích dẫn hoàng đế Rô-ma. Điều này cho thấy thánh Lu-ca quan tâm đến lịch sử,[1] tuy nhiên thánh ký cũng muốn nói rằng lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả, loan báo kỷ nguyên cứu độ, liên quan đến hết mọi người. Chính cũng vì lý do này, khi viện dẫn Is 40, thánh Lu-ca tuân theo truyền thống Mc 1,3 và Mt 3, 3; tuy nhiên, thánh Lu-ca đem đến một điều mới mẻ khi trích dẫn trọn vẹn sấm ngôn của I-sai-a, vì sấm ngôn này chấm dứt với những từ: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Qua câu này, thánh Lu-ca khẳng định tính cách phổ quát của ơn cứu độ mà Is 40,6 đã loan báo, cũng như thánh Lu-ca đã nói trước ở 2,30-31: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”. “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,5-6). Đây không phải là một con đường vật chất nhưng là con đường tinh thần, con đường thiêng liêng. Mùa Vọng là thời gian để mỗi người Kitô hữu chúng ta dọn lòng, chuẩn bị tâm hồn để đón chờ Chúa đến. Như vậy là cần phải có một con đường để rồi qua lời của Thánh Gioan Tiền Hô – Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa. Chúng ta tự hỏi: Liệu rằng đã có một con đường như thế chưa, giữa chúng ta và Thiên Chúa? Và rồi con đường đó có phải là đường thẳng ngay, thông thoáng, để Chúa có thể đến với chúng ta được hay không?

Để Chúa đến, cần có một con đường. Con đường đó không gì khác hơn là cầu nguyện, là lãnh nhận các bí tích, là suy niệm Lời Chúa. Chỉ khi bước đi trên những con đường này, Chúa mới có thể đến và chúng ta mới có thể gặp Chúa cũng như kín múc được sức sống thần thiêng từ nơi Người. Bởi lẽ, nhiều khi trong đời sống đức tin của mình, chúng ta giật mình và thảng thốt nhận ra rằng, đã có những lúc vì quá bận rộn với những lo toan của cuộc sống hay chìm đắm trong lạc thú, tìm thỏa mãn những nhu cầu thế tục, quên lãng hay bỏ bê những bổn phận với Chúa và tha nhân, mà mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và cả với mọi người trở nên xa lạ, ở hai đầu cách trở. Vì thế, sống tâm tình mùa Vọng, Lời Chúa hôm nay khẩn thiết mời gọi mỗi người chúng ta hãy cố gắng vạch ra một con đường riêng để “nối bờ yêu thương”, để mà Chúa có thể đến với mình và mình có thể đến với Chúa.

Có một con đường rồi, nhưng đường đó phải là đường thẳng ngay, chứ đường lồi lõm, nhấp nhô, gồ ghề, quanh co, đầy những hố sâu… thì làm sao Chúa có thể đi đến với mỗi người chúng ta được? Thật vậy, Lời Chúa hôm nay không chỉ dừng lại ở lời mời gọi mỗi người chúng ta “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa”, nhưng bên cạnh đó, còn là “sửa lối cho thẳng để Người đi”. Nói cách khác, Chúa mời gọi chúng ta hãy dọn dẹp, hãy sửa sang lại con đường thiêng liêng ấy. Con đường mà do tội lỗi và sự yếu đuối của chúng ta đã làm nó trở nên gồ ghề, quanh co và cản trở việc Chúa đến với mỗi người.

Dọn đường có nghĩa là chúng ta hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn, lấp đầy những hố sâu của tham lam, chia rẽ, và uốn thẳng lại những quanh co của dối trá, giả hình, cũng như san bằng những gồ ghề của việc nói hành, nói xấu; là cởi bỏ một lối suy nghĩ hay đánh giá tiêu cực nào đó về cuộc sống, về tha nhân... Có như thế, chúng ta mới cởi bỏ được những ràng buộc để bản thân có thể tự do nhận ra giáo huấn của Chúa Giêsu là con đường giải thoát đích thực của mình, để nhận ra được tiếng gọi của Người giữa những thực tại xô bồ và ồn ào của cuộc sống này, để có được sự chọn lựa như Người và để đi con đường Người đã đi mà đem Tin Mừng giải thoát đến cho những người nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, những người bé mọn… Và có như thế, Chúa mới có thể ngự đến và ơn Chúa được nảy nở trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.[2]

[1] Lời mào đầu giới thiệu sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả trước quần chúng một cách long trọng trong bối cảnh lịch sử thế giới qua đế quốc Rô-ma; lịch sử trong và ngoài miền đất Pa-lét-tin qua ba tiểu vương, các con của vua Hê-rô-đê Cả; cũng như lịch sử dân thánh qua hai vị thượng tế vào thời đó.
– “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô”: Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô xem ra từ ngày 1 tháng 10 năm 27 đến ngày 30 tháng 7 năm 28. “Thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê”, tổng trấn Phi-la-tô đại diện chính quyền Rô-ma. Kể từ năm thứ sáu Công Nguyên, miền Giu-đa không còn có chính quyền bản địa nữa; vào năm này chính quyền Rô-ma đã truất quyền vua Ác-khê-lao, con và người kế vị vua Hê-rô-đê Cả, và nắm quyền trực tiếp trên miền Giu-đê, miền thường gây ra những cuộc bạo động. Như vậy miền Giu-đê có một thể chế đặc biệt. Chúng ta biết điều đó trong cuộc xét xử Đức Giê-su.
– “Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê”: Miền Ga-li-lê vẫn duy trì chính quyền bản địa do tiểu vương Hê-rô-đê, biệt hiệu An-ti-pát, con Hê-rô-đê Cả. Chính vị tiểu vương này đã giết Gioan Tẩy Giả và Đức Giê-su bị điệu đến trước ông.
– “Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít”: Tiểu vương Phi-líp-phê, cũng là con của Hê-rô-đê Cả, cai trị lãnh địa đông bắc biển hồ Ti-bê-ri-a. Ông là vị tiểu vương ôn hòa, không nhiệt thành lắm với Do thái giáo, thậm chí ưu đãi những việc thờ cúng ngoại giáo.
– “Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên”: Miền A-bi-lên là một lãnh địa nhỏ bé được định vị ở Anti-Liban, phía tây Đa-mát. Tiểu vương Ly-xa-ni-a rất ít được biết đến. Vì thế người ta có thể tự hỏi trong danh sách của thánh Lu-ca vị tiểu vương này đóng vai trò gì. Đế quốc Rô-ma cho ba người con của Hê-rô-đê Cả làm tiểu vương ba lãnh địa, hai trong đất Pa-lét-tin và một ở ngoài đất Pa-lét-tin. Thật hợp lý khi kể thêm tiêu vương Ly-xa-ni-a cho đủ số ba người con của Hê-rô-đê Cả. Nhưng lý do thật sự xem ra còn sâu xa hơn. Rõ ràng ý định của thánh Lu-ca là muốn thông tri cho đọc giả hiểu rằng “biến cố Gioan Tẩy Giả” vượt quá bên ngoài ranh giới miền đất Pa-lét-tin.
– “Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế”: Sau khi nói đến thế quyền, thánh Lu-ca đề cập đến giáo quyền: Kha-nan, vị thượng tế mãn nhiệm, và Cai-pha, người con rể, vị thượng tế đương nhiệm. Kha-nan được nêu tên, vì thế lực của ông vẫn còn ảnh hưởng rất lớn. Theo thánh Gioan, sau khi bị bắt, Đức Giê-su bị điệu trước tiên đến thượng tế Kha-nan, sau đó mới đến thượng tế Cai-pha.
Đối diện với thế quyền và giáo quyền này, thánh Lu-ca đưa vào một nhà khổ hạnh sống ẩn dật trong hoang địa, ông Gioan, con ông Da-ca-ri-a. Chính nơi nhân vật khiêm hạ này mà Lời Chúa được gởi đến.
[2] Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật II MV năm C

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay45,524
  • Tháng hiện tại807,406
  • Tổng lượt truy cập80,039,244
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây