Chúa Nhật II Mùa Vọng năm C
Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6
Càng ngày, người ta càng quan tâm đến giao thông. Khẩu hiệu “cầu, đường, trường, trạm” phần nào nói lên điều đó. Giới bất động sản cũng hay quảng cáo: “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”... Quả thực, khi giao thông thuận lợi, sự phát triển như được chắp cánh để tăng tốc. Giao thông tốt, thì giao tiếp nhanh, giao thương mạnh, giao lưu rộng, tạo nên một dòng chảy tuyệt vời về kinh tế, văn hóa, xã hội và cả tôn giáo nữa. Có đường tơ lụa, có đường cao tốc, có cả đường hành hương…
Mùa Vọng không phải là khoanh tay đứng chờ mà là xắn tay lên để mở đường. Mùa Vọng là mùa thể hiện niềm hy vọng sống động, mùa dọn đường, mở đường, để sẵn sàng đón Chúa đến. Đây là công việc cần thiết, vì con đường đón Chúa rất có thể đã bị cản trở bởi những hố sâu, đồi cao hay khúc quanh ngoằn ngoèo. Sứ điệp lời Chúa hôm nay hướng chúng ta tới sự hoán cải để sẵn sàng đón Chúa qua thực thi niềm hy vọng sống động: gỡ bỏ cản trở, dọn đường cho Chúa đến với mình và với tha nhân.
Những cản trở
Trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan liệt kê ra ba cản trở để đón Chúa: lũng sâu, núi đồi và khúc quanh.
Lũng sâu tượng trưng cho sự thiếu hụt niềm cậy trông phó thác. Cần lấp đầy tâm hồn bằng niềm hy vọng, tin tưởng và cậy trông. Thiên Chúa là Đấng trung thành với lời hứa, Ngài có thể lấp đầy mọi khát vọng của chúng ta, miễn là chúng ta biết tin tưởng và phó thác nơi Ngài.
Đồi cao tượng trưng cho những cao ngạo tự mãn. Thiên Chúa không thể đến với chúng ta nếu lòng ta đầy ứ sự kiêu căng, tham vọng, tự tôn. Thiên Chúa ưa thích những tâm hồn khiêm cung, biết mở lòng ra với Ngài và bước đi theo đường lối thánh chỉ của Ngài.
Khúc quanh co tượng trưng cho sự lệch lạc trong đường đời, bị lập trình bởi những quanh co, gian dối, ảo tưởng. Uốn cho ngay con đường là định hướng đời mình theo đường ngay nẻo chính, theo thánh ý Chúa.
Dọn sẵn con đường
Trước hết là dọn đường cho Chúa đến với mình. Bao nhiêu năm đón mừng Con Chúa giáng trần nhưng Chúa vẫn chưa chạm đến cuộc sống vì lòng chúng ta còn khép kín hoặc hững hờ. Cần mở lòng và dọn lòng cho Chúa đến trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Đó là “phép rửa sám hối” mà chúng ta được mời gọi thực hiện.
Sám hối căn bản là biến đổi tâm hồn. Bài đọc I (Br 5,1-9) dùng kiểu nói rất hình tượng: cởi bỏ áo tang khổ nhục, mặc lấy áo choàng công chính; đội lên đầu triều thiên vinh quang. Đó là tâm thế mà tác giả bài đọc II (Pl 1,4-6.8-11) gọi là “tinh tuyền không chi đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm”. Đó là một cuộc sống công chính đem lại hoa trái dồi dào…
Rao giảng, kêu gọi…
Mùa Vọng không chỉ là thời gian dọn lòng cho Chúa đến với mình mà còn là thời điểm để dọn đường cho Chúa đến với tha nhân. Đây là một nhiệm vụ hết sức cao trọng. Tin Mừng Luca đã đưa ra một khung cảnh hết sức trang trọng cho sứ vụ này: “Năm thứ mười lăm dười triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn… Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan, con ông Dacaria trong hoang địa”.
Để đáp lại, ông Gioan “đã đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Sứ mạng ấy nhắm đến một mục tiêu là “hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Đây cũng là điều mà thánh Phaolô “luôn vui mừng” và “cầu nguyện” cho các tín hữu, để họ hoàn thành sứ mạng “rao giảng Tin Mừng” cho đến ngày Chúa quang lâm.
***
Như thế, Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng hướng chúng ta đến sứ vụ dọn đường để sẵn sàng đón Chúa đến. Sứ vụ ấy rất khó khăn, vì có rất nhiều cản trở, có rất nhiều lũng sâu, núi đồi và quanh co trên con đường này. Nhưng sứ vụ ấy “rất tốt lành”, vì mang lại hoa thơm trái ngọt của ơn cứu độ. Dọn lòng cho Chúa đến với mình và dọn đường cho Chúa đến với người là sứ vụ của niềm vui Tin Mừng, mang lại ý nghĩa cho ơn gọi và đời sống Kitô hữu của chúng ta.
Nhìn vào lòng mình và nhìn ra hàng tỷ người chưa đón nhận Tin Mừng, chúng ta cũng được mời gọi lắng nghe sự thúc bách của Chúa cho một hành trình loan báo Tin Mừng mới mẻ. Ông Gioan đã không tìm kiếm sự yên thân để giam mình trong sa mạc, nhưng đã lên đường và dấn thân vào một sứ mệnh cam go: rao giảng kêu gọi người ta sám hối. Tấm gương dũng cảm của Gioan thúc đẩy chúng ta cũng ra khỏi sự an toàn của bản thân để lăn xả lao mình đến những “vùng ngoại biên” của cuộc sống hôm nay bằng lời rao giảng và bằng chứng tá cuộc sống.
Mùa Vọng như thế không phải là sự chờ đợi thụ động, an phận thủ thường, nhưng là niềm cậy trông hy vọng sống động, lên đường và dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng cho tới khi “mọi người phàm đều thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.