Dấu chỉ hy vọng

Thứ bảy - 21/12/2024 03:34  484
Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm C
Mk 5,1-4a; Hr 10,5-10; Lc 1,39-48a

chadangt4vTrong sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, Spes non confundit (Niềm hy vọng không làm thất vọng), Vị Cha Chung của Giáo Hội đã ghi nhận việc “chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ”. Từ đó, Ngài “mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng” và Ngài cũng chỉ dẫn thêm: “Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra những lý do cho niềm hy vọng ấy”[1].

Nhìn vào cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể ghi nhận rằng, đôi khi một dấu chỉ nhỏ bé cũng đủ để khơi lên niềm hy vọng tuyệt vời. Một nụ cười chẳng ví bằng mười thang thuộc bổ sao! Một cử chỉ yêu thương chân thành có thể nhóm lên ngọn lửa hy vọng lớn lao cho nhiều người đang thất vọng vì đau khổ, bệnh tật, bế tắc trong cuộc sống. Trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể khám phá ra những dấu chỉ nhỏ bé Chúa dùng để đem lại hy vọng cho thế giới!

Dấu chỉ Bêlem

Bêlem, được ngôn sứ Michea xác định là nơi Đấng Cứu Độ sẽ giáng sinh. Thiên Chúa đã chọn một dấu chỉ nhỏ bé để khơi lên niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại. Quả thực, Ngài đã không chọn một thành đô vĩ đại, mà chọn một “thành nhỏ nhất trong các thị tộc Giuđa” làm nơi xuất hiện của Vị Cứu Tinh. Thiên Chúa ưa chọn những gì nhỏ bé khiêm nhu để thực hiện những việc lớn lao cao cả. Bêlem chính là biểu trưng của tình thương ưu ái đó.

Thành này đã từng là miền đất của vua Đavít, nơi ông bị coi thường lại cũng là nơi ông được Thiên Chúa tuyển chọn và xức dầu phong vương để trở thành vua của Giuđa và của toàn thể Dân Israel. Đấng Cứu Thế, cũng xuất hiện từ dòng dõi Đavít. Việc thánh Giuse và mẹ Maria lên Bêlem kê khai hộ khẩu lại là dịp để Đấng Cứu Thế được sinh ra tại thành Bêlem như lời ngôn sứ đã báo trước, và để chứng minh lời sứ thần trong ngày truyền tin cho Đức Mẹ: “Ngài sẽ trị vị nhà Đavít và triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận”.

Chúa Giêsu, “thuộc dòng dõi vua Đavít”, từ khi giáng sinh đã “trị vì” Nhà Giacóp bằng sự “hiền lành và khiêm nhường”. Ngài là “Vua Công Chính và Thủ Lãnh hòa bình”, cai trị dân bằng sức mạnh của Chúa, sức mạnh tình yêu. Đó là niềm hy vọng lớn lao cho con người, vì một thế giới tốt đẹp hơn đang đến với họ. Thiên Chúa đang yêu thương và quan tâm họ cách đặc biệt. Ngài muốn cần đến họ như những khí cụ sắc bén cho chương trình cứu độ của Ngài. Đối với Thiên Chúa, mọi người, dù nhỏ bé đến đâu, đều có chỗ đứng quan trọng trong trái tim của Ngài. Dường như càng bé nhỏ lại càng được Ngài yêu thương và chăm sóc hơn. Đây quả thực là niềm hy vọng cho chúng ta, vì nhiều khi chúng ta càm thấy mình tự ti mặc cảm về sự bé nhỏ của mình. Đôi khi chúng ta cảm thấy mình như bị mất hút trong thế giới loài người rộng lớn mênh mông này. Ánh sao Bêlem sẽ luôn là một dấu chỉ hy vọng cho chúng ta giữa những suy nghĩ tăm tối ấy.

Dấu chỉ Ein Karem

 

Một thành nhỏ bé khác lại trở nên dấu chỉ hy vọng lớn lao. Đây là một thành vô danh “thuộc miền núi thuộc chi tộc Giuđa”, được coi là “Ein Karem” (Suối của vườn nho), chẳng có tên tuổi lớn lao gì, lại trở thành thánh địa cho một cuộc viếng thăm và hành hương vĩ đại của lịch sử cứu độ. Hình ảnh Mẹ Maria thăm viếng Bà Elizabeth, một cuộc thăm hỏi xem ra bình thường giữa hai chị em họ trong một gia đình, lại trở thành cuộc viếng thăm cao cả trọng đại: Đức Chúa đã viếng thăm dân người”, Đấng Cứu Thế viếng thăm vị Tiền Hô và Gia Đình này! Mẹ Maria trở thành “Nhà Tạm” đầu tiên để kiệu “Thánh Thể” là Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, với một cuộc “kiệu Thánh Thể” lớn nhất nhân loại: 90 dặm (tương đương 144 km, ngày xưa đường xá hiểm trở đi bộ có thể sẽ mất tới cả 10 ngày)[2]!

Ngày nay mỗi năm có khoảng 3 triệu lượt khách hành hương đến đây. Họ có thể sẽ tìm thấy bản kinh Magnificat bằng ngôn ngữ của mình nơi đây[3], tìm thấy tia sáng cho cuộc lữ hành của họ hoặc gia đình, cộng đoàn họ. “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”, Ngài vẫn không ngừng nâng cao những kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho kẻ đói nghèo, đoái thương những người phận nhỏ…

Dấu chỉ niềm vui

ĐTC Phanxicô nói niềm vui như là một trong những dấu chỉ của sự thánh thiện[4]. Ở đây, chúng ta thấy rõ ràng, niềm vui là dấu chỉ của hy vọng. Hy vọng đến từ niềm vui ở Bêlem, vi đây là nơi được đón nhận Vị Vua Bình An, mang lại an cư lạc nghiệp, tưới gội công lý hòa bình… Hy vọng đến từ Ein Karem, vì qua Mẹ Maria, Đấng cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta được gặp gỡ và đón nhận Đấng là “Niềm Hy Vọng” của nhân loại; nơi Mẹ Maria, chúng ta học được bài học kiến tạo niềm vui Tin Mừng qua việc mang ơn giải thoát của Ngài đến cho mọi người; nơi ông Giacaria và bà Elizabeth chúng ta tìm được niềm vui khi cảm nhận Chúa hiện diện và chúc phúc cho gia đình mình…

Một lời chào của Mẹ Maria đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc sống như bà Elizabeth đã diễn tả: “Tai chị vừa nghe tiếng em chào, thì hài nhi đã nhảy lên vui sướng”. Tuy nhiên, để trở thành dấu chỉ hy vọng, Mẹ đã nỗ lực rất nhiều: nỗ lực để “xin vâng” (fiat), nỗ lực để xuất hành (ra khỏi mình, lên đường), nỗ lực để phục vụ (ở lại độ ba tháng). Sau này, Mẹ còn phải làm một cuộc hành hương nữa rất gian nan: lên Bêlem để kê khai hộ khẩu. Cũng như trước, cuộc hành hương này tuy gian nan, từ Nazareth đến Bêlem, với khoảng 150 km, năm bảy hay thậm chí chục ngày đường, trong cảnh mang nặng đẻ đau… nhưng cái kết thật có hậu, thật đáng giá: Đấng Cứu Tinh muôn dân trông đợi đã giáng sinh, niềm vui ơn cứu độ được lan tỏa đến tận cùng trái đất.

***

Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng đưa chúng ta vào chiều sâu của niềm hy vọng. Chiều sâu ấy chính là “cuộc gặp gỡ cách sống động và cá vị” với Chúa Giêsu, vì Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9) và là niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm1,1)[5].

Để gặp gỡ Ngài, chúng ta cần lên đường, ra khỏi ốc đảo của mình, nhờ đó có thể gần gũi và gắn bó với Ngài. Hơn nữa, còn có thể trao tặng Ngài cho những người khác. Có những cuộc hành hương chúng ta phải đi qua, đôi khi với rất nhiều trở ngại và khó khăn, để có thể đến với Chúa, hay đúng hơn để Chúa có thể đến với mình và anh chị em của mình.

Ước gì chúng ta cũng trở thành một dấu chỉ nhỏ bé của niềm hy vọng. Chỉ cần gặp Ngài, có Ngài trong mình, chúng ta đều có thể trao ban niềm vui Tin Mừng cho những người chúng ta gặp gỡ hoặc viếng thăm.

Mỗi ngày có biết bao cuộc “viếng thăm” lớn nhỏ, chúng ta hãy tận dụng những cuộc tiếp xúc đó như một cơ hội để trở thành một dấu chỉ sống động và hấp dẫn về niềm hy vọng Kitô giáo cho con người hôm nay.
 

[1] X. ĐTC Phanxicô, Sắc chỉ Spes non confundit, số 1.
[3] Trên bức tường của Nhà thờ Thăm Viếng, có khoảng gần 50 bản kinh Magnificat bằng các ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt,  https://glimmertours.com/blog/the-biblical-significance-of-ein-karem/
[4] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate (Hãy vui mừng và hân hoan), số 111, 122-128.
[5] ĐTC Phanxicô, Sắc chỉ Spes non confundit, số 1.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập117
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay30,065
  • Tháng hiện tại568,938
  • Tổng lượt truy cập80,971,078
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây