Chúa Nhật IV MV năm C
Lc 1,39-45
Trong các sách Tin Mừng, Đức Maria được gọi là “Thân mẫu Chúa Giêsu” (Ga 2,1; 19,25). Cả trước khi Con Mẹ chào đời, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được gọi là “Thân mẫu Chúa tôi” (Lc 1,43). Quả thật, Đấng mà Mẹ đã cưu mang làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng thật sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh (SGLHTCG số 495).
Quả vậy, Đức Maria đã được Êlisabét gọi là “Thân mẫu Chúa tôi” trong trình thuật của Tin Mừng hôm nay qua sự kiện viếng thăm của Đức Maria tới bà Êlisabét. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Êlisabét nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria với sứ thần Gápriel: Cả hai vị đều nhận định Đức Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa đã chúc phúc cho Bà; phúc lành của Thiên Chúa tiếp tục ở trên Bà. Thiên Chúa đã chúc phúc cho Bà cùng với hoa quả lòng Bà. Phúc lành của Thiên Chúa là quyền lực và sức mạnh làm cho có thể có sự sống và bảo tồn sự sống. Đức Maria là người “được chúc phúc” theo cách đặc biệt: quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa đã làm cho Mẹ có khả năng chuyển thông sự sống nhân loại cho Đức Giêsu: Người là Con Thiên Chúa, cũng là Chúa tể sự sống, sẽ chiến thắng cái chết và ban sự sống vĩnh cửu. Tiếng reo lớn của bà Êlisabét là một lời ca tụng hành động của Thiên Chúa, nhưng cũng diễn tả một nỗi kinh ngạc chan chứa niềm vui đối với Đức Maria, người được Thiên Chúa làm cho những việc cao cả như thế.
Thật thế, đây là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ và hai người con, là cuộc gặp gỡ giữa giao ước cũ và giao ước mới. Bà Êlisabét là biểu tượng cho dân Israel, dân riêng đang chờ Đấng Mêsia, còn Đức Maria là biểu tượng của dân Israel mới, người cưu mang Đấng Cứu Thế. Bà Êlisabét sinh hạ Gioan Tẩy Giả, còn Đức Maria sinh hạ Chúa Kitô. Người con của bà Êlisabét sẽ là người dọn đường cho Đấng Mêsia, còn Người Con của Đức Maria sẽ thực hiện những lời hứa cứu độ. Vì thế, trong cuộc gặp gỡ này hai người mẹ và hai người con tràn đầy niềm vui. Bởi vì, họ là những người được đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Quả đúng như vậy, lời chào của Đấng Đầy Ân Sủng là Đức Maria đã làm đứa trẻ trong bụng bà Êlisabét nhảy lên vì vui sướng. Thật thế, trẻ Gioan Tẩy Giả được tràn đầy Thánh Thần khi còn trong lòng mẹ như sứ thần Gápriel đã hứa. Theo đó, đây là sự cung kính đầu tiên đối với Đấng Mêsia với thân xác vừa được hình thành nơi cung lòng Bà Maria. Ngay lúc đó, Thánh Thần cũng làm cho bà Êlisabét cảm thấy con trẻ nhảy lên trong bụng mình. Tác giả Luca cho biết, Êlisabét được “đầy tràn Thánh Thần”. Điều này không có nghĩa là bà Êlisabét đã đón nhạn đầy tràn Thánh Thần như các môn đệ đã đón nhận Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đúng ra, lời ngôn sứ đã hiện diện trong tâm trí bà, và bà đã phát ngôn như một nữ ngôn sứ của Chúa được đầy tràn Thần Khí.
Chiêm ngắm cuộc viếng thăm của Mẹ Maria dành cho bà Êlisabét mà Tin Mừng thuật lại hôm nay giúp chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Quả vậy, khi nhìn vào cuộc sống ngày nay, chúng ta thấy những chuyện đi thăm viếng nhau dường như ngày càng ít dần, nhất là nơi những người sống ở thành thị. Có khi hai nhà ở sát cạnh nhau mà suốt cả tháng trời không gặp nhau. “Tình làng nghĩa xóm” ngày càng phai nhạt. Cuộc sống đang dần dần co cụm lại. Dường như người ta chỉ muốn sống cho riêng mình, “đèn nhà ai nhà nấy sáng”, và “sống chết mặc bay”. Do đó, câu chuyện Đức Mẹ lặn lội đường xa đến thăm và giúp đỡ bà Êlisabét là một lời nhắc nhở cho mọi người hãy biết sống quan tâm đến nhau bằng những cuộc thăm viếng nhau nhiều hơn. Và qua việc thăm viếng nhau như vậy, chúng ta cũng đem niềm vui, sự chia sẻ giúp đỡ cho nhau, và nhất là mang Chúa đến cho những người chúng ta thăm viếng và gặp gỡ. Amen.