Nỗi đau tâm linh
Thứ hai - 14/02/2022 03:07
955
Chúa Giêsu thở dài mà nói, “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?”.
Một người kia, sau 25 năm, vẫn một công việc với một mức lương cố định; anh đến gặp ông chủ và than phiền, “Tôi cảm thấy mình đã bị lãng quên, tôi đã có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm”. Ông chủ anh thở dài và nói, “Bạn thân mến, bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm; bạn chỉ có một kinh nghiệm trong một phần tư thế kỷ!”.
“Bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm!”. Một trùng hợp đầy thú vị, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng thở dài, vì xem ra, giới biệt phái cũng chưa có kinh nghiệm về Ngài. Ngài thở dài khi họ kéo nhau đến tranh luận với Ngài; và sau đó, đòi Ngài một dấu lạ từ trời. Tiếng thở dài của Ngài đã tiết lộ một ‘nỗi đau tâm linh’ sâu sắc bên trong!
Rất giống với bản dịch BJ của Pháp và NAB của Hoa Kỳ, cha Nguyễn Thế Thuấn dịch câu này là, “Tự tâm thần, Ngài rên lên”. Rõ ràng, đây không phải là một tiếng rên hay một tiếng thở dài bình thường; nó nói lên nhiều điều hơn là một cảm xúc. Vậy thì điều gì đã xảy ra với Chúa Giêsu khiến Ngài não nuột đến thế? Tiếng thở dài này cho thấy một nỗi xót xa bên trong con người Ngài; đó là một ‘nỗi đau tâm linh’ đến từ việc một tình yêu bị từ chối, một nỗi đau vì yêu. Đó là kết quả của việc Ngài chân thành yêu thương những con người này; nhưng đáp lại, họ từ chối ân điển Ngài đem đến và thay vào đó, là sự thù hận, giết chóc. Chính điều này khiến Chúa Giêsu tê tái; Ngài đau đớn vô cùng khi tình yêu vô bờ Ngài dành cho họ hoá ra công cốc!
Một điều lý thú là, hiếm khi chúng ta nghĩ đến tình yêu Chúa Giêsu dành cho những người biệt phái và ký lục! Sự thường, chúng ta chỉ nghĩ đến những lời khắt khe thẳng thừng của Ngài; thế nhưng, mọi lời mạnh mẽ Ngài hướng đến họ không ngoài mục đích biến đổi họ, để họ có thể nhận ra tình yêu của Ngài. Về phần Ngài, đó là một nỗ lực để lay động và thức tỉnh họ khỏi sự thờ ơ và từ chối ân điển Ngài tặng ban. Hành động của Ngài là một hành động của tình yêu!
Câu hỏi đặt ra hôm nay là, ‘Có bao giờ Chúa Giêsu phải thở dài vì sự thờ ơ hay cứng lòng nơi mỗi người chúng ta?’. Thật bất ngờ, phải chăng Ngài cũng thở dài vì chúng ta ‘hoài nghi’, ‘giao động’ hoặc ‘hai lòng’ như gợi ý của thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai hôm nay, “Ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động!”; “Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa!”. Thật ý nghĩa với tâm tình thống hối của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin chạnh lòng thương cho con được sống!”.
“Bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm!”. Phải, cả chúng ta, phải chăng chúng ta cũng chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm về Chúa Giêsu! Nếu có một kinh nghiệm già dặn về Ngài, kinh nghiệm về ân sủng, kinh nghiệm về cầu nguyện, kinh nghiệm về thống hối… hẳn chúng ta đã nên thánh từ lâu! Tắt một lời, Chúa Giêsu chưa được chúng ta yêu mến! Vậy mà Chúa Giêsu sẽ không để cho Ngài được yêu mến nếu Ngài không phải là Ngài, là một Giêsu nào đó; cũng như Ngài sẽ chẳng khát khao chúng ta khi chúng ta không phải là chính mình! Ngài phải là Ngài và chúng ta phải là chính mình! Chúng ta có thể muốn nhiều điều cho hạnh phúc của mình, nhưng Chúa Giêsu lại muốn chúng ta chấp nhận rằng, ý muốn của Thiên Chúa phải là trọng tâm của ‘đỉnh cao toàn thiện’ nơi mỗi người chúng ta!
“Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu mến Chúa bằng một tình yêu trong sáng và thánh thiện. Cho con biết cảm nhận một ‘nỗi đau tâm linh’ về tội lỗi mình và tội lỗi người khác, mà vì đó, Chúa phải thở dài!”, Amen.