Các thánh tử đạo Việt Nam

Thứ ba - 16/11/2021 04:33  993
vietnamese martyrsTrải qua 261 năm tính từ sắc chỉ cấm đạo đầu tiên năm 1625 đến hết thời Văn Thân 1886, dưới 6 đời vua chúa: Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức; Giáo hội Việt Nam đã chịu bách hại dữ dội. Các Kitô hữu bị gán cho những tội chống chính quyền, sách động dân chúng, phản lại dân tộc, và những tội này chỉ có nước chết mà thôi.

Đọc lại những trang Thiên Hùng Sử, phần lớn các bản án (nhất là do tổng đốc Trịnh Quang Khanh đề đạt với vua) đều quy kết cho các vị tử đạo tội chống lại các chuẩn mực gia đình và đi theo phương Tây tả đạo để chống lại vua. Các vị tử đạo đã chết vì sự vu khống đó, dù các ngài chỉ rao giảng và sống niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Đã có trên 300.000 tín hữu bị giết, có khi bị đốt cháy cả một làng nhỏ như thời Văn Thân, trong đó con số thống kê được là 130.000 tín hữu. Con số 117 vị đã được phong hiển thánh và 1 vị được phong Chân Phước như là đại diện cho hàng hàng lớp lớp cha ông chúng ta đã hy sinh vì đức tin.

Việc bắt bớ đạo Công Giáo của các chúa thời Trịnh và các vua triều Nguyễn không hẳn ở chỗ thù ghét các Kitô hữu, mà vì đạo Công Giáo dạy chỉ tôn thờ Thiên Chúa và bình đẳng mọi người như anh em, đã đụng chạm đến vai trò tự tôn “thiên tử” của các vua chúa, đồng thời vì sự yếu thế trong việc cai trị nên các vua chúa lúc bấy giờ nhìn đâu cũng thấy thù. Vì thế mà các vua chúa đã dụ dỗ các ngài đủ chiêu trò, từ nịnh nọt đến roi đòn. Một trong những thử thách mà các Kitô hữu bị bắt bớ phải làm là bước qua thập giá hoặc ít ra là giả vờ bước qua.

Ví dụ: Tại Hà Tĩnh, các quan cho gọi những người đứng đầu các họ đạo Công Giáo đến và vẽ hình chữ thập xuống đất rồi bảo họ: "Chúng tôi chẳng muốn bắt ép quí vị điều gì trái nghịch với đạo. Chúng tôi biết đây không phải là thánh giá mà quí vị tôn thờ. Vậy hãy bước qua để chúng tôi có thể trình lại với vua là chúng tôi đã thi hành lệnh, nếu không chúng tôi mắc lỗi trước mặt vua".

Ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình. Còn ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được ban thưởng bổng lộc, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, các ngài đã nói không trước những lời dụ dỗ và thúc ép ấy.

Thánh Đaminh Bùi Văn Úy nói: “Nếu tôi cả gan bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với cha mẹ vì song thân sinh ra tôi, đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết."

Và để uy hiếp các Kitô hữu và ép buộc các ngài bỏ đạo, ngoài những lời thuyết phục và dụ dỗ, vua quan ngày xưa còn áp dụng những cực hình man rợ hết sức khủng khiếp để uy hiếp các ngài: bắt mang gông cùm nặng nề, giam trong ngục tối với rắn rết, muỗi mòng ghê sợ, thiêu đốt, thắt cổ, chém đầu, phanh thây, lăng trì (chặt tay, chặt chân trước rồi chém đầu sau), bá đao –xẻo từng miếng thịt theo tiếng trống, cho đủ trăm miếng rồi chém đầu, moi ruột moi gan...

Dù vậy, các thánh tử đạo vẫn kiên quyết nói không: không chối Chúa, không bỏ đạo cho dù phải đổ máu, phải chịu xẻ thịt phanh thây, phải hy sinh mạng sống.

Ngày nay, có lẽ không còn những cuộc bách hại đẫm máu, những tra tấn, gông cùm, tù tội…, nhưng các tín hữu vẫn phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Văn hóa thực dụng và lối sống hưởng thụ đã và đang cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được nhiều thuận lợi, biết đâu, có khi chúng ta lại dễ dàng chối bỏ niềm tin của mình? Đó có thể là sống ích kỷ, không chung thuỷ trong hôn nhân, phá thai, sống buông thả, ham mê nhậu nhoẹt say sưa hơn là các giờ kinh lễ, chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối dây hiệp nhất trong cộng đoàn...

Làm sao để chúng ta vẫn ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian là điều không đơn giản. Chúa muốn chúng ta là nắm men vùi trong đống bột. Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột. Bởi vì nếu như thế, men sẽ trở nên vô ích. Cũng như muối mà mất đi chất mặn thì chỉ còn cách đổ ra đường để cho người ta chà đạp lên…

Người Kitô hữu sống đạo hôm nay được kể như người đang “lội ngược dòng đời”. Đang khi thế gian chạy theo tiền bạc và hưởng thụ, vun vén cho bản thân, chúng ta lại được mời gọi sống cho tha nhân, và mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đang khi cuộc sống hôm nay đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, chúng ta lại được mời gọi sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật. Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống và bảo vệ những mầm sống đó ngay từ những giây phút đầu tiên. Đang khi mối quan hệ gia đình, sự thủy chung trong đời sống vợ chồng ngày một lỏng lẻo, chúng ta lại được gọi mời gọi sống trung thành với nhau cho đến chết… Và mỗi lần sống như thế, là mỗi lần chúng ta tử đạo.

Lạy các thánh Tử đạo Việt Nam, là cha ông chúng con. Xin cho chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, biết noi gương các ngài thể hiện niềm tin trung kiên của mình trước những lợi lộc của thế gian bởi chính Chúa đã nói: “Ai liều mất mạng sống mình vì Chúa thì sẽ tìm cứu được mạng sống mình (x.Lc 9,24). Xin giúp chúng con biết thể hiện niềm tin của mình qua đời sống thánh thiện, bác ái yêu thương. Amen.

Tác giả: Vinhsơn Uân

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập295
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm268
  • Hôm nay58,143
  • Tháng hiện tại919,678
  • Tổng lượt truy cập69,979,552
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây