LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Ga 17,11b-19
Khi còn sống, Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến cầu nguyện. Ngài không chỉ quan tâm mà còn dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Ngài cầu nguyện mọi lúc mọi nơi và trong những hoàn cảnh đặc biệt khi phải đưa ra một quyết định quan trọng, Ngài càng cầu nguyện lâu giờ và tha thiết hơn. Một trong những lời cầu nguyện sâu sắc nhất của Đức Giêsu là lời cầu nguyện hiến tế. Gọi là lời nguyện hiến tế vì nó được cất lên từ sâu thẳm tâm hồn của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha trước cuộc khổ nạn. Lời nguyện hiến tế được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan chương 17. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một phần của lời nguyện hiến tế ấy. Vậy Đức Giêsu cầu nguyện cho ai và cho những nhu cầu gì của họ?Thưa, Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ với ba ý nguyện rất rõ ràng. Trước hết, Ngài cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất với Chúa Cha và với Ngài “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”. Ngài muốn các môn đệ được hiệp nhất với Cha và với Ngài như Ngài và Cha vốn là một. Ngài không muốn các môn đệ sống đơn độc, riêng rẽ mà sống trong một khối thống nhất vì nơi đâu có riêng lẻ, độc quyền, tranh chấp thì nơi đó thiếu yêu thương hiệp nhất. Nếu một cộng đoàn thiếu yêu thương hiệp nhất thì chính nghĩa kitô giáo bị tổn thương, lời cầu nguyện của Đức Giêsu trở nên vô nghĩa, và Tin Mừng không thể được rao giảng một cách có kết quả.Không chỉ cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất mà Ngài còn cầu xin Chúa Cha gìn giữ họ khỏi mọi sự dữ, mọi ác thần “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian như con đây không thuộc về thế gian”. Lời cầu nguyện này không mang tính lý thuyết nhưng phát xuất từ chính kinh nghiệm của Ngài. Là một Thiên Chúa làm người ở giữa nhân loại để thực hiện chương trình cứu độ, Ngài luôn bị chống đối bách hại và nhất là bị sa tan ráo riết tấn công. Chúng muốn cản trở chương trình cứu độ, muốn lôi kéo Ngài ra khỏi kế hoạch của Chúa Cha, nhằm đẩy Ngài và nhân loại vào chỗ chết. Đức Giêsu hiểu rất rõ rằng rồi đây các môn đệ cũng bị tấn công như vậy nên đã tha thiết xin Chúa Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.Vì biết rằng các môn đệ còn sống giữa thế gian, phải đối mặt với mọi hiểm nguy của thế gian nên Ngài còn tha thiết cầu xin Chúa Cha thánh hiến họ trong chân lý và sự thật “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật”. Nên thánh là cốt lõi của mọi ơn gọi và là đích điểm của ơn cứu độ. Đức Giêsu thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại không là gì khác ngoài việc làm cho nhân loại nên thánh. Muốn nên thánh người ta phải để cho lời Chúa thanh tẩy. Để được thanh tẩy bởi lời Chúa, trước tiên phải đón nhận lời Chúa vào trong cuộc đời, kế đó là loại bỏ những gì không phù hợp với lời Chúa và sau cùng để cho lời Chúa hướng dẫn mọi hành động. Đức Giêsu đã nêu gương cho tất cả nhân loại qua việc đến thế gian, đón nhận lời Cha và để cho lời Cha thánh hiến chính mình. Sau khi đã được thánh hiến bởi lời Cha, Đức Giêsu lại thánh hiến các môn đệ.Ba ý nguyện của Đức Giêsu thật rõ ràng: cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất, cầu xin cho các môn đệ khỏi ác thần, cầu xin cho các môn đệ được thánh hóa trong sự thật. Chúng ta hỏi rằng những gì Đức Giêsu cầu nguyện qua Tin Mừng hôm nay có trở thành sự thật? Thưa, những gì Đức Giêsu cầu nguyện đã được thực hiện nơi các môn đệ năm xưa. Trong số 12 tông đồ được Ngài tuyển chọn, kêu gọi và yêu thương, đều đã hiệp nhất với nhau và với Ba Ngôi Thiên Chúa, chỉ trừ Giuđa Iscario, người con bị hư hỏng như lời Kinh Thánh đã tiên báo. Các môn đệ đã được gìn giữ khỏi mọi ác thần đúng như lời Ngài cầu xin. Trừ Giuđa, số còn lại trong nhóm 12, đều được gìn giữ khỏi mọi ác thần nên đã trung thành với Chúa đến cùng và lãnh nhận phần thưởng là vinh phúc tử đạo. Tất cả các môn đệ đã được thánh hóa trong chân lý nghĩa là được tách riêng ra để thuộc về chân lý, được chân lý soi dẫn và thánh hóa. Nhờ đó mà họ có được một tâm hồn thánh thiện xứng đáng với sứ mạng được giao.Lời cầu nguyện của Đức Giêsu không chỉ ứng nghiệm với các môn đệ thân tín năm xưa mà còn hiệu nghiệm với biết bao người tín hữu trong đó các thánh tử đạo Việt Nam mà Giáo hội Việt Nam mừng kính long trọng vào Chúa Nhật 33 thường niên hôm nay. Các ngài đã hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa cả đời này lẫn đời sau. Các ngài đã được gìn giữ khỏi mọi ác thần qua việc thuộc về Thiên Chúa đến nỗi đòn vọt, xích xiềng, gông cùm..., và thậm chí cả cái chết cũng không tách các ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Các ngài đã được lời Chúa là chân lý và sự thật thánh hóa nên cuộc đời các ngài thật xứng đáng với sứ mạng và ơn kêu gọi. Phần thưởng lớn nhất mà các ngài nhận được chính là ngành thiên tuế từ đạo và vinh quang thiên quốc.Lời nguyện hiến tế của Đức Giêsu năm xưa vẫn còn đang tiếp tục ứng nghiệm trong cuộc sống của người kitô hữu hôm nay trên khắp cùng thế giới. Lời ấy cũng là lời mời gọi chúng ta tin tưởng vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, mở rộng tâm hồn mình ra cho lời Chúa đến thực hiện việc thánh hóa. Vì thế, chúng ta không nghe lời Chúa hôm nay với một tinh thần thụ động mà nghe với tất cả thái độ tích cực. Tích cực xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn, hiệp nhất với Thiên Chúa. Tích cực cộng tác với ơn Chúa chiến đấu chống lại ác thần, chống lại cám dỗ, chống lại gian ác và bất công. Tích cực để cho lời Chúa thánh hóa và tự thánh hóa như Đức Giêsu. Chính thái độ tích cực của chúng ta sẽ là men muối để cho ơn Chúa sinh hiệu quả trong cuộc đời mỗi cá nhân cũng như cho cả Giáo hội. Amen.