Lễ Thánh Gioan Baotixita
Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80
Phụng vụ thánh lễ hôm nay chuẩn bị cho chúng ta ba bài đọc. Nhìn một cách tổng thể, cả ba đều nhắm đến vai trò và sứ vụ của thánh Gioan Baotixita. Trước hết ở bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia nhắc đến vai trò làm ánh sáng mà Thiên Chúa đã đặt định cho Gioan B như một món quà Thiên Chúa dành tặng nhân loại. Còn ở bài Tin mừng, thánh Luca gọi đích danh người Thiên Chúa muốn làm ngôn sứ cho Người là Gioan. Như thế, Gioan sẽ trở nên người mang tước hiệu của Đấng tối cao. Trong khi đó ở bài thánh thư, tác giả sách Công vụ tông đồ nói đến nhiệm vụ mà Gioan đã thi hành khi ông đảm nhận vai trò là ngôn sứ của Thiên Chúa. Ông luôn luôn thể hiện tinh thần là người dọn chỗ cho Đức Giêsu.
Ở bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa chuẩn bị cho dân Người một vị ngôn sứ vĩ đại. Ngài sẽ lãnh trách nhiệm đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Vị ngôn sứ ấy lại là Người tôi trung đau khổ và nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa ngay từ đầu. Thiên Chúa chuẩn bị mọi sự để cho sự xuất hiện của Người tôi trung với tư cách là chiên con bị đem đi làm thịt, như cừu để bị xén lông. ''Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.''
Hơn nữa, Người Tôi trung được Thiên Chúa huấn luyện và bảo vệ: ''Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.''
Người Tôi Trung phải chịu đau khổ, nhưng chắc chắn sẽ chiến thắng: ''Người đã phán cùng tôi: "Hỡi Israel, ngươi là Tôi Trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang." Phần tôi, tôi đã nói: "Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì." Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.''
Thế nhưng, Người tôi trung đau khổ ở đây là ai? Là Isaia; là Gioan B hay người được ám chỉ ở đây là Đức Giêsu. Phải, chính Đức Giêsu sẽ là Người tôi trung đau khổ mà tiên tri Isaia đã tiên báo. Thiên Chúa sẽ trao cho Người nhiệm vụ rất cao cả, đó là mang vinh quang của Thiên Chúa đến cho dân Ítraen và trở nên ánh sáng cứu độ cho mọi dân tộc.
Trong biến cố truyền tin cho Dacaria, hầu như ai cũng đưa ra những thắc mắc rất con người. Làm sao mà có thể xảy ra chuyện như thế, khi mà cả hai ông bà đều đã cao niên, hơn nữa bà Elisabét lại là người hiếm hoi. Gioan đã được Thiên Chúa chọn gọi ngay từ trong lòng mẹ; được Thiên Chúa rèn giũa làm cho miệng lưỡi ông như gươm sắc bén và thành mũi tên nhọn, để ông có thể công bố lời của Thiên Chúa cho muôn dân biết hoán cải trở về với Người. Chính Thiên Chúa đã đặt Gioan làm ánh sáng muôn dân. Tuy nhiên, Gioan vẫn chỉ là người dọn đường cho Đấng Thiên sai sắp đến trần gian thực hiện chương trình hoạch định của Người.
Khi làm ngôn sứ cho Đấng tối cao, Gioan không ngừng thực thì lệnh truyền của Thiên Chúa một cách hăng say nhiệt thành. Ông sẵn sàng tuyên chiến với bất cứ sự dối giá nào nơi trần thế. Ông lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ chân lý, ra sức thu phục lòng người với mong ước họ được trở về cùng Thiên Chúa là Đấng đã an bài mọi sự. Một điều khá đặc biệt là Gioan đã dùng chính mạng sống của mình để bảo về đến cùng sự thật mà Thiên Chúa đã giao phó cho ngài.
Còn trong bài thánh thư, tác giả sách Công vụ tông đồ đã nói đến phận vụ rao giảng của Gioan là để dọn đường cho Đức Giêsu. Gioan làm việc rất hăng say, ông kêu gọi mọi người hãy tỏ lòng sám hối ăn năn, hầu như không biết mệt mỏi. Ông là một người kiên định, sống đúng tư cách là ngôn sứ của Thiên Chúa. Sống thật với chính mình và với người khác, bảo vệ chân lý đến cùng. Thành ra Gioan đã bị người đời bắt bớ và xử trảm. Tuy vậy, cái chết vì chân lý của Gioan sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai đang lầm lạc bước trong tăm tối.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là mọi kitô hữu đều mang trong mình vai trò làm ngôn sứ của Đức Giêsu. Chúng ta cũng thuộc dòng giống Abraham, là dân được tuyển chọn. Chúng ta cũng được kêu gọi để trở nên ngôn sứ của Thiên Chúa vì đã lãnh trách vụ này như một hồng ân nhưng không và vô cùng hãnh diện làm con cái của Thiên Chúa, con cái của ánh sáng. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người đã thực thi sứ vụ tới đâu hay là đang ra sức bóp nghẹt Lời Chúa trong chính tâm hồn mình. Chúng ta có sẵn sàng sống chết cho sự thật, có sẵn sàng làm chứng cho chân lý?
Xin cho mỗi người ý thức rõ vai trò ngôn sứ của bản thân mình khi là người Công giáo. Chỉ khi ý thức được như vậy, ta mới có dũng khí để làm phát ngôn viên của Đức Giêsu trong cuộc sống thường ngày một cách bình an.