Thứ Bảy tuần XXX thường niên
Lc 14,1. 7-11
Tập sách: “Những câu chuyện nhà đạo” đăng một câu chuyện như sau: Một hôm trên xe buýt có hai linh mục và hai giáo dân. Vị linh mục lớn tuổi hỏi một bác đang cùng lộ hành với ngài rằng: theo ông, thế nào được gọi là người khiêm nhường? Tưởng rằng với tuổi đời khá cao và đã từng trải, mình sẽ trả lời “ngọt như đường mía lau”. Bác ta trả lời rằng: “Thưa cha, người khiêm nhường là người không có bon chen với ai; luôn nghe lời của người khác và làm theo; và người khiêm nhường là luôn cho mình bất xứng!”. Vị linh mục kia trả lời: “Không đúng! Vì nếu người khiêm nhường chỉ mong cho được bình yên thì họ thuộc về hạng người thụ động, mềm yếu; hay luôn làm theo ý người khác là người trốn tránh trách nhiệm, thiếu tự chủ, chứ thực chất không phải khiêm nhường; hoặc luôn coi mình là bất xứng thì không chừng, khiêm nhường kiểu này chẳng khác gì ‘một lần khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo’ vì họ có thể dùng chiêu thức này để người khác đề cao, khen ngợi và đánh giá mình đạo đức trước mặt mọi người”. Bác kia hỏi lại: “Vậy ai là người khiêm nhường thật?” Linh mục trả lời: “Người khiêm nhường là người sống đúng sự thật, biết nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật”.
Trong xã hội đương đại, con người luôn muốn được đề cao địa vị và đẳng cấp của mình: Đẳng cấp của người tổ chức bữa tiệc, đẳng cấp của người đi dự tiệc. Ai cũng muốn thể hiện bản thân. Ai cũng nghĩ mình là người xứng đáng hơn người khác. Thèm muốn vinh dự, chức tước, giàu sang… đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội, xã hội qua mọi thời đại.
Thế nhưng hôm nay Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta bài học khiêm nhường đi ngược lại với thai độ hám danh của con người. Ngài đã khéo léo lấy câu chuyện chỗ ngồi trong bữa tiệc như một dụ ngôn để dạy cho chúng ta: "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc14,11).
Đức Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Cũng như bữa tiệc trần gian thì bữa tiệc Nước trời cũng mang dáng dấp của một cuộc chiến. Tiệc trần gian tranh giành chỗ nhất qua việc cạnh tranh với người khác, tiệc Nước trời qua cuộc chiến với chính mình. Trần gian đấu tranh với người khác để dành lấy chức tước, địa vị, tiền tài… còn Nước Trời là cuộc đấu tranh với chính mình, chiến thắng đó là biết hạ mình xuống, huỷ mình ra không, coi người khác trọng hơn mình.
Bên cạnh đó nhân câu chuyện tiệc cưới này, Đức Giêsu cũng muốn dạy cho các biệt phái là những thực khách chủ chốt của bữa tiệc hôm đó về thói giả nhân giả nghĩa, vốn hám danh với tự mãn của họ. Với cách ăn chay, bố thí, cầu nguyện mà họ đã ngày đêm chuyên cần thực thi, họ đã dễ dàng lên mặt khinh thường người khác. Nhân cơ hội này, Ngài muốn đưa họ trở về với chính mình, sống đúng căn tính của con người của mình. Đồng thời Ngài cũng mời gọi chúng ta biết sống khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và anh chị em đồng loại. Người khiêm nhường đích thực là người nhận ra sự hữu hạn của mình và trân nhận quyền uy của Thiên Chúa. Nhận ra sự yếu hèn lỗi tội của mình để khiêm tốn chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa để cầu xin sự thứ tha, người khiêm nhường là người không dễ dàng xét đoán người khác, không dám coi mình hơn người khác để có thái độ coi thường và khinh chê. Người khiêm tốn thực sự là người không bao giờ dám vênh vang với mọi người về khả năng và tài cán của mình bởi họ luôn ý thức mọi cái họ có đều là ân ban của Thiên Chúa.
Ước mong qua bài tin mừng hôm nay, mỗi Kitô hữu luôn biết cầu xin và chạy đến với Đức Giêsu để Ngài dạy cho ta bài học về sự khiêm nhường, vì Ngài đã từng kêu gọi: “Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Đồng thời cũng mặc lấy tâm tình của Đức Maria trong bài Magnigicat:“Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn đến… Chúa hạ bệ những ai quyền thế, người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,46-55). Khi có được tâm tình và thái độ khiêm tốn, ta sẽ dễ dàng đón nhận mọi sự góp ý của người khác để từng ngày nên tốt hơn. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng ta trên con đường tập sống khiêm tốn và tự hạ để mai sau được cùng Mẹ hoan hưởng vinh phúc trên Thiên đàng.