THỨ SÁU TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN
Lc 14,1-6
Ai trong các ông có đứa con trai hoặc con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát? (Lc 14,5).
Có lẽ câu nói: “Ở đâu Đức Giêsu hiện diện, ở đấy người ta không yên” làm chúng ta sốc; câu nói ấy có vẻ như xúc phạm đến Đức Giêsu quá! Nhưng bài Tin mừng hôm nay (Lc 14,1-6) quả thật cho thấy sự hiện diện của Ngài tại nhà ông thủ lãnh nhóm Pharisêu đã làm cho người mắc bệnh phù thũng không yên và đặc biệt cũng đã làm cho cả nhóm các nhà thông luật lẫn nhóm Pharisêu đều đứng ngồi không yên chút nào!
Trước hết, sự hiện diện của Đức Giêsu đã làm cho người mắc bệnh phù thũng “không yên”. Anh ta không yên không phải vì căn bệnh làm cho anh ta đau đớn khiến không thể ngồi yên một chỗ được nhưng anh ta “không yên” vì anh ta đã được Đức Giêsu quan tâm, khiến anh phải di chuyển. Thật vậy, mặc dầu bị dò xét hầu tìm cớ bắt lỗi luật nghỉ ngày Sabát, Đức Giêsu vẫn “đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi cho anh và cho anh về” (Lc 14,4). Anh mắc bệnh phù thủng này “không yên” vì có Đức Giêsu hiện diện ở đấy, gần bên anh. Người đã quan tâm đến anh, cứu chữa anh ngay cả khi anh chưa lên tiếng hay không dám lên tiếng kêu xin Người cứu chữa. Đúng là sự hiện diện của Đức Giêsu đã khiến anh ta không yên, phải di chuyển, phải đi về nhà. Nhưng đây là sự “không yên” đầy ân phúc, sự “không yên” anh hằng ao ước, sự “không yên” bất cứ ai cũng mong ước khi rơi vào tình cảnh bệnh phù thũng của anh.
Tiếp đến, sự hiện diện của Đức Giêsu đã làm cho những người thông luật và nhóm Pharisêu không yên. Quả vậy, sự xuất hiện của Đức Giêsu tại bữa tiệc đã khiến nhóm Pharisêu để ý: “họ cố dò xét người” (Lc 14,1). Tuy nhiên, xem ra đây là hành động mang tính chủ động của nhóm Pharisêu. Họ chủ động, họ cố ý dò xét xem Đức Giêsu có chữa anh bệnh phù thũng, một người mà có lẽ họ đã bố trí sẵn để gài bẫy Người. Sự không yên này cần loại bỏ. Biết được ý định của họ, Đức Giêsu đã nắm thế chủ động và khiến họ không yên khi Ngài lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: “Có được phép chữa bệnh ngày Sabát không? (Lc 14,5). Bề ngoài, những người này rất yên: “họ làm thinh” nhưng bên trong tâm hồn chắc chắn “không yên” chút nào. Bên trong tâm trí họ sẽ rối bời những ý nghĩ thuận nghịch: một bên là lề luật, một bên là hoàn cảnh, tình thương đối với anh phù thũng này. Họ thật sự căng thẳng, bí bách, hoang mang, mất phương hướng, nên không thể nói lên lời. Họ dành nín thinh. Chúa đã làm cho họ không yên.
Sau cùng, sau khi ân cần chữa người bị phù thũng, cho anh ta về nhà, Đức Giêsu lại ôn tồn nói với những người thông luật và các biệt phái: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” hầu khơi gợi lòng trắc ẩn nơi tâm trí họ. Trong cái nhìn của thánh Luca, một y sỹ, cũng cho ta thấy Đức Giêsu như một lương y như từ mẫu, rất tế nhị, nhẹ nhàng. Mặc dầu họ không trả lời câu hỏi của Đức Giêsu nhưng ít ra như thánh Luca mô tả: “Và họ không đáp lại những lời đó” (Lc 14,6) cũng cho thấy họ đã biết dừng lại để nghĩ suy. Hy vọng, với sự hiện diện hiền lành, tử tế họ nhận được từ Đức Giêsu, tâm hồn các luật sỹ và biệt phái sẽ “không yên” nghĩa là sẽ không còn chai đá nữa nhưng được biến đổi, sẽ mềm mỏng, sẽ động lòng trắc ẩn, sẽ biết thương xót như Đức Giêsu, như cha trên trời là Đấng giàu lòng xót thương. Amen.