Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34
Tin Mừng Chúa Nhật XXXI thường niên năm B cho thấy lời giáo huấn của Đức Giê-su về hai điều răn hàng đầu trong các giới răn. Đó là yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình. Đức Giê-su đã trưng dẫn cho vị kinh sư và những người thuộc nhóm Xa-đốc thấy rằng luật mến Chúa và yêu người đi liền với nhau. Ngài có ý nhấn mạnh tính bất khả phân ly giữa luật mến Chúa và yêu người. Điều này có nghĩa là ai đã có lòng yêu mến Chúa thì cũng có đức yêu người và ngược lại ai đã có lòng yêu thương anh em thì dĩ nhiên cũng có lòng yêu mến Chúa. Mến Chúa và yêu người là hai giới răn song hành với nhau. Trong bức thư thứ nhất, Thánh Gioan Tông đồ đã xác quyết rằng: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình thì người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”.
Kính thưa cộng đoàn ! Trong đời sống đức tin của chúng ta, nói đến yêu mến Chúa thì chắc hẳn ai trong chúng ta ở đây cũng có lòng mến yêu Chúa nhưng nói đến yêu thương tha nhân thì chắc hẳn đây lại là một thách đố đầy khó khăn. Yêu thương những ai yêu thương mình, quan tâm đến mình, đối xử tử tế với mình thì quả là điều thật dễ dàng. Cho nên chúng ta thấy khi yêu thương ai, thì người ta rất dễ bắt được sóng của nhau. Bởi vì tình yêu thương giữa hai người nó có cùng một tần số. Và tần số yêu thương ấy khiến cho người ta rất dễ dàng hiểu nhau, dễ dành tình thương cho nhau, và người ta luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến cho người mình yêu thương. Nhưng để mà dành tình thương cho những người ghét chúng ta, những người không ưa chúng ta, những người mà chúng ta không có thiện cảm thì cần phải hy sinh nhiều thứ lắm như hy sinh ý riêng, hy sinh cái tôi, rồi những sở thích này kia..v..v.. Không có sự hy sinh đó thì mối tương quan với tha nhân sẽ bị rạn nứt, thậm chí mối dây tình người ấy sẽ bị cắt đứt. Là những người có lòng yêu mến Chúa, khi chúng ta có mâu thuẫn với ai về một vấn đề gì đó, trước tiên chúng ta được mời gọi hãy âm thầm cầu nguyện cho họ. Chúng ta tin tưởng rằng Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài sẽ có cách của Ngài để giúp cho chúng ta tìm thấy mối dây yêu thương đích thực. Kinh nghiệm thiêng liêng cho chúng ta thấy rằng khi lòng mến Chúa và yêu người vượt lên trên những chữ viết của Luật thì chúng ta dễ tìm thấy sự an bình trong tâm hồn, không còn quả tim ghen ghét, không còn mất ăn mất ngủ vì hận thù nữa nhưng là một sự bình an đích thực tràn đầy niềm vui.
Trong cuốn sách có nhan đề “Cuộc đời đáng sống”, khi nói về tình yêu, Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đã nhận định rằng “Tình yêu là thứ mà chúng ta không bao giờ có thể tàng trữ, nó phải là thứ chúng ta cần cho đi nếu chúng ta muốn chiếm hữu được nó”. Như thế, nếu mỗi người trong chúng ta muốn có sự hiện diện của tình thương trong trái tim mình thì hơn hết, chúng ta cũng cần trao ban tình thương đến cho người khác, nhất là những người chúng ta cảm thấy không yêu thương nổi. Đó là một nghĩa cử cao đẹp vượt lên những tính toán trần thế mà sẵn sàng trở nên con cái của Đấng ngự trên trời. Chắc chắn, giới luật yêu thương mà Đức Giêsu đã truyền dạy, trong mọi nơi và giữa mọi thời luôn là thách đố không nhỏ cho đời sống Kitô hữu chúng ta. Sở dĩ là thách đố vì không phải ai cũng có đủ nghị lực để thực thi giới răn này, nhất là thể hiện tinh thần đó với những người mà chỉ cần nhìn thôi chúng ta đã ghét. Đức Giêsu truyền rao lối thực hành đó và chính người đã làm gương cho chúng ta trong đời sống bác ái. Chúng ta thấy, vì yêu thương chúng ta, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, mặc lấy xác phàm yếu đuối để rồi chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Trong đời sống công khai, Người đã sống yêu thương với hết thảy mọi người, nhất là những người bị gạt ra bên lề của xã hội, những người tội lỗi. Người chạnh lòng thương ai bé nhỏ nghèo hèn, chữa trị bao tấm lòng tan vỡ, cứu giúp những ai ngồi trong bóng tối của tử thần. Và đặc biệt, trong lúc cực khổ nhất trên thánh giá, khi mà nhiều người nghĩ rằng sự đau đớn về thể xác sẽ khiến Ngài bực tức và căm phẫn những kẻ giết Ngài, thì Đức Giêsu đã thể hiện tình thương của mình với lời tha thứ “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Chính hành vi cao thượng của Ngài đã thể hiện trọn vẹn tình thương của Thiên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta.
Là những Kitô hữu, những con cái của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi tìm thấy hạnh phúc của mình trong chính hạnh phúc của người khác qua lối sống yêu thương tha thứ, ngay cả những kẻ thù. Nói lời yêu thương thì dễ nhưng thể hiện tinh thần đó bằng những việc làm thiết thực mới là điều khó. Cộng đoàn chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau. Nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức để mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn ý thức và thực thi tinh thần bác ái như Chúa Giêsu đã dạy. Có như thế, tình Chúa tình người mới hiện diện trong đời sống chúng ta.